"Nô lệ thời hiện đại" bao giờ mới chấm dứt?

Thế giới hôm nay, Theo VTV 09:06 15/09/2022

Theo ILO, việc chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại trước hết cần tập trung vào xóa đói giảm nghèo, giải quyết nạn thất nghiệp, bạo hành và phân biệt đối xử.

Chế độ nô lệ thời hiện đại bao gồm nhiều dạng thức như nạn buôn người, bắt trẻ em làm binh lính, hôn nhân ép buộc và tảo hôn, lao động di cư trái phép.

Tình trạng này không chỉ hiện hữu tại các nước nghèo như nhiều người vẫn nghĩ, mà tồn tại cả ở những quốc gia phương Tây phát triển. Chính vì quy mô và tác động sâu rộng của vấn đề này, cuộc chiến chống lại chế độ nô lệ thời hiện đại đòi hỏi sự chung tay phối hợp và đổi mới hành động trên phạm vi toàn cầu.

Vaillante Official Trailer - Đây là trích đoạn trong bộ phim Vaillante (tạm dịch là Dũng cảm) do Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF thực hiện. Bộ phim kể câu chuyện về hai cô gái, một người là nhà hoạt động nhằm chấm dứt nạn kết hôn cưỡng ép, và người kia sắp bị ép phải kết hôn.

Nữ diễn viên này đóng vai nhà hoạt động đấu tranh chống lại hôn nhân cưỡng ép. Maguy Essey chia sẻ: "Khi bắt đầu đọc kịch bản và tham gia đóng bộ phim này, tôi đã xem số liệu thống kê ở các nước Tây Phi và tôi bị sốc khi thấy tỷ lệ rất cao các cô gái trẻ là nạn nhân của hôn nhân cưỡng bức. Vấn đề này thực sự tồn tại nhưng không ai nhắc đến nó".

Mục đích lớn nhất của phim là nhằm nâng cao nhận thức về một vấn nạn đã và đang tác động tới hơn 500 triệu phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới.

Nô lệ thời hiện đại bao giờ mới chấm dứt? - Ảnh 1.

Nâng cao nhận thức và tăng cường giáo dục cũng là việc mà một tổ chức phi lợi nhuận đang thực hiện để giảm thiểu tình trạng bỏ học, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức tại Jordani.

Mồ côi từ nhỏ, phải bỏ học từ năm 14 tuổi, Saddam Sayyaleh - người sáng lập tổ chức ILearn đã từng làm đủ nghề và cũng từng là nạn nhân của lao động cưỡng bức. Chính những trải nghiệm khó khăn thời niên thiếu đã thôi thúc anh giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh giống mình.

Saddam Sayyaleh cho biết: "Tại ILearn, chúng tôi có ba chương trình chính. Chương trình dành cho trẻ em, ở đó chúng tôi dạy các em lập trình CNTT, kỹ năng sống, nghệ thuật, biểu diễn sân khấu và ngôn ngữ. Thứ hai là chương trình dành cho thanh niên, các bạn trẻ sẽ tham gia các hoạt động tình nguyện, nhờ đó thu hẹp khoảng cách giữa thị trường lao động và kỹ năng của họ. Chương trình thứ ba hướng tới cộng đồng. Chúng tôi muốn cộng đồng biết được những điều chúng tôi đang làm, từ đó họ có thể hiểu được quan điểm và những đổi thay xảy đến với con em mình và cùng vun đắp cho tương lai của các em".

Sau 10 năm hoạt động, ILearn đã hỗ trợ được hơn 10 nghìn trẻ nhỏ và khoảng 1.500 thanh thiếu niên. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đã và đang thực hiện nhiều chương trình để củng cố các quy định pháp luật, tăng cường bảo vệ, hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương, nhằm giảm đáng kể hoặc tiến tới chấm dứt vấn đề lao động cưỡng bức.

Nô lệ thời hiện đại bao giờ mới chấm dứt? - Ảnh 2.

Ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhấn mạnh: "Chúng ta phải cải thiện các phương thức tuyển dụng sao cho công bằng và đúng chuẩn mực đạo đức. Chúng ta phải tăng cường việc thanh tra lao động. Tất cả những điều này chúng ta đều biết là có hiệu quả, chỉ là chúng ta vẫn chưa làm đủ".

Cũng theo ILO, việc chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại trước hết cần tập trung vào xóa đói giảm nghèo, giải quyết nạn thất nghiệp, bạo hành, phân biệt đối xử, bị gạt ra bên lề xã hội.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác giữa các chính phủ và với các tổ chức quốc tế và khu vực liên quan trong các lĩnh vực như thực thi pháp luật lao động, thực thi pháp luật hình sự và quản lý di cư.

Liên quan đến mục tiêu xóa bỏ lao động cưỡng bức, Ủy ban châu Âu EC dự kiến trong tuần này sẽ công bố kế hoạch về lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ lao động cưỡng bức. Lệnh cấm có khả năng trở thành luật sớm nhất vào năm sau, sẽ áp dụng đối với tất cả sản phẩm, kể cả thành phần của chúng, sử dụng lao động cưỡng bức ở bất kỳ giai đoạn nào trong quy trình sản xuất, thu hoạch hoặc khai thác. Giày dép, quần áo và các mặt hàng như gỗ, thủy hải sản và ca cao là những sản phẩm có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm này.