No Kids Zone - Khu vực không dành cho trẻ em: “Đòn phạt” phụ huynh, phân biệt đối xử với con nít hay biểu hiện của sự văn minh?

Hoa Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 16:38 17/06/2022

Vì sao “No Kids Zone” (Khu vực không dành cho trẻ em) xuất hiện và được áp dụng? Phải chăng đây chính là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ về việc giáo dục con cái hành vi ứng xử tại nơi công cộng?

“No Kids Zone” - “Khu vực không dành cho trẻ em”, một khái niệm còn tương đối mới ở Việt Nam, nhưng đã xuất hiện tại nhiều khu vực cửa hàng, quán ăn, quán cafe, v.v. tại Hàn Quốc từ lâu. Lý do vì đâu mà “No Kids Zone” được áp dụng? Những ý kiến tranh luận về “No Kids Zone” ra sao? … Hãy cùng tìm hiểu theo thông tin tổng hợp dưới đây.

Liên tiếp những vụ việc trẻ con đến khu vui chơi, quán ăn… gây thiệt hại lớn về tài sản

Tháng 5/2022, tại cửa hàng đồ chơi KK Plus ở trung tâm mua sắm Langham Place, Hong Kong, cậu bé 5 tuổi Lucas bị cho là đã làm vỡ bức tượng đồ chơi trang trí có trị giá 52.000 HKD (tương đương với khoảng hơn 155 triệu đồng). Mặc dù gia đình của bé Lucas đã nhận trách nhiệm bồi thường, tuy nhiên sau đó phía cửa hàng lại liên hệ với bố của bé để hoàn tiền và thỏa thuận cách giải quyết ổn thỏa nhất.

Sau khi vụ việc xảy ra, bố Lucas chia sẻ, cậu bé rất hoảng sợ khi nhìn thấy bức tượng đổ xuống. Khi về nhà, bé đã rất shock và phải nghỉ học vào ngày hôm sau để bình tĩnh và lấy lại tinh thần. Anh nói: “Lucas nhiều lần hỏi tôi và vợ tôi tại sao món đồ chơi ấy lại đáng sợ như vậy. Khi bức tượng đổ xuống và vỡ tan tành, nó đã bất động và không thốt lên lời. Con trai tôi thật sự đã rất sợ hãi.”

Một món đồ có giá tiền vô cùng lớn, nhưng khi sự việc xảy ra, rất khó để hai bên có thể hòa giải bởi đôi khi nguyên nhân làm bức tượng đổ xuống cũng rất khó xác định là do lỗi của bên nào, do bé chạm tay vào hay do phía cửa hàng đặt bức tượng không vững và không có rào chắn?

Không lâu trước đó, một tờ báo Korea Times (Hàn Quốc) từng đưa tin về trường hợp hai đứa trẻ bị bỏng do chạy lung tung trong một nhà hàng. Một đứa trẻ bị bỏng do phải một nhân viên mang nước nóng, đứa trẻ còn lại bị bỏng than khiến nhà hàng phải bồi thường tổng cộng lên tới 57 triệu Won (hơn 1 tỷ đồng).

Vào tháng 1/2022, phương tiện truyền thông đưa tin, một bé trai tầm 3 - 4 tuổi làm vỡ một bức tượng chuột Mickey trị giá 130.000 nhân dân tệ (khoảng 450 triệu đồng) của một cửa hàng đồ chơi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Theo nhân viên, đứa trẻ đã leo lên đầu chuột Mickey và làm bức tượng đổ xuống, và sau đó cha mẹ của đứa bé đã bồi thường cho cửa hàng.

Đứng trước những sự việc này, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ ý kiến như sau.

“Cửa hàng đã không làm tốt việc bảo vệ các đồ vật có giá trị, do đó phía cửa hàng cũng phải chịu trách nhiệm.”

“Món đồ đắt như vậy, đáng lẽ nó phải được bảo vệ bằng rào chắn hay thứ gì đó chứ?”

“Những thứ có giá trị như vậy đem đặt ở nơi công cộng cần phải có các biện pháp bảo vệ an toàn, cửa hàng không thực hiện nên giờ họ phải lãnh hậu quả là đúng.”

“Phụ huynh không hề trốn tránh trách nhiệm, không gây khó dễ và cũng đã thương lượng bồi thường, sự việc không phải đã được giải quyết rồi sao?”

“Sao nhiều người chỉ quan tâm đến việc cửa hàng có chịu trách nhiệm không, hay phụ huynh có bồi thường cho món đồ giá trị như vậy hay không mà hầu hết lại bỏ qua điều quan trọng nhất về sự an toàn của đứa trẻ này nhỉ?”

No Kids Zone - Khu vực không dành cho trẻ em: “Đòn phạt” phụ huynh, phân biệt đối xử với con nít hay biểu hiện của sự văn minh? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, cho dù những trẻ em này vô tình làm hư hỏng tài sản của các cửa hàng, quán ăn, v.v. thì việc đền bù sẽ do phụ huynh hay từ phía bị tổn thất đây?

Mỗi người mười ý, ai cũng có những lý lẽ đúng của riêng mình, nhưng liệu có cách nào giảm thiểu được tối đa những nguy cơ tổn thất này không?

Trong các cuộc điều tra dư luận, việc ủng hộ “No Kids Zone” (Khu vực không dành cho trẻ em) ở Hàn Quốc ngày càng tăng, do đó xu hướng này vẫn được duy trì và có chiều hướng được áp dụng rộng rãi hơn. Theo cuộc khảo sát ý kiến của 1.000 công dân Hàn Quốc vào tháng 12/2021 cho thấy 80% người dân đồng tình với sự tồn tại của “No Kids Zone”, vì thực sự “một số cha mẹ không quản lý được con cái” tại các khu vực công cộng.

Cũng theo khảo sát của Hankook Research vào tháng 12 năm 2021, chỉ có 17% phản đối “No Kids Zone”, và tính tới thời điểm hiện tại, có hơn 400 cơ sở dịch vụ được định vị là “Khu vực không dành cho trẻ em” trên Google Maps Hàn Quốc.

No Kids Zone - Khu vực không dành cho trẻ em: “Đòn phạt” phụ huynh, phân biệt đối xử với con nít hay biểu hiện của sự văn minh? - Ảnh 2.

Trên thực tế, trẻ em thường rất hoạt bát, hiếu động, tò mò, thích tiếp xúc với cái mới. Đây là đặc điểm của trẻ ở độ tuổi này, và không phải là lỗi của bản thân đứa trẻ, tuy nhiên, lỗi của cha mẹ là không ngăn chặn kịp thời một số hành vi nguy hiểm của trẻ. Vì thế khi trẻ đã có thể giao tiếp với cha mẹ bằng ngôn ngữ bình thường, về cơ bản có thể hiểu những gì cha mẹ nói, thì trước hết, khi ở nhà, cha mẹ nên cho trẻ biết hành vi nào là nguy hiểm, nêu hậu quả của việc thực hiện những hành vi này, dặn dò trẻ không được động vào đồ của người khác khi chưa có sự đồng ý của họ, tránh gây ra những sự cố đáng tiếc.

“No Kids Zone” là “đòn phạt" cha mẹ - phân biệt đối xử với trẻ con hay biểu hiện của văn minh?

“No Kids Zone” là trào lưu bắt nguồn từ năm 2014 tại Hàn Quốc - nơi các ông bố bà mẹ đều coi con mình là độc nhất vô nhị, luôn lấy con làm trung tâm, và nuông chiều quá mức.

Tất nhiên việc cha mẹ yêu thương con cái là hiển nhiên, nhưng một khi tình yêu này bị bóp méo thì tự nhiên nó sẽ trở thành những điều hết sức vô lý trong mắt người khác, ví dụ để chúng tự chơi đùa thoải mái trong nhà hàng mà không có người trông coi, nô đùa hò hét gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, tự ý nghịch điện thoại, và hầu như không có có ý thức tôn trọng tài sản của người khác.

No Kids Zone - Khu vực không dành cho trẻ em: “Đòn phạt” phụ huynh, phân biệt đối xử với con nít hay biểu hiện của sự văn minh? - Ảnh 3.

Có thể một phần do tính cách của những đứa trẻ quá hiếu động, nhưng cũng một phần do bố mẹ của những đứa trẻ này không chú ý nhắc nhở con cái chú ý đến cử chỉ hay hành vi của mình, dẫn đến việc gây tổn hại về tài sản tại các khu mua sắm, siêu thị, cửa hàng, quán café, v.v.

Một tổ chức ở Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát liên quan đến nhân viên làm việc trong quán cà phê và phát hiện ra rằng 72,65% nhân viên đồng ý từ chối cho trẻ em vào cửa, và nguyên nhân chính là bởi trẻ em thường rất ồn ào khiến nhiều khách hàng khác phàn nàn vì bị cảm thấy làm phiền, tuy nhiên cha mẹ của những đứa trẻ này lại vô tư kệ cho con mình hành động như vậy, không nhắc nhở cũng không hề có bất kỳ một động thái ngăn cản nào.

Rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này đã được đem ra thảo luận vô cùng sôi nổi, đặc biệt là trong giới phụ huynh. Họ cho rằng, đó là hành vi phân biệt đối xử với trẻ em cũng như các bậc làm cha làm mẹ. Vào năm 2017, Ủy ban nhân quyền tại Hàn Quốc đã phản hồi những khiếu nại của những phụ huynh này, cho rằng việc hạn chế trẻ em dưới 13 tuổi tới một số địa điểm là không hợp lý, và được liệt kê vào một trong những “hành vi phân biệt đối xử”.

Đến nay, không chỉ ở Hàn Quốc mà các quốc gia khác cũng đang dần xuất hiện "No Kids Zone", “Children Free Zone”, ví dụ như các hãng hàng không Malaysia Airlines, AirAsia, Scoot Airlines và IndiGo Airlines đều đã áp dụng bởi nhiều hành khách đã chịu đựng sự ồn ào của trẻ em trên máy bay, đặc biệt trên các chuyến bay dài.

No Kids Zone - Khu vực không dành cho trẻ em: “Đòn phạt” phụ huynh, phân biệt đối xử với con nít hay biểu hiện của sự văn minh? - Ảnh 4.

Việc áp dụng “No Kids Zone” có thực sự hợp lý và cần thiết hay không? Sự ra đời của “No Kids Zone” là biểu hiện của sự phân biệt đối xử hay xu hướng của một xã hội văn minh?

Điều này thật khó để đánh giá và cần cân nhắc tới nhiều yếu tố bởi mặc dù các khu vực công cộng, các nhà hàng, quán cafe, trung tâm thương mại, v.v. có thể yên tĩnh hơn, những tổn thất về tài sản có thể ít nghiêm trọng hơn, nhưng “No Kids Zone” có thể sẽ tác động không tốt đến tâm lý của trẻ bởi “No Kids Zone” giống như một hàng rào vô hình ngăn chặn các hoạt động xã hội của trẻ.

Chính vì vậy, theo một số chuyên gia tâm lý học và xã hội học, chúng ta cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng, các nghĩa vụ đạo đức và xã hội để tìm ra giải pháp, đồng thời kêu gọi hỗ trợ chính sách để giảm thiểu sự bất tiện cho cả hai bên chứ không phải chỉ đơn thuần dựng nên rào chắn như “No Kids Zone”.

https://kenh14.vn/no-kids-zone-khu-vuc-khong-danh-cho-tre-em-don-phat-phu-huynh-phan-biet-doi-xu-voi-con-nit-hay-bieu-hien-cua-su-van-minh-20220616170410537.chn