Những người cha cõng chữ lên “miền đất khổ”

Bài viết: X; Thiết kế: Hoàng Anh, Theo Trí Thức Trẻ 15:30 02/01/2019

Không chỉ dạy cho học trò những con chữ, các thầy giáo Tri Lễ còn chăm lo cho các em ngày đêm. Những người thầy giáo uy nghiêm, xa cách với học trò, không có ở vùng Tri Lễ. Thay vào đó là những thầy giáo như mẹ hiền, luôn dịu dàng và ân cần, tận tụy.

Những người thầy giáo uy nghiêm, xa cách với học trò không có ở vùng Tri Lễ. Ở đó chỉ có người cha thứ hai trong cuộc đời.

Trong Tứ ân, bốn cái ơn lớn nhất đời người (ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn tổ quốc, ơn chúng sanh) thì ơn thầy bạn đứng ngay sau công ơn cha mẹ. Với mỗi chúng ta, công ơn dạy dỗ của thầy cô là cao cả, thiêng liêng hơn cả bạc vàng, châu báu.

Thế nhưng, với trẻ em Tri Lễ, thầy cũng như cha chú, bạn cũng như anh em trong nhà. Ngoài cái ơn dạy dỗ, thầy bạn ở Tri Lễ như gia đình thứ hai đối với các em mà trong đó thầy là cha, người cha cõng chữ. Giữa miền đất khổ, tình người trở nên ấm áp, thiêng liêng, thắp lên những hi vọng le lói, mong manh trong bóng tối miền núi Phà Cà Tún.

Những người cha cõng chữ lên “miền đất khổ” - Ảnh 1.

Không chỉ dạy cho học trò những con chữ, các thầy giáo Tri Lễ còn chăm lo cho các em ngày đêm. Những người thầy giáo uy nghiêm, xa cách với học trò, không có ở vùng Tri Lễ. Thay vào đó là những thầy giáo như mẹ hiền, luôn dịu dàng và ân cần, tận tụy.

Cứ mỗi 7h sáng thứ hai, thầy Vi Văn Dương lại nhắc nhở các em xung quanh trường đến lớp bằng hồi trống dài. Khi tốp trẻ men theo con đường nhỏ tiến vào cổng, các thầy đứng đón các em, rồi thầy nắm lấy bàn tay bé nhỏ, từ tốn dẫn từng em mặt mũi, chân tay lem luốc đi rửa ráy. Rửa sạch tay chân đâu vào đấy, các thầy lại lau khô, cặm cụi, lặng lẽ, tỉ mẩn buộc tóc, cắt móng tay, móng chân cho học trò. Những việc này thường xuyên diễn ra như thể đó là một bài học về tình thương, sự quan tâm và săn sóc mà những học trò nơi đây học được.

Những người cha cõng chữ lên “miền đất khổ” - Ảnh 2.

Không chỉ dạy dỗ, thay bố mẹ chăm sóc các em, thầy giáo ở Tri Lễ cũng không ngại ngần trước chuyện bế bồng, chăm bẵm những đứa bé theo anh chị đến trường. “Ở đây lắm khi thầy giáo kiêm luôn cả trông trẻ. Nếu không cho các cháu nhỏ vào lớp thì học sinh sẽ phải nghỉ học ở nhà trông em cho bố mẹ đi rẫy. Trò ở nhà trông em hay theo cha mẹ vào rẫy, thầy biết dạy ai?” thầy Lỳ Bá Sử nói.

Ở Tri Lễ, khi nào đông trẻ mẫu giáo thì lớp được mở, khi nào ít quá, trẻ con trong độ tuổi mẫu giáo phải ở nhà hoặc tha thẩn lên sân trường chơi. Nhiều lúc thầy trò đang say sưa dạy học, phụ huynh lấp ló ngoài cửa. Học sinh lại đặt sách xuống, ra cửa cắp em vào. Anh ngồi nép một bên, em ngồi giữa cho khỏi ngã. Có khi quanh quẩn dưới chân anh chán, đứa trẻ chạy ra ngoài, thầy Sử phải bỏ phấn chạy theo, bế vào lớp. Trẻ con ở đây dù chưa đến tuổi đi học cũng chẳng đứa nào lạ thầy giáo nữa.

Những người cha cõng chữ lên “miền đất khổ” - Ảnh 3.

Thầy Nguyễn Hồng Hiệp - giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ, huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An đã từng chia sẻ về việc học sinh của mình vừa bế em vừa học. Trên trang cá nhân, thầy Hiệp viết: “Gia đình đi làm nương (đi rẫy) cả, nên các anh chị (các em học sinh) phải trông em. Mà để em ở nhà thì anh chị cũng phải ở nhà trông em. Nên đành thêm nhiệm vụ mới đó là vừa học vừa trông em…”.

Đoạn hội thoại bằng tiếng Mông ngắn gọn của thầy Hiệp với học sinh của mình: “Lò nó xầy pùa chìa tu mùa cởn tớ” được dịch là: “Lại đây thầy bồng để cho chị học bài” đã từng là câu chuyện đầy cảm xúc, lay động nhiều trái tim những người đọc được. Ngoài chuyện dạy - học, thầy trò Tri Lễ còn chia sẻ nhau cả chuyện trông em, chuyện lặt vặt trong nhà và những câu chuyện khó khăn như người trong một gia đình.

Tận tụy ban ngày, vào buổi tối, các thầy còn chia nhau vào bản vừa thăm gia đình, vừa kiểm tra việc học bài của trò. Các thầy tự cắt bớt thời gian nghỉ hè, dành khoảng nửa tháng để phụ đạo, nhắc lại kiến thức cho học sinh.

Những người cha cõng chữ lên “miền đất khổ” - Ảnh 4.

Dân Tri Lễ bao gồm 8 bản người Mông, gọi đây là "Miền đất khổ" bởi nó hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Có thầy giáo, cha mất ở nhà nhưng mấy ngày sau về mới biết.

Cách trở biệt lập, không điện, không sóng điện thoại, nên cứ vào trường là “rơi vào hang”, như thầy Nguyễn Trọng Quyền ví von. Duy nhất có mỗi con đường độc đạo xuyên qua núi rừng miền biên viễn lúc gồ ghề dốc cao, lúc lại hút sâu thăm thẳm. Dọc đường độc đạo vào vùng đất khổ thỉnh thoảng lại có những cây cầu khỉ của người dân dựng lên.

Thế nhưng, dòng sông Nậm Quàng chảy từ núi Phà Cà Tún qua thác qua ghềnh, một trận mưa nhỏ cũng khiến sông trở thành hung dữ, cầu khỉ tạm bợ cũng chẳng còn nữa. Dòng sông bỗng trở thành bức tường chia cắt, cô lập.

Khó khăn cả về thiên nhiên khắc nghiệt lẫn điều kiện vật chất thiếu thốn, thế nhưng sự hỗ trợ từ địa phương khắp nơi cũng không được là bao. Cùng với đó, những phong tục, hủ tục vẫn còn len lỏi trong từng bản làng: tục bắt vợ, tục ma chay, người chết để cả tuần…

Để liên lạc lên Tri Lễ 4 cũng chỉ có ba cách:

Một là gọi các thầy ở các điểm trường nơi có sóng, nhờ họ xuống tận điểm chính nhắn tin.

Hai là chờ người thân kiếm được điểm có sóng, chủ động gọi về.

Ba là viết thư, ra đoạn ngã ba rẽ vào Mường Lống, đón xem ai về bản thì gởi theo.

Những người cha cõng chữ lên “miền đất khổ” - Ảnh 5.

Một điểm duy nhất có thể dò sóng điện thoại được một thầy giáo Tri Lễ tìm ra. Cách đây vài năm thầy giáo tên Tài, lên dò sóng gọi điện thoại về nhà, đã bị ngã gãy chân. Ngay trong chiều tối, anh em trong trường và dân bản móc chiếc chăn đơn làm cáng, khiêng bộ thầy ra đường nhựa vì trời mưa lầy và đêm tối, không thể đi xe được. Sau cú ngã, thầy Tài được chuyển về trường ở vùng dễ đi lại hơn, vì cái chân gãy khiến thầy không thể mỗi tuần lại vượt đường rừng lên núi. Cũng từ sau đó, con dốc nằm trên một đỉnh núi, phía trên trường, cách độ 10 phút đi bộ được đặt tên là “Dốc Thầy Tài”

Chỉ quanh điểm trường chính đã có đến bốn con dốc được đặt tên theo những người hay bị ngã mà các thầy, cô ai cũng nhớ: Dốc thầy Tài, Dốc bà Mai, Dốc Tăng Sơn, thầy Sơn (thầy ở Phòng giáo dục huyện Quế Phong). Ngay cả thầy Xồng Bá Thành là người H’Mông bản địa, nhà ở cách điểm trường Tri Lễ 4 khoảng vài trăm mét cũng vinh dự được đặt tên cho một con dốc: dốc thầy Thành. Vì thầy cứ ngã ở dốc đó suốt.

Đường xá gian nan là thế, vậy mà, một năm chỉ có 3 tháng nắng trong, đường khô ráo, còn đến 9 tháng chìm trong sương mù, mưa rừng và giá rét, thế là thầy trò vùng Tri Lễ lại thêm nhiều ngày vật lộn với con đường trơn trợt bùn lầy, lên non, đến lớp.

Những người cha cõng chữ lên “miền đất khổ” - Ảnh 6.

Khó khăn, trắc trở, biệt lập, những lớp học ở Tri Lễ lại đơn sơ, mong manh trước khí trời buốt lạnh. Vách được ghép bằng tre nứa, những tấm ván ép tạm bợ, không đủ sức che nắng, che mưa. Ngay cả nơi ở cho các thầy giáo sinh sống ngày đêm cũng chỉ được xây dựng bằng gỗ và tranh tre đã mục nát. Bếp ăn của các thầy khi mưa xuống dột tứ tung, không nấu được cơm.

Cuộc sống nơi đây hoàn toàn tự cấp tự túc. Để duy trì thức ăn cho cả tuần, các thầy mua sắm từ ngoài huyện. Đầu tuần có thức ăn tươi, nhưng cuối tuần thường chỉ ăn đồ khô. Những cuối tuần mưa không dứt, các thầy giáo trẻ phải ở lại trường. Khi đó, họ chia nhau đi hái rau, măng, bắt cá dưới khe, lấy hoa chuối rừng làm thức ăn.

Những ngày mưa, mây dày xám xịt, sương mù giăng trắng các quả đồi, lớp học hoàn toàn chìm trong bóng tối. Thầy trò Tri Lễ thường xuyên phải dạy và học trong tình trạng mò mẫm từng con chữ bằng thứ ánh sáng yếu ớt từ cửa sổ. Trong bóng tối nhá nhem, thầy chỉ còn nhìn thấy ánh mắt căng tròn và gương mặt lấm lem, hốc hác của những đứa học trò nhỏ mà thương tận đáy lòng. Cũng từ những khoảnh khắc ấy, thầy chẳng muốn rời miền đất khổ, chẳng thể trở về nơi yên ấm mà an lòng bỏ lại các em.

Những người cha cõng chữ lên “miền đất khổ” - Ảnh 7.
Những người cha cõng chữ lên “miền đất khổ” - Ảnh 8.

Chọn nghề giáo đã khó, bén duyên với học trò vùng Tri Lễ còn khó hơn gấp trăm lần. Bởi không chỉ mang trách nhiệm dạy dỗ các em nên người, những thầy giáo nơi đây còn phải mạnh mẽ, chiến đấu với khó khăn, để vẹn một chữ “Thầy” trong lòng bọn trẻ.

15 năm cắm bản, thiếu thốn, khó khăn, xa gia đình, trách nhiệm với vợ con, cha mẹ ở miền xuôi là áp lực vô hình đè lên bờ vai những thầy giáo. Nhưng khi nhìn ánh mắt học trò trong bóng tối, niềm khát khao được học chữ khiến các thầy ở Tri Lễ không đành lòng quay lưng, về xuôi, bỏ lại các em. Thầy Hiệp chia sẻ việc chăm sóc hai con hầu như "khoán trắng" cho vợ và ông bà. "Mình đi dạy học trò thì tận tâm, tận tình nhưng con mình thì lại không dạy được buổi nào", thầy cười buồn nói.

Bản thân thầy Sinh là một tấm gương cho người H’Mông: “Mình là người H’Mông, mình thương người H’Mông mình lắm. Nếu không đi học thì suốt đời cứ sống tối tăm thế này thôi, cả đời không ra khỏi núi mô. Ở đây người H’Mông như gia đình mình chỉ có một thôi, nên mình phải làm gương cho người H’Mông mình”, thầy Sinh nói.

Những người cha cõng chữ lên “miền đất khổ” - Ảnh 9.

Thầy giáo Thò Bá Xểnh (1990) là người con sinh ra từ mảnh đất vùng cao Tri Lễ, lớn lên, đi học, xuống miền xuôi rồi trở về trường gắn bó, công tác đã 3 năm, hơn ai hết thầy là người thấu hiểu những khó khăn của học trò trên con đường học chữ. "Trước đây không ít lần tôi muốn bỏ học vì quá mệt mỏi, nhưng rồi nhớ đến lời động viên của các thầy lại càng phải cố, cố gắng cho chính bản thân mình, chứ chưa hẳn là cho ai khác".

Ra đi rồi trở về lại nơi gian khổ khó khăn từng nuôi mình lớn, thầy Xểnh chỉ mong ước một điều giản dị: “Kiến thức của mình cũng có hạn, chỉ mong sao các em có thể học lên cao hơn nữa để có thể phát triển bản thân tốt nhất".

Trên đây là những chia sẻ của thầy giáo vùng Tri Lễ đi cùng mong muốn giản dị, mộc mạc là dạy các em biết chữ, bên cạnh chia sẻ một phần khó khăn với các em. Dù mong muốn chỉ là thế thôi nhưng cũng mất ngót nghét mấy chục năm đời người. Dù chỉ mong muốn nhỏ bé thế thôi, mà sao, nặng nghĩa ân tình, trọn vẹn một chữ “Thầy”- Những người cha cõng chữ lên “miền đất khổ”

Như một lời cảm ơn chân thành đến các thầy giáo vùng Tri Lễ, lời động viên khích lệ dành cho những em học sinh hiếu học tại vùng đất khó khăn này, Dự án “Mặt trời mơ ước” - Thắp sáng hy vọng và tương lai cho Tri Lễ do Samsung đồng hành cùng với Wedo thực hiện đã được khởi động vào tháng 9/2018.


Nằm trong chuỗi hoạt động của dự án, ngày 24/12 vừa qua, đoàn công tác thực hiện đã vượt hàng nghìn km đến với thầy trò Tri Lễ, trao tặng 1.000 chiếc đèn năng lượng, đại diện cho ngàn mặt trời mơ ước, thắp sáng đỉnh núi Phà Cà Tún cùng ước mơ của những trẻ em vùng cao Tri Lễ.


Bên cạnh đó, Samsung đã mang những chiếc kính thực tế ảo Gear VR đến Tri Lễ, giúp các em có cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại, mở mang tầm mắt cùng những trải nghiệm mới mà các em chưa từng có được. Cũng tại đây, các em được xem bộ phim “Theo ánh sáng mà đi” hướng về chính cuộc sống thực tại của bản thân và lần đầu tiên tâm nguyện người thầy đã được gửi gắm đến các em thông qua những thước phim.


Không mơ ước cao xa, cả thầy trò Tri Lễ chỉ có một giấc mơ duy nhất là được dạy và học.

Thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của trò và cả những tâm tư nguyện vọng của thầy, một ngôi trường khang trang đang được hoàn thiện với cơ sở vật chất tốt hơn. Ngoài ra, thư viện cùng hàng ngàn đầu sách được chọn lọc sẽ giúp mang đến cho các em những chân trời tri thức mới. Từ đây, sẽ tiếp thêm động lực cho thầy trò Tri Lễ trên hành trình nuôi chữ, ươm ầm tương lai.



WeChoice Awards 2018 xin gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà tài trợ chính Công ty Điện tử Samsung Vina đã đồng hành cùng với Wedo thực hiện dự án "Mặt trời mơ ước" – Thắp sáng hy vọng và tương lai cho Tri Lễ.

WeChoice Awards 2018 là một giải thưởng thường niên được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh các nhân vật hoạt động trên nhiều lĩnh vực, có thành tích nổi bật, hướng mọi người đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống thông qua những câu chuyện đầy cảm hứng.

WeChoice Awards hy vọng rằng các nhà tài trợ sẽ tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi ở những mùa giải tiếp theo.

Những người cha cõng chữ lên “miền đất khổ” - Ảnh 13.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày