Những ngày sống giữa tâm lũ của sinh viên ngoại tỉnh tại Thừa Thiên Huế

Huy Hoàng, Theo Gia đình và xã hội 18:45 13/10/2020

Gần 1 tuần qua là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong suốt hành trình sống tại Huế của nhiều sinh viên ngoại tỉnh. Chưa bao giờ các em thấm cái “khắc nghiệt”, “ngặt nghèo” của miền Trung như thế để tình người, sự sẻ chia và tinh thần đùm bọc lại một lần nữa tỏa sáng.

Khẩn trương để an toàn

4h sáng thứ 6, ngày 9/10, toàn bộ khu trọ của Vũ Thị Thu Hằng (quê ở Quãng Ngãi, sinh viên Đại học Y Dược Huế ) chìm trong biển nước. Nước trong phòng trọ cứ dâng lên theo tín hiệu thông báo của bác chủ nhà. Cả xóm trọ hoảng loạn, toàn bộ hệ thống điện bị cắt để đảm bảo an toàn.

Vũ Thị Hằng vẫn không thể quên được khoảnh khắc lũ về: "Sáng ra, bọn em vừa sắp xếp sách vở đến trường để đi học thì gần như toàn bộ lối đi đã bao quanh bởi nước. Điện thì đã bị cắt từ sớm nên em và bạn cùng phòng xác định việc đầu tiên phải làm là liên hệ về cho gia đình thông báo tình hình để bố mẹ đỡ lo lắng. Tiếp theo là phủ nilon hết tất cả các điểm bị dột để tránh ướt sách vở và quần áo".

 Những ngày sống giữa tâm lũ của sinh viên ngoại tỉnh tại Thừa Thiên Huế  - Ảnh 1.

Vũ Thị Hằng cùng những người bạn trong xóm trọ của mình đang di chuyển bằng ghe đến điểm tạm trú.

Ngay sau đó, những sinh viên vùng rốn lũ khẩn trương di chuyển ngay đến nơi an toàn. Hằng và bạn cùng phòng lướt hết danh sách số điện thoại để tìm số của các bạn thân hỏi xem có điểm nào cao hơn để xin ở nhờ. Phải mất đến gần 3 tiếng đồng hồ thì hai em mới có thể tìm được chỗ để di chuyển nhưng lại gặp vấn đề khi không thể gọi ghe. Ông chủ nhà đã phải bơi ra cách nhà gần 1km mới có thể gọi ghe cho các em.

Khoảnh khắc đò đến, 6 sinh viên trong xóm trọ tại phường An Đông của Hằng đều xúc động khó tả. Hằng kể: "Cả nhóm chúng em như vỡ òa khi thấy đò vào. Là sinh viên trường Y đã ở trọ 6 năm, nơi đây như ngôi nhà của chúng em. Bác chủ trọ dặn dò tỉ mỉ đường đi để ghe không lao vào các hồ nước phòng lật thuyền vì cả 6 đều không có áo phao mà ở Huế thời điểm này tìm mua cũng không có. Mừng vui mà nước mắt cứ ứa ra. Ngồi trên đò, chứng kiến những người dân Huế đang vật lộn với lũ, chúng em xót xa không nói nên lời, chỉ biết động viên nhau cố gắng. Chúng em làm mọi thứ đều khẩn trương để có thể cùng nhau an toàn trong đợt lũ này".

 Những ngày sống giữa tâm lũ của sinh viên ngoại tỉnh tại Thừa Thiên Huế  - Ảnh 2.

Nhiều sinh viên không bắt được ghe đã phải làm ghe tự chế để di chuyển.

Vậy là 6 ngày nay, trong căn trọ của người bạn Hằng tại phường Tràng An, một điểm cao ít ngập hơn tại thành phố Huế, dù chật chội nhưng ấm áp hơn ngày thường vì có sự xuất hiện đột xuất của nhiều thành viên mới.

San sẻ từ gói mỳ tôm đến quả trứng, bó rau

Toàn bộ thành phố Huế ngập chìm trong biển nước, lương thực và nhu yếu phẩm khan hiếm, phần vì những điểm còn bán thì chi phí tăng quá cao khiến sinh viên vốn không có nhiều điều kiện về tiền bạc khó lựa chọn. Vậy là mô hình "góp gạo" thổi cơm chung ra đời. Gọi thế cho sang nhưng bữa ăn ngày mưa bão của các em cũng chỉ có hộp sữa, cái bánh mỳ ngọt và sang hơn hẳn thì có bát mỳ tôm trứng. Thế nhưng, di chuyển vội nên cũng chẳng mấy em mang đủ đồ ăn nên ai có gì góp nấy mà vẫn thấy ấm tình người ngày bão lũ.

Nguyễn Kim Yến (sinh năm 1996, quê ở Hà Tĩnh, trọ tại phường An Tây) xúc động chia sẻ: "Khoảng 1 tuần nay, bọn em chỉ ăn mỳ tôm trứng vì không có điện để nấu cơm. Đi chợ thì thực phẩm quá đắt nhưng bọn em vẫn còn may mắn hơn rất nhiều bạn ở các địa bàn ngập lụt sâu hơn. Nhiều người có thông báo điểm phát bánh mỳ nhưng thấy trong nhà mình còn có mỳ tôm nên em nghĩ cần nhường phần cho người khác khó khăn hơn".

 Những ngày sống giữa tâm lũ của sinh viên ngoại tỉnh tại Thừa Thiên Huế  - Ảnh 3.

Cả căn phòng trọ của Kim Yến chỉ toàn các xô chậu để hứng nước bị dột.

Cuộc sống những ngày không có điện, không có internet với Kim Yến thực sự khác biệt. Em tâm sự: "Đã là năm thứ 5 em học tại Huế nhưng chưa bao giờ em thấy Huế khắc nghiệt đến như vậy. Đây sẽ là kỷ niệm khó quên trong quãng đời sinh viên của em. Người dân Huế lúc hoạn nạn sẵn sàng nhường chỗ ngồi ghe, chia nhau từng gói mỳ tôm, quả trứng, bó rau thực sự khiến em thấy yêu hơn mảnh đất này và trân quý hơn với những giây phút bình yên ngày thường".

Trong dãy trọ tầng dưới khu Kim Yến ở, các sinh viên cũng đã được các công ty trên địa bàn tạo điều kiện để có thể ở các phòng trong trụ sở làm việc của cơ quan tại các điểm cao hơn.

Chèo ghe, mặc quần đùi đi nhận bằng tốt nghiệp

Đúng buổi sáng hôm đi nhận bằng tốt nghiệp thì phòng trọ của Nguyễn Nhật Trường, sinh viên năm cuối ngành Bác sĩ Đa khoa, Đại học Y Dược Huế nước ngập đến ngang người.

Nhật Trường chia sẻ: "Em đã từ bỏ định không tham dự lễ nhận bằng vì không thể gọi được ghe mà lội bộ thì nước quá lớn. Bố mẹ biết tin em nhận bằng tốt nghiệp vui lắm nên từ hai ngày trước, bố em đã bắt xe đến chờ để chứng kiến giây phút con hoàn thành khóa học. Nhìn bố và nghĩ đến chặng đường 6 năm qua, em biết bố rất mong chờ khoảnh khắc đó. Nhìn bố cứ chạy ra, chạy vào đo nước lên rồi quay mặt buồn, em không cầm lòng được. Từ khoảnh khắc đó, em quyết tâm bằng mọi giá phải đến dự lễ".

 Những ngày sống giữa tâm lũ của sinh viên ngoại tỉnh tại Thừa Thiên Huế  - Ảnh 4.

Nguyễn Nhật Trường (áo trắng thứ 2 từ trái sang) và bạn bè trong lễ tốt nghiệp đặc biệt của mình.

May mắn lớn nhất của hai bố con là khi trình bày hoàn cảnh, một người Huế đã nhường chuyến ghe để chở bố con em đi cho kịp giờ. Trường đã đến nhận bằng trong tình trạng mặc quần đùi, áo phông. Đến trường thì vội vã thay quần áo. Bố em thì hạnh phúc lắm còn thầy cô thì chạnh lòng. Chạnh lòng vì thương các em đã phải hoãn tốt nghiệp đến 2 lần vì COVID-19, nay lại phải nhận bằng trong mưa lũ. Nhật Trường tốt nghiệp bằng giỏi và đang có ý định trở thành bác sĩ nội trú tại trường.

Nghe các thầy cô và nhà trường phát biểu, Nhật Trường và các bạn không khỏi xúc động về tình hình chung của người dân Huế, về những người bạn vào nhận bằng nhưng mắc lũ dọc đường đành phải quay trở về. Niềm vui và sự thương cảm như khiến lễ tốt nghiệp của các em đặc biệt hơn.

Nước đang dần rút, một số sinh viên đã có thể dọn dẹp phòng trọ của mình sau nhiều ngày tránh lũ. Người dân Huế đang gồng mình khắc phục hậu quả. Có mất mát và đau thương nhưng tình người, sự san sẻ vẫn tiếp tục được lan tỏa. Các tổ chức, đồng bào cả nước đang chung tay xoa dịu nỗi đau cho "khúc ruột" miền Trung thân thương. Chắc chắn, các em sinh viên đã đi qua cái khắc nghiệt dữ dội của Huế sẽ mạnh mẽ hơn và yêu hơn mảnh đất này như cách nói của Yến: "Giá trị của lũ khiến em trân quý hơn những người sống quanh mình và những khoảng khắc bình yên ngày thường".