Những góc khuất của V.League từng được kể công khai bởi những cầu thủ ngoại binh

Thủ Khúc, Theo Trí Thức Trẻ 20:38 26/04/2020

V.League từng giúp nhiều cầu thủ ngoại binh đổi đời và sau đó quyết định chuyển hẳn đến Việt Nam sinh sống. Nhưng như vậy không đồng nghĩa V.League luôn được nhắc đến với gam màu tươi sáng.

Kiếm được nhiều tiền và con người thân thiện, hai yếu tố hấp dẫn các ngoại binh gia nhập làng bóng đá Việt Nam. Nhiều "ông Tây" còn đã lấy vợ Việt Nam, xác định tương lai lâu dài với mảnh đất hình chữ S như Huỳnh Kesley Aleves, Danny van Bakel, Tshamala,...

Dẫu vậy ở khía cạnh góc khuất, mặt tối, V.League tồn tại nhiều vấn đề mà những ngoại binh chỉ có thể mở lòng với truyền thông quê nhà họ. Hầu hết các vấn đề thiếu chuyên nghiệp vẫn mới tinh dù đã trải qua cả một thập kỷ.

Nổi bật nhất có mặt cỏ V.League, tháng 3/2020, ngoại binh Diego Silva của Hải Phòng thẳng thắn nói: "Nếu xem video các trận đấu ở Thai League so với V.League thì người ta sẽ nói các trận đấu ở Việt Nam là giải nghiệp dư chứ không phải chuyên nghiệp".

Lùi về quá khứ hơn 10 năm trước, mặt cỏ tại V.League cũng từng bị ngoại binh Michal Silhavy (khoác áo Thể Công mùa 2008) lên tiếng chê bai: "Loại cỏ lá rộng được dùng trên nhiều sân bóng là loại tôi đã thấy chúng mọc trong những góc tối ẩm mốc ở chỗ ở".

Những góc khuất của V.League từng được kể công khai bởi những cầu thủ ngoại binh - Ảnh 1.

Thủ môn Michal Silhavy từng nhận "phong bì" ngay sau trận đấu. Ảnh: Quang Minh

Cơ sở vật chất kém chất lượng ở bản doanh các đội V.League cũng từng bị các ngoại binh "lên án" nhiều lần. Gần đây nhất là những chia sẻ cựu cầu thủ Werder Bremen - Kevin Schindler sau chuyến thử việc thất bại tại Việt Nam.

Kevin mô tả: "Cơ sở vật chất hầu như chẳng có gì. Phải mất 4-5 tiếng đi vòng quanh vài thị trấn. Giống như trải qua một cuộc hành trình khá mạo hiểm chúng tôi mới đến được nơi cần đến là sân tập".

Hay như trường hợp Danny Van Bakel khi thử việc tại Bình Dương hồi năm 2011. Ngoại binh người Hà Lan từng quá sốc khi được xếp ở căn phòng dơ bẩn, đầy chuột và quyết định... bỏ trốn khỏi nơi ở của đội Bình Dương khi đó.

Năm 2012-2014 khi khoác áo Thanh Hóa, tiền vệ người Slovenia - Nastja Ceh cũng cho rằng cơ sở hạ tầng bóng đá Việt Nam kém chất lượng "vì người ta không đầu tư nhiều vào nó".

Trước Van Bakel, Nastja Ceh và rất xa thời của Kevin Schindler, thủ môn Michal Silhavy cũng lên tiếng trên truyền thông CH Cezch vào năm 2008: "Căn phòng của tôi, hình ảnh đập vào mắt là một mớ hỗn độn khủng khiếp. Như kiểu gara ôtô với bùn sình khắp nơi. Căn phòng bẩn thỉu và ẩm mốc".

Sau nhiều lời phàn nàn về chỗ ở của các ngoại binh, nhiều đội V.League đã phải thuê căn hộ, khách sạn có điều kiện tốt hơn để họ "an cư lạc nghiệp".

Những góc khuất của V.League từng được kể công khai bởi những cầu thủ ngoại binh - Ảnh 2.

Những ngoại binh như Diego Silva của Hải Phòng hay xa hơn chút là Danny van Bakel có chung quan điểm về những mặt thiếu chuyên nghiệp của V.League. Đồ họa: Đỗ Linh

Góc khuất V.League với những giao kèo mờ ám bằng tiền trước và ngay trong trận đấu đã được các ngoại binh hé lộ đôi chuyện. Mở đầu là ở thời điểm vào quãng trước năm 2010, thời điểm V.League đang cực thịnh với số lượng ngoại binh, nhập tịch lên đến 86 cầu thủ và "chuyện tiền nong không phải nghĩ".

Quãng thời gian đó, khi được truyền thông quê nhà hỏi về vấn đề tài chính ở V.League, thủ môn người CH Cezch - Michal Silhavy nhắc tới chi tiết: "Đôi lúc có cầu thủ ghi được bàn thắng trong hiệp 1, đến giờ nghỉ giải lao thì anh ta nhận được khoản đặt cược luôn vào tay. Tôi từng nhận phong bì và đi thẳng đến ngân hàng".

Vấn đề được nói mạnh dạn hơn bởi Van Bakel trên báo chí Hà Lan: "Tôi đã từng chứng kiến ông chủ của một trong những đội bóng tôi khoác áo đưa phong bì cho trọng tài. Cả hai đều sốc khi thấy tôi. "À, chỉ là món quà năm mới thôi mà", ông chủ của tôi nói".

Về chuyện tiền nong lương, thưởng từng được nhiều ngoại binh gần đây như Victor Nirennold (SHB.Đà Nẵng), Chaher Zarour (Sanna Khánh Hòa),... xác nhận vẫn thuộc diện "rất tốt" so sánh với các giải cấp thấp ở châu Âu.

Tuy nhiên vẫn còn một vài trường hợp thiếu sự minh bạch trong các giao kèo hợp đồng, tiêu biểu có vụ việc tiền đạo ngoại binh Anthony Stevens đã khởi kiện đội Hải Phòng lên FIFA. Kết quả, FIFA đã yêu cầu CLB Hải Phòng phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ lương 2 năm (2018 và 2019) và bồi thường các tổn thất cho Anthony Stevens hơn 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng).