Những điểm nhấn số 0 của Vietnam International Fashion Week: Có lẽ nên dành tặng hai chữ "Hết Thời"!

Boredom, Theo Trí Thức Trẻ 23:50 29/10/2018

Nếu như tần suất phủ sóng của VIFW mùa này mù mịt, tĩnh mịch như chùa Bà Đanh thì cú ngã bất chợt nhưng sặc mùi câu dẫn "drama" của người mẫu trong ngày diễn cuối cùng chính là giọt nước làm tràn ly cho chuỗi chán chường của giới mộ điệu với toàn bộ sự kiện.

Vậy là thêm một mùa VIFW nữa đã trôi qua.

Tuy khởi đầu bằng 2 chữ "Tuần lễ", nhưng VIFW mùa này tại Hà Nội chỉ diễn ra vỏn vẹn có 3 ngày. Và nếu không có những trò lố ở hạng mục street style thì chuỗi sự kiện này cũng chỉ như một cái tên gió thoảng mây trôi, không ai nhớ đến và cũng chẳng người nào bận tâm.

Nói hơi ngoa thì những ai... rảnh lắm mới chú ý đến một vài tít bài có sự hiện diện của Lan Khuê, Võ Hoàng Yến, Hương Giang hay Jolie Nguyễn... Số ít ỏi những người thuộc ngành thời trang thì có phập phù dõi theo chuỗi sự kiện này, hay hớm thay những ấn tượng mà VIFW để lại trong tâm trí họ là rất tệ - ít nhất theo những gì được thể hiện trên chính mạng xã hội.

Những điểm nhấn số 0 của Vietnam International Fashion Week: Có lẽ nên dành tặng hai chữ Hết Thời! - Ảnh 1.

NTK Tùng Vũ không ngớt lời chê bai VIFW, cho rằng sự kiện này không xứng tầm với những tung hô như "quốc tế" hay "đẳng cấp".

Những điểm nhấn số 0 của Vietnam International Fashion Week: Có lẽ nên dành tặng hai chữ Hết Thời! - Ảnh 2.

Một NTK trẻ khác là Hồ Hoàng Ca Dao đánh giá rằng những khía cạnh đáng chú ý của VIFW mùa này chỉ là chiêu trò tạp kỹ không hơn không kém.

Những điểm nhấn số 0 của Vietnam International Fashion Week: Có lẽ nên dành tặng hai chữ Hết Thời! - Ảnh 3.

Và còn có không ít ý kiến về độ "quằn quại" của VIFW, tất nhiên không hề theo nghĩa tích cực chút nào.

Những điểm nhấn số 0 của Vietnam International Fashion Week: Có lẽ nên dành tặng hai chữ Hết Thời! - Ảnh 4.

Qua những ý kiến gay gắt được thể hiện, dễ nhận thấy rằng chủ đề được mổ xẻ ở đây là những pha "thiên nga giãy chết" trong show diễn của NTK Nguyễn Tiến Truyển.

Diễn giải rằng đây là một góc nhìn sâu sắc về nghề người mẫu với ranh giới sự sống - cái chết, thế nhưng công chúng chỉ đơn thuần đánh giá rằng đây là một cách câu kéo sự chú ý không mấy tinh tế. Bởi ngoài những lời lẽ của chính NTK thì chẳng ai có thể hiểu được ngụ ý của hành động giật gân này là gì.

Đầu tiên phải khen rằng ekip của VIFW khá thức thời khi ứng dụng ngay những tiêu điểm trên mạng xã hội như trào lưu "té xỉu" hay mời cả "Quỳnh Búp Bê" để biểu diễn. Nhưng nếu ngẫm kỹ lại thì ai cũng có thể chắc nịch rằng, các mảng miếng này không hề phù hợp với một không gian mà thời trang là tối thượng như VIFW. "Quỳnh Búp Bê" ắt rất hot, "té xỉu" cũng rất thú vị nhưng tính thời trang mà những gạch đầu dòng này tô vẽ nên chỉ bằng âm. Thiết kế đẹp mắt và sáng tạo hay tính chuyên nghiệp được đặt lên hàng đầu mới là những gì giới mộ điệu cần ở VIFW.

Những điểm nhấn số 0 của Vietnam International Fashion Week: Có lẽ nên dành tặng hai chữ Hết Thời! - Ảnh 6.

Công chúng biết rằng "Quỳnh Búp Bê" diễn tại VIFW nhưng chẳng ai biết cô đang diễn cái gì, tinh thần ra sao... yếu tố thời trang xem ra hoàn toàn bị lu mờ trong tình cảnh này.

Có vẻ như ekip của BTC VIFW cũng đã nỗ lực để câu dẫn sự chú ý từ công chúng. Xui thay là cố gắng của họ đã thất bại, bởi dù có viện đủ chiêu trò bất bình thường trên sàn diễn VIFW mùa này thì sức lan tỏa trong cộng đồng thời trang cũng ở ngưỡng dưới trung bình. Trên mạng xã hội hầu như rất hiếm thấy ai chủ động nhắc đến VIFW, hashtag của mùa cũng chỉ hiện ra trên mục tìm kiếm với số lượng quá ít ỏi, tần suất tương tác tại loạt kênh truyền thông của sự kiện cũng "hẻo" vô cùng tận. Một chi tiết cực đắt giá cho thấy lực hấp dẫn của VIFW sụt giảm trầm trọng chính là vé mời. Để kiếm được vé tham dự sự kiện này vài mùa trước là điều khá khó khăn với phần đa giới mộ điệu, thậm chí nhiều người phải bỏ tiền ra để sở hữu được chúng. Đến nay thì phương thức kinh doanh này của VIFW đã không còn, lượng vé phát ra khá thừa mứa mà vẫn không câu kéo được các nhân vật uy tín trong ngành.

Không chỉ thế, từng vỗ ngực tự xưng là sự kiện quy tụ các NTK và thương hiệu hàng đầu của Việt Nam lẫn quốc tế, vậy mà ngoài cái tên Lâm Gia Khang hay mới mẻ lắm là Nguyễn Tiến Truyển thì người xem chẳng thấy tăm hơi của một tên tuổi lừng lẫy nào. Ngay chính BST Thu-Đông 2018 của Lâm Gia Khang vốn đã từng trình làng tại Sài Gòn trước đó không lâu, nay mang ra Hà Nội chỉ nhằm phối lại, "thêm mắm dặm muối" chỗ này chỗ nọ chứ không phát sinh nét nào đặc sắc hơn.

Những điểm nhấn số 0 của Vietnam International Fashion Week: Có lẽ nên dành tặng hai chữ Hết Thời! - Ảnh 7.

Là NTK chịu trách nhiệm mở màn nhưng BST của Lâm Gia Khang thực chất chỉ là diễn lại, không hơn không kém.

Tất nhiên, VIFW sẽ không thể thiếu vắng sự hiện diện của những "con cưng" như NTK Hoàng Minh Hà hay Nguyễn Tiến Truyển - vốn là hai cái tên thành danh từ chương trình Project Runway thuộc cùng công ty chủ quản. Nếu như Hoàng Minh Hà đơn thuần là ra mắt những thiết kế ứng dụng không có gì để khen chê cho thương hiệu Owen thì các sáng tạo của Nguyễn Tiến Truyển bị nhiều ý kiến nhận xét là còn vụng trong cách xử lý phom dáng, chất liệu, tri ân biểu tượng Alexander McQueen nhưng lại chưa thể hiện được rõ bản ngã của người thiết kế.

Những điểm nhấn số 0 của Vietnam International Fashion Week: Có lẽ nên dành tặng hai chữ Hết Thời! - Ảnh 8.

BST mới của NTK Hoàng Minh Hà cho Owen, như thường lệ, không có gì để đi sâu hơn.

Những điểm nhấn số 0 của Vietnam International Fashion Week: Có lẽ nên dành tặng hai chữ Hết Thời! - Ảnh 9.

Mới thì có mới, mỗi tội "Dear McQueen" của Nguyễn Tiến Truyển đã để lộ nhiều sai sót trong cách xử lý phom dáng và chất liệu, chưa đề cao trọn vẹn tính thẩm mỹ. Thậm chí nhiều thiết kế còn bị chê là phản cảm và không có tính ứng dụng.

Biểu hiện tệ hại không kém là sự "mất tích" của hàng loạt thương hiệu nổi danh toàn quốc vốn từng gắn bó với VIFW các mùa trước: CANIFA, XITA, PNJ... thay vào đó là một loạt cái tên lạ hoắc không mấy gần gũi với giới mộ điệu như BUTUNI, Veston Ngọc Lan hay FLANERIE.

Nếu đánh giá một cách khách quan thì thương hiệu Veston Ngọc Lan qua bàn tay của NTK Vũ Việt Hà quả là bất ngờ ngoài tầm mong đợi đối với người xem. Thương hiệu này được xem như "đại thụ" trong mảng miếng về suit tại đất Hà thành, thế nên vô thức hình thành định kiến trong giới mộ điệu là già cỗi và mô phạm. Ấy thế mà đối lập với hình dung đó, những thiết kế sáng màu với đường cắt may chỉn chu, họa tiết thêu tinh tế kết hợp cùng phom dáng bất đối xứng đã tạo nên một ấn tượng hoàn toàn mới mẻ và thú vị. Rất mốt, rất tinh, rất thực tế và dễ đi vào lòng người!

Những điểm nhấn số 0 của Vietnam International Fashion Week: Có lẽ nên dành tặng hai chữ Hết Thời! - Ảnh 10.

Lấy cảm hứng từ tranh dân gian “Cá chép vượt vũ môn hóa rồng”, BST này kỳ thực lại có chất lượng vượt qua mong đợi chứ không đơn thuần chỉ là 1 show thời trang bỏ-tiền-ra-để-diễn của thương hiệu Veston Ngọc Lan.

Đối lập với mảng màu tươi vui đó là sự hiện diện của FLANERIE. Trong khi Veston Ngọc Lan là cái tên đã được bảo chứng ở thị trường địa phương thì FLANERIE lại mới toanh hoàn toàn, tuổi đời non trẻ và theo trường phái “Contemporary Fashion” – Thời trang đương đại. Điểm mấu chốt ở chỗ, đây không phải một thương hiệu chủ động sáng tạo với những thiết kế nguyên bản mà chỉ là một "concept store" - nơi hội tụ sản phẩm của nhiều thương hiệu nhỏ lẻ trên thế giới như Ports 1961, Beaufille, Rejina Pyo, Each x Other, Eudon Choi...

Lối phát triển của FLANERIE vốn được mở đường bởi tiền đề như Colette Paris và được đánh giá là một mô hình tân tiến thú vị. Thế nhưng, nếu để định nghĩa FLANERIE với vị thế một thương hiệu tự lực cánh sinh như các mô hình quen thuộc tham gia VIFW từ trước đến nay ắt sẽ khiến không ít người cảm thấy hoang mang. Show diễn này cũng chỉ nhằm mục đích kinh tế là thiết yếu, chưa giới thiệu được nét gì mới đối với công chúng. Chính vì thế nên sự hiện diện của FLANERIE khiến giới mộ điệu tin rằng tiêu chuẩn để tham gia VIFW không còn khắt khe như trước, chỉ cần đủ tiềm lực tài chính là có được suất để diễn.

Những điểm nhấn số 0 của Vietnam International Fashion Week: Có lẽ nên dành tặng hai chữ Hết Thời! - Ảnh 12.

Kể cả khi có Hoa hậu Hương Giang hay sự cải biên của stylist Lê Minh Ngọc, dấu ấn mà FLANERIE để lại vẫn chưa xứng với tầm cỡ một sự kiện uy tín như VIFW.

Dĩ nhiên là VIFW cũng vẫn sẽ giữ rịt hai chữ "quốc tế" bằng cách mời về một số nhà thiết kế ngoại quốc như Jorge Duque (Columbia), Jovana Louis (Haiti) hay Mert Erkan (Thổ Nhĩ Kỳ). Dễ nhận thấy đây không phải là những tên tuổi thuộc hàng "cây đa cây đề" hay có tầm ảnh hưởng sâu rộng mạnh mẽ trên trường quốc tế. Các show diễn của họ hầu như bị khuất lấp trọn vẹn, rơi vào tình trạng có cũng được mà không có cũng... chẳng sao.

Và nếu lại phải so sánh thì xin thưa rằng, những cái tên trên còn quá nhỏ bé so với thành tích mà các NTK như Yumi Katsura (Nhật Bản), Tsolo Munkh (Mông Cổ), Ezra Santos (Dubai), Song Zio (Hàn Quốc), Julien Fournie (Pháp)... từng mang đến VIFW các mùa trước.

Những điểm nhấn số 0 của Vietnam International Fashion Week: Có lẽ nên dành tặng hai chữ Hết Thời! - Ảnh 13.

Có chất lượng không tệ nhưng các NTK ngoại quốc góp mặt tại VIFW quá xa lạ với người dân Việt Nam, đâm ra không mấy ai đoái hoài đến thành quả của họ.

Suy cho cùng, phải chăng nên dành cho VIFW hai chữ "HẾT THỜI"?

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá sao về tình trạng hiện tại của VIFW?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.