Nhìn những món ăn lạnh từ thời chưa có ánh sáng văn minh mới thấy người xưa tài tình thế nào

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 15:58 02/03/2019

Không cần tủ lạnh, người xưa vẫn có các món ướp lạnh, món đá lạnh ăn quanh năm và đây là "huyền cơ" đằng sau đó.

Ở thời hiện đại, ta đã quá quen với việc sử dụng máy móc trong mọi khía cạnh cuộc sống bao gồm nấu nướng và chế biến thực phẩm. Các món kem lạnh chúng ta hay ăn cứ ngỡ là mới có từ thời máy móc xuất hiện đây, tuy nhiên ngẫm lại kỹ thì có không biết bao nhiêu là món ăn lạnh xuất xứ từ xa xưa lắm rồi. Thậm chí, trang BBC còn cho rằng ở Trung Quốc, một loại kem từ sữa và gạo đã được ra đời từ khoảng... 200 năm trước Công Nguyên. 

Được biết, vào cái thời mà thiếu đồ điện nhưng thừa sáng tạo ấy, các vị cố nhân đã vận dụng rất nhiều kiến thức khoa học để chế ra đồ lạnh ăn giải nhiệt mùa hè. Cụ thể ra sao thì hãy xem qua list những món ăn lạnh ngày xưa xa lắc lơ nhé:

Faloodeh - Iran 

Trong khi điện mới được đưa vào cuộc sống con người vào những năm cuối thế kỷ 18, thì món tráng miệng lạnh truyền thống này của Iran đã có từ những thế kỷ 16 hoặc sớm hơn, theo như nhiều tài liệu. Faloodeh được làm từ các loại miến, ăn kèm nước sốt ngọt và có nguồn gốc từ Ba Tư. Vào khoảng 400 năm trước Công Nguyên, người Ba Tư đã phát minh ra một loại miến gạo trong suốt được ướp đá, pha cùng nước hoa hồng để cống nạp cho giới quý tộc. Để giữ lạnh cho món ăn này, người xưa đã phải xây các căn hầm sâu dưới lòng đất, bên trong chứa nước. Nhiệt độ dưới đất do không có ánh sáng mặt trời nên rất lạnh, đủ để khiến các món ăn ngâm trong đó đạt đến mức độ nửa đông.

Kulfi - Ấn Độ

Kulfi còn được gọi là kem truyền thống của Ấn Độ, xuất hiện vào khoảng thế kỷ 16 trong thời trị vì của đế chế Mughal. Kulfi được làm từ sữa và đường được đun trong nhiều giờ cho đến khi đặc quánh. Hỗn hợp này sau đó được giữ lạnh trong các chum, lọ đất được đóng chặt, rồi giữ trong hầm lạnh, ngâm trong nước lạnh pha với muối (theo kiến thức hoá học ngày nay thì thành phần trong muối khiến cho nước đá trở nên lạnh hơn). Các chum nước lạnh đựng Kulfi này sau đó được cho vào một chiếc vại lớn hơn gọi là "matka", giúp ngăn không cho tiếp xúc với nhiệt độ bên ngoài. 

Kakigori - Nhật Bản

Kakigori, hay còn gọi là đá bào Nhật, được cho rằng đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ 11, thời Heian. Thời này, người ta bắt đầu "thu hoạch" những khối băng trong mùa đông, rồi đem giữ chúng trong hầm trong lòng đất. Đến mùa hè, những khối băng này được đem ra và bào bằng dao, ăn kèm với các loại siro làm từ trái cây. Thời đó, đây là một món ăn quý giá không tưởng và chỉ những quý tộc hay hoàng thân quốc thích mới ăn được. Mãi đến khoảng thế kỷ 19 khi người phương Tây bắt đầu giao lưu với Nhật Bản thì kakigori mới trở nên phổ biến trong toàn dân.

Trái cây và các món ướp lạnh - Trung Quốc

Ai đã xem Diên Hy Công Lược hẳn sẽ biết món đồ giữ lạnh trứ danh, gọi là Giám Phẫu. Bên trong có nhiều ngăn đựng thức ăn, dùng để giữ lạnh trái cây và các món tráng miệng. Trong thực tế, Giám Phẫu có mặt từ rất sớm - khoảng thời nhà Chu, tầm 256 năm trước Công Nguyên. Giám Phẫu có bộ phận chứa thức ăn, gọi là "Giám", ở trung tâm là một dụng cụ giữ lạnh giống một cái chĩnh (gần như cái lọ). Đá lạnh được lưu lại từ mùa đông được bỏ vào đây. Giám Phẫu rất kín, đồ bên trong gần như không chịu ảnh hưởng của nhiệt độ bên ngoài nên giữ lạnh cực kì tốt.

Ngoài ra thì hẳn cũng chẳng ai xa lạ với "chiêu" bỏ trái cây (nhất là dưa hấu) xuống giếng qua đêm để ướp lạnh trong phim cổ trang rồi nhỉ?

Patbingsu - Hàn Quốc

Nhìn những món ăn lạnh từ thời chưa có ánh sáng văn minh mới thấy người xưa tài tình thế nào - Ảnh 5.

Patbingsu Hàn Quốc truyền thống bao gồm 4 nguyên liệu chính là đá bào, đậu đỏ, bánh gạo và bột đậu nành. Patbingsu đã có từ thời vua Joseon (1392). Được biết, tiền thân của patbingsu không phải đá bào mà là đá nghiền được ăn kèm với trái cây. Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc có mùa đông khắc nghiệt với nhiệt độ rất lạnh, nên người dân đã tận dụng cơ hội này để dự trữ đá và bảo quản chúng trong hầm băng cho đến mùa hè.