Nhìn nhiệt độ ở tâm dịch hôm nay, bỗng dưng muốn khóc

Bùi Hải, Theo Tổ Quốc 14:28 02/06/2021

Ngất thôi mà! Choáng thôi mà! Da phồng rộp thôi mà! Thiếu ngủ thôi mà. Nhớ con quay quắt thôi mà! Có là gì đâu…

Nhìn nhiệt độ ở tâm dịch hôm nay, bỗng dưng muốn khóc - Ảnh 1.

Hôm qua, hình ảnh những nhân viên y tế phải lấy đá lạnh chườm lên bộ đồ bảo hộ trong cái nóng thiêu đốt ở Bắc Giang, đã khiến nhiều người Việt rơi nước mắt.

Vì chúng tôi biết, da của các anh chị, không làm bằng sắt hay đồng.

Bình thường, nếu không dịch giã, làn da ấy có thể đang được thở bình yên trong phòng máy lạnh hoặc đang được vuốt ve thư giãn ở spa làm đẹp.

Vì chúng tôi biết, sức lực của anh chị không phải là Phù Đổng. Rất nhiều người đã lịm đi. Nhiều người khác đến cuối ngày không đủ sức để tự mình trút bỏ bộ đồ bảo hộ; nhiều người đến bữa ăn, đáng phải nuốt vào thì lại nôn ra...

Khắc nghiệt đến vậy, nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy những câu khẩu hiệu viết vội trên tấm áo bảo hộ: "Mệt mỏi chỉ là cảm giác". Nhìn hình mặt cười viết ngay cạnh câu khẩu hiệu đó, thật sự chúng tôi đã khóc.

Nhìn nhiệt độ ở tâm dịch hôm nay, bỗng dưng muốn khóc - Ảnh 2.

Nhân viên y tế phải lấy đá lạnh chườm lên bộ đồ bảo hộ trong những ngày nắng nóng cực độ

Chúng tôi, giữa mùa hè nóng bỏng này, vận quần cộc, áo ba lỗ ở trong nhà mà chỉ "thở không đã mệt". Chúng tôi không bao giờ có thể biết thực sự cảm giác của người xông hơi mình trong bộ đồ bảo hộ giữa guồng quay công việc điên cuồng, chạy đua giành giật mạng sống cho đồng loại. Giống như ta không thể biết, không thể miêu tả chính xác mùi vị thật sự của trái sầu riêng, nếu chưa hề ăn nó.

Nhưng có một điều chúng tôi biết chắc chắn là: Các anh chị, bằng mọi cách, sẽ không gục ngã.

Giống như người nữ thủ lĩnh đoàn chi viện 200 y bác sĩ đến từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Quảng Ninh) đã nắm chặt tay: "Cái nắng cái nóng của Bắc Giang không làm khó được tinh thần cả đội".

Ngất thôi mà! Choáng thôi mà! Da phồng rộp thôi mà! Thiếu ngủ thôi mà. Nhớ con quay quắt thôi mà! Có là gì đâu so với tinh thần của một chiến binh giữa cuộc chiến sinh mệnh của con người, cuộc chiến gìn giữ sự lành lặn, bình an cho đất nước!

Nhìn nhiệt độ ở tâm dịch hôm nay, bỗng dưng muốn khóc - Ảnh 3.

Những bàn tay y bác sĩ bợt bạt vì đeo găng tay

Chúng tôi biết, vẫn có những kẻ vô cảm như thể đứng ngoài rìa Tổ quốc, trốn tránh cả luật pháp và lương tâm, vô cảm, vô trách nhiệm hoặc phá hoại nỗ lực của cả dân tộc. Thay vì "mang đá chườm lạnh", họ mang nước sôi dội vào những người chống dịch. Nhưng anh chị đừng để tâm đến họ.

Những "người Việt đúng nghĩa" không đứng ngoài rìa Tổ quốc, chắc chắn không chỉ biết đứng nhìn bảng nhiệt kế hoặc nhìn ra trời nắng gắt, rồi gõ bàn phím tỏ ý xót thương anh chị!

Mỗi một hành động, dù nhỏ của hậu phương, cũng sẽ là những túi đá chườm mát lạnh, xoa dịu và tiếp sức cho chiến binh tuyến đầu chống dịch.

Nguyễn Văn Trang, cựu bác sĩ 78 tuổi ở Nghệ An vừa xung phong ra trận. Vì tuổi cao, có thể nguyện vọng xả thân ấy không được chấp thuận, nhưng nghĩa cử cao đẹp của người thầy thuốc già đã tiếp sức cho biết bao chiến sĩ áo trắng vẫn luôn đi theo lời thề Hippocrates: "Tôi sẽ giữ tinh khiết cho đời tôi và cho nghề nghiệp của tôi".

Đạt, một sinh viên đã lái xe máy vượt 80km trong đêm, đến Bắc Giang xung phong làm tình nguyện vì "dịch bệnh thì cũng sợ chứ, cơ mà ai cũng sợ thì không có ai làm".

Long, một thợ chụp ảnh tự do ở Bắc Giang đã viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch. "Lúc viết đơn xin đi chống dịch, tôi không sợ mình bị bệnh, mà sợ mình không được nhận" - Long vui sướng kể lại.

Trí, lái xe cứu thương một mình vượt gần 600km từ Quảng Bình ra Bắc Giang tình nguyện chống dịch với tâm nguyện đơn giản: "Hết dịch mình về".

Một chàng trai Đà Lạt, sau khi quyên góp được 100 triệu chống dịch, đã xung phong tới Bắc Giang. Khi được hỏi về sự xả thân của mình, anh chỉ cười như lẽ tất nhiên "mình chỉ làm việc của mình thôi".

Không thể kể hết những câu chuyện như vậy. Những người bình thường và những "chuyến hàng lương tâm" hàng ngày vẫn tiếp tục chảy về tâm dịch. Tất cả đều mong mình có thể trở thành những viên đá lạnh làm mát bao cực nhọc, gian khó của anh chị.

Sự tiếp sức nào cũng đáng quý, nhưng chúng ta đừng quên, vũ khí tối thượng nhất chống Covid là gì? Phương pháp tiếp sức hiệu quả nhất, lâu bền nhất và triệt để nhất cho lực lượng chống dịch, cho cả đất nước, là gì?

Chính là vắc xin. Chỉ có vắc xin mới giúp cả hậu phương và tiền tuyến, giúp mỗi chúng ta và giúp cộng đồng, đất nước vượt qua những ngày gian khổ, bất an và chia cách.

Vì thế, mỗi người chúng tôi, dù 10 ngàn, 20 ngàn, 50 ngàn hay nhiều hơn nữa, xin được gửi những "túi đá lạnh" trách nhiệm và nghĩa tình đến Quỹ vắc xin Việt Nam…

Hôm nay, ngoài trời vẫn đang đổ lửa!

Các tài khoản tiếp nhận tiền đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19 gồm:

1. Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước:

- Tên tài khoản: Quỹ vắc xin phòng Covid-19.

- Số hiệu tài khoản: 3761.0.9098866.91999 (VND); 3761.0.9098869.91999 (USD) và 3761.0.9098786.91999 (EUR).

2. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội:

- Tên tài khoản: Quỹ vắc xin phòng Covid-19.

- Số hiệu tài khoản: 21110009116868 (VND); 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR).

Tài khoản tiếp nhận tiền từ nước ngoài:

- Account name: Fund for Vaccination Prevention of Coronavirus Disease 2019.

- Account number: 21110009116868 (VND), 21110371116868 (USD) and 21110142996868 (EUR).

- Bene bank: Bank for investment and Development of Vietnam JSC,

Hanoi branch - 4B Le Thanh Tong Street, Phan Chu Trinh Ward, Hoan Kiem District, Hanoi City, Vietnam.

- Swift code: BIDVVNVX.

Nhìn nhiệt độ ở tâm dịch hôm nay, bỗng dưng muốn khóc - Ảnh 5.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày