Nhiều trường THPT ở Hà Nội học sinh đến trường đạt 90%

Hà Linh, Theo Tiền Phong 08:55 11/12/2021

Sau một tuần Hà Nội cho học sinh lớp 12 của 30 quận, huyện, thị xã đi học đến nay tỉ lệ học sinh đến trường cao hơn 90%, trừ trường THPT Trần Nhân Tông. Trong khi đó, ở bậc THCS, có 2 trường chuyển sang học trực tuyến vì phát hiện học sinh mắc COVID-19.

2 trường dừng khẩn cấp dạy trực tiếp

Ông Nguyễn Như Ý, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, ngày 24/11, học sinh lớp 9 các trường được đi học trực tiếp. Do chỉ có khối 9 học trực tiếp nên nhà trường bố trí các lớp học đảm bảo giãn cách, học sinh các lớp không tiếp xúc với nhau. Ngày 7/12, một học sinh lớp 9 có dấu hiệu nghi mắc COVID-19 như: ho, sốt, Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã yêu cầu Trường THCS Minh Cường tạm dừng việc học trực tiếp, chuyển sang trực tuyến. Sau đó, học sinh này có kết quả xét nghiệm mắc COVID -19. "Kết quả xét nghiệm học sinh, giáo viên liên quan không có ai nhiễm bệnh. Trước mắt, trường vẫn duy trì học trực tuyến để theo dõi tình hình dịch và cân nhắc việc cho học sinh đi học", ông Ý nói.

Ông Lưu Luyến, Trưởng phòng GD&ĐT Phú Xuyên cho biết các trường hiện đang linh hoạt phương thức dạy học đến từng lớp học. Trong ngày 7/12, tại Trường THCS Tri Thủy phát hiện học sinh có thân nhiệt bất thường. Ngay sau đó, học sinh được đưa đi cách ly tạm thời và xét nghiệm có kết quả mắc COVID-19. "Trường học này được yêu cầu chuyển sang dạy học trực tuyến trong vòng 1 tuần nữa nếu tình hình dịch ổn định, tất cả học sinh an toàn sẽ quay lại học trực tiếp chuẩn bị ôn tập cho việc kiểm tra học kỳ I", ông Luyến nói.

Nhiều trường THPT ở Hà Nội học sinh đến trường đạt 90% - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 đi học trực tiếp tại Hà Nội (Ảnh: Trọng Tài)

Tỉ lệ học sinh THPT đi học cao

Tại bậc THPT, tỉ lệ học sinh lớp 12 tới trường khá cao, trừ trường THPT Trần Nhân Tông. Trường này có tỉ lệ học sinh tới trường thấp nhất. Có ngày, chỉ có duy nhất 1 học sinh lớp 12 đi học sau 2 ngày mở trường. Tuy nhiên, phụ huynh chưa cho học sinh đi học là do trường này nằm trong khu vực có ổ dịch phức tạp, nhiều học sinh thuộc diện F0, F1 hoặc trong khu phong tỏa. Trước đó, trường tiến hành lấy ý kiến phụ huynh và chỉ có 9 người đồng ý cho con đi học trực tiếp.

Ở khối trường THPT ngoài công lập, đến thời điểm này nhiều trường như: Marie Curie Hà Nội; THCS - THPT Lương Thế Vinh, THPT Thăng Long, THPT Thực Nghiệm… đều chưa cho học sinh lớp 12 đi học.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến ngày 9/12, tỉ lệ học sinh đi học tại các cụm trường THPT như: quận Ba Đình - Tây Hồ đạt 88,45%; Cầu Giấy - Thanh Xuân: 94,16%; Chương Mỹ - Thanh Oai: 96,10%; Phú Xuyên - Thường Tín: 93,7%, Đông Anh 92,6%... Cụm trường THPT có tỉ lệ học sinh lớp 12 đến trường thấp nhất là: 77,96%; Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng đạt tỉ lệ 78,4%.

Theo ông Nguyễn Xuân Khang, lý do trường chưa mở cửa là vì đại đa số phụ huynh có ý kiến băn khoăn về việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong bối cảnh Hà Nội mỗi ngày có nhiều ca mắc COVID-19 và học sinh mới chỉ tiêm được 1 mũi vắc xin. Ngay sau khi học sinh tiêm xong mũi 2, nhà trường sẽ lấy ý kiến phụ huynh cho các em tựu trường. "Đến thời điểm này, học sinh có 7,5 tháng ở nhà, học trực tuyến, nhà trường, phụ huynh cũng đều rất sốt ruột. Chưa kể, sắp đến thời điểm kiểm tra học kỳ I, nếu được đến trường học trực tiếp, giáo viên ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh sẽ tốt hơn", ông Khang nói.

Trong khi đó, đại diện một số trường tư cũng cho biết, đến thời điểm này nhiều phụ huynh vẫn lo lắng muốn trường học lùi thời gian mở cổng trường. Phía trường học cũng lo ngại, tình hình các ca nhiễm COVID-19 tăng cao, học sinh vừa được đến trường có ca mắc lại chuyển sang học trực tuyến sẽ gây xáo trộn trong việc tổ chức dạy học. Chưa kể, với các trường ngoài công lập, việc mở cửa trường đồng nghĩa với thực hiện tổ chức xe đưa đón học sinh từ nhà về trường và ngược lại. Ở trường có thể thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ nhưng đi xe buýt, đón học sinh ở nhiều nơi nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Do đó, trường chờ thêm 1-2 tuần tới sẽ tính phương án cho học sinh đi học.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói rằng khi mở cửa trường học trở lại, một bộ phận cha mẹ học sinh còn tâm lý e ngại nên không dám cho con trở lại trường là bình thường.

Lãnh đạo sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định phương thức dạy học hiện nay là linh hoạt đến từng trường. Hà Nội đã có hướng dẫn liên ngành về phương thức xử lý các tình huống khi có F0, F1, F2 để các trường thực hiện. Đến nay, đã có 64.000 học sinh lớp 9 ở 18 huyện, thị xã và học sinh lớp 12 ở 30 quận, huyện, thị xã cho học sinh học trực tiếp.