Nhiều nước đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai: Nghiêm trọng hơn hay có thể ngăn chặn?

Thanh Hiệp, Theo VTV 09:14 16/06/2020

Không lâu sau khi thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều quốc gia lại bắt đầu phải đối mặt với những nguy cơ mới từ một làn sóng COVID-19 thứ hai.

Nguy cơ từ ổ dịch COVID-19 mới tại Bắc Kinh

Hôm 6/6, chính quyền thành phố Bắc Kinh chính thức triển khai mùa tiêu thụ Bắc Kinh – chương trình kích cầu quy mô lớn, nhằm phục hồi hoạt động tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), bà Lu Huiling – Giám đốc bộ phận thúc đẩy tiêu thụ, Cục xúc tiến Thương mại Bắc Kinh cho biết "mức độ phản ứng khẩn cấp đối với dịch bệnh của thành phố đã được hạ thấp. Đây là thời điểm tốt để thị trường tiêu dùng Bắc Kinh có thể phục hồi sau đại dịch".

Thế nhưng, chỉ trong vòng một tuần, sự lạc quan đó đã biến mất, nhường chỗ cho những nỗi lo ngại "mới" mà "cũ".

Sau gần 2 tháng không ghi nhận ca nhiễm mới nào, Bắc Kinh lại phải một phen choáng váng khi phát hiện virus SARS-CoV-2 tại khu chợ Tân Phát Địa – chợ đầu mối lớn nhất ở thủ đô. Ít nhất 51 ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận, buộc chính quyền thành phố phải ban bố lệnh giới nghiêm ở khu vực này, đồng thời tiến hành các xét nghiệm tầm soát COVID-19 đối với cho tất cả những người làm việc tại chợ, sinh sống gần đó hoặc đã đến chợ từ ngày 30/5.

Nhiều nước đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai: Nghiêm trọng hơn hay có thể ngăn chặn? - Ảnh 1.

Bắc Kinh choáng váng với ổ dịch mới tại khu chợ đầu mối Tân Phát Địa (Nguồn Reuters)

Trước diễn biến trên, chính quyền thành phố cho biết Bắc Kinh sẽ dừng mọi sự kiện thể thao, du lịch liên tỉnh, đóng cửa 6 khu chợ bán buôn thực phẩm chính của thành phố và các quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục thành phố Bắc Kinh cho biết đã hủy kế hoạch cho phép hơn 520.000 học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 3 trở lại trường học từ ngày hôm nay 15/6. Học sinh các lớp lớn hơn đã đi học trở lại trước đó sẽ tiếp tục đến trường, nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn.

Nỗi lo sợ về một làn sóng lây nhiễm thứ hai cũng nhanh chóng lan rộng sang nhiều địa phương khác tại Trung Quốc. Giới chức y tế tỉnh Liêu Ninh phía Đông Bắc Trung Quốc cho biết, 2 ca lây nhiễm mới tại đây đều có tiếp xúc gần với các bệnh nhân tại Bắc Kinh. Ít nhất 10 thành phố tại Trung Quốc bao gồm Cáp Nhĩ Tân và Đại Liên đã khuyến cáo người dân không nên di chuyển tới thủ đô. Những người đã tới Bắc Kinh trong thời gian gần đây cũng được yêu cầu thông báo với chính quyền địa phương ngay lập tức.

Nhiều nước đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới

Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang phải đối mặt với nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.

Ngày 14/6, Thị trưởng thủ đô Tokyo của Nhật Bản Yuriko Koike cho biết thành phố này xác nhận thêm 47 ca mắc mới, chỉ vài ngày sau khi dỡ bỏ cảnh báo về nguy cơ gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thủ đô.

Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 5/5, số ca mắc mới trong ngày của Tokyo tăng lên trên 40 người, làm dấy lên lo ngại nguy cơ làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai bùng phát tại thủ đô của Nhật Bản. Với số ca mới phát hiện, Tokyo đến nay ghi nhận tổng cộng 5.544 ca mắc.

Nhiều nước đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai: Nghiêm trọng hơn hay có thể ngăn chặn? - Ảnh 2.

Tokyo (Nhật Bản) đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai (Nguồn Reuters)

Trong số ca nhiễm mới, 18 người có liên quan đến một số cơ sở vui chơi, giải trí ban đêm tại khu Shinjuku. Ngoài ra, lưu lượng giao thông tại Nhật Bản đã khôi phục được 70% so với thời điểm trước dịch bệnh, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho dịch tái bùng phát trở lại. Trước tình hình trên, chính quyền thành phố yêu cầu những người làm việc tại các cơ sở này làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 định kỳ nhằm ngăn chặn virus lây lan.

Chính phủ Nhật Bản một mặt kêu gọi các quán nhậu, nhà hàng, tụ điểm giải trí cần áp dụng triệt để các phương pháp giãn cách như giảm số ghế ngồi, giảm số lượng khách hàng tiếp nhận trong cùng một thời điểm, vệ sinh sạch sẽ, mặt khác tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu thuốc điều trị cũng như vaccine phòng bệnh.

Tại châu Âu, các nhà khoa học đã dự đoán sẽ có một đợt dịch thứ hai sau mùa hè. Tuy nhiên, việc nhiều người tụ tập tại các thành phố lớn để phản đối nạn phân biệt chủng tộc sau khi xảy ra vụ công dân Mỹ da màu George Floyd tử vong khi bị cảnh sát bắt giữ có thể làm cho dịch bệnh nhanh chóng gia tăng trở lại.

Chủ tịch Hiệp hội Hồi sức tích cực châu Âu (ESICM) Jozef Kesecioglu cho biết, vi rút SARS-CoV-2 vẫn đang tiếp tục lây lan, mặc dù ở tỷ lệ thấp hơn một vài tuần trước đó. Khả năng xảy ra đợt dịch thứ hai và quy mô của nó phụ thuộc vào việc duy trì hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội và nhiều nhân tố khác.

Còn tại Mỹ, trong khi tốc độ lây nhiễm COVID-19 tại các thành phố lớn như New York đang dần chậm lại, một phân tích mới đây của Washington Post lại cho thấy, số ca nhiễm mới tại 16 bang đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội đang tăng với tỷ lệ % ở mức hai con số. Tỷ lệ này lần lượt là 10% tại Alaska, California, Delaware, Georgia, South Carolina; 11% ở Iowa, New Hampshire, South Dakota, Virginia; 12% ở Arizona, North Carolina, Tennessee; 13% ở Arkansas; 14% ở Alabama, Minnesota và 15% ở North Dakota.

Giáo sư William Schaffner, Trường đại học Y khoa Vanderbilt nhận định "Làn sóng lây nhiễm thứ hai đã bắt đầu, chúng ta đã mở cửa trở lại trên khắp đất nước, nhưng nhiều người lại không thực hiện giãn cách xã hội và không đeo khẩu trang". Giáo sư Schaffner cũng nói thêm rằng, các cuộc tụ họp đông người và các nghi lễ tôn giáo đang được tổ chức. "Nhiều người chỉ đơn giản là không cẩn thận và khá vô tư. Điều này đã dẫn đến sự lây lan mạnh hơn của COVID-19".

Ông Gregory Poland – chuyên gia của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ lo ngại "Sẽ có xấp xỉ 10-20% dân số Mỹ có khả năng miễn dịch ở lần bùng phát dịch bệnh kế tiếp. Điều này có nghĩa là 80% vẫn sẽ có nguy cơ bị tổn thương".

Do đó, trong trường hợp xảy ra một làn sóng lây nhiễm thứ hai, khi các nghiên cứu vaccine vẫn chưa mang lại kết quả, tình hình sẽ rất nghiêm trọng bởi "các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã kiệt sức. Họ vẫn không có đủ trang thiết bị bảo vệ cá nhân".

Làn sóng lây nhiễm thứ hai liệu có thể bị ngăn chặn?

Tuy nhiên, giới chuyên gia tại nhiều nước vẫn tin tưởng một cách thận trọng vào khả năng ngăn chặn sự bùng phát của làn sóng COVID-19 thứ hai.

Thành viên nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc - từng là nhà dịch tễ học cấp cao của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc - ông Tăng Quang (Zeng Guang) khẳng định Bắc Kinh sẽ không trở thành Vũ Hán thứ hai, sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại Tân Phát Địa.

Phát biểu với truyền thông địa phương, ông Tăng Quang cho biết: "Liệu làn sóng thứ hai có xảy ra hay không, điều đó phụ thuộc nhiều vào các biện pháp phòng ngừa của chúng ta. Ví dụ, trong tương lai, số ca nhiễm có thể tăng lên, sau đó sự lây lan virus sẽ được kiểm soát. Đây là một dạng nhẹ của làn sóng thứ hai, xác suất này rất cao. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không trở thành Vũ Hán thứ hai khi virus lan sang các thành phố khác trên cả nước và thậm chí phải đóng cửa thành phố".

Còn tại Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ và thành viên đội đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhận định số ca mắc COVID-19 gia tăng tại một số bang thời gian gần đây, không đồng nghĩa với một làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Ông nhận định "khi số lượng người nhập viện bắt đầu gia tăng, đây rõ ràng là một tình hình đáng lưu ý", tuy nhiên, vẫn có khả năng làn sóng lây nhiễm thứ hai mà các chuyên gia đang lo ngại sẽ không xảy ra. Ông cũng khuyến cáo người dân Mỹ nên tuân thủ các hướng dẫn về giãn cách xã hội và tiếp tục đeo khẩu trang nơi công cộng, để phòng ngừa dịch bệnh.

Nhiều nước đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai: Nghiêm trọng hơn hay có thể ngăn chặn? - Ảnh 3.

Chuyên gia y tế Anthony Fauci (Mỹ) tin rằng vẫn có khả năng tránh được làn sóng COVID-19 thứ hai (Nguồn CNN)

Trong khi đó, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) – bác sĩ Julie Gerberding, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và hiện là phó chủ tịch điều hành tại Merck&Co lưu ý rằng, những nỗ lực hợp tác trong ngành y tế và 130 loại vaccine đang được phát triển ở các giai đoạn khác nhau, có thể cho phép duy trì một sự lạc quan thận trọng về khả năng chấm dứt dịch bệnh bằng vaccine.

"Tôi nghĩ khoa học đang đứng về phía chúng ta, nhưng điều đó chưa đủ để nói lên điều gì". Theo bà, vẫn còn rất nhiều rào cản có thể phát sinh giữa các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và việc đưa sản phẩm vaccine hoàn chỉnh ra ngoài thực tế.