Nhạc sĩ và bài "hit": Định giá cho âm nhạc là chuyện bình thường, tìm đến người có tầm thì phải trả được giá xứng tầm

Nhật Duy - Phúc Du - Design: Linh Phương, Theo Trí Thức Trẻ 12:02 21/10/2017

Cần nhìn nhận một cách công bằng về khía cạnh công sức của tất cả những người cùng tham gia tạo nên một tác phẩm là như nhau. Nếu một sản phẩm sáng tạo thành công, nghĩa là cả ca sĩ và nhạc sĩ đều là người được lợi về tên tuổi, uy tín và cả kinh tế.

"Làm ca sĩ thì phải có bài hit, có hit là xem như đổi đời".

Đây gần như là một quan điểm mang tính khái niệm mà rất nhiều khán giả lẫn những người đi hát đang có trong đầu. Tất nhiên ca sĩ muốn thành "ngôi sao" thì buộc phải có "hit" trước khi được công chúng khai thác những yếu tố khác. Thế nhưng lại có một nghịch lý vẫn luôn tồn tại trong việc mua bán âm nhạc, nhất là ở thị trường Việt Nam, rằng người có tầm quan trọng duy nhất trong việc biến ca khúc thành "hit" chỉ là ca sĩ.

Cũng chính vì như thế nên mới có chuyện xảy ra khi một ý kiến cho rằng Tiên Cookie định giá cho một bản "hit" của mình với con số 100 triệu/bài là quá cao và cô nhạc sĩ lập tức phản pháo.

Nhạc sĩ và bài hit: Định giá cho âm nhạc là chuyện bình thường, tìm đến người có tầm thì phải trả được giá xứng tầm - Ảnh 1.

Khán giả Việt Nam và rất nhiều người vẫn đang xem nhẹ vai trò của nhạc sĩ

Họ cho rằng việc nhạc sĩ sáng tác và bán ca khúc không quan trọng bằng việc ca sĩ hát và khiến ca khúc trở nên đại chúng. Họ cho rằng sự nổi tiếng của ca sĩ quan trọng hơn việc một bài hát có thực sự hay hay không. Mỗi ý kiến chỉ đúng một phần.

Nhìn vào sự thật nếu một ca sĩ có một điểm rơi tốt, nhận được một bài hát và bỗng nhiên nó thành "hit quốc dân", sự nghiệp họ sẽ thay đổi ra sao? Dễ nhận thấy, họ dĩ nhiên được săn đón, quan tâm nhiều hơn, có thể đang từ kẻ chẳng ai biết tự nhiên lại trở thành người ai cũng biết, show chậu dày đặc hơn, mức cát-sê tăng vượt trội, các hợp đồng quảng cáo, cơ hội công việc cũng xếp hàng dày đặc... Đó là lợi ích dễ thấy và xứng đáng, thậm chí gấp nhiều lần với những gì mà ca sĩ đã bỏ ra ban đầu. Trường hợp của Soobin Hoàng Sơn là một ví dụ.

Sau nhiều năm Nam tiến, anh vẫn khá loay hoay trong sự nghiệp, dù chăm chỉ tham gia các chương trình hay ra mắt sản phẩm mang đậm dấu ấn riêng nhưng dường như vẫn không có một cú bật lên hẳn. Cho đến khi "Phía sau một cô gái" xuất hiện nhưng chiếc chìa khóa mở cánh cửa sự nghiệp của anh sang trang mới. Soobin trở nên hot hơn bao giờ hết khi đi đâu cũng nghe người người nhắc đến hit này. Dĩ nhiên, nam ca sĩ đắt show hơn, trúng loạt hợp đồng quảng cáo, đồng thời cũng sớm tậu cho mình một căn hộ cao cấp.

Ca sĩ có bài "hit" thì sẽ đắt show, giá cát-xê sẽ tăng, được các nhãn hàng săn đón, nói chung là con đường sự nghiệp của ca sĩ sẽ rộng mở nếu có nhiều bài "hit" để duy trì độ nóng. Nhưng muốn có bài "hit", trước tiên phải có bài hát.

Nhạc sĩ và bài hit: Định giá cho âm nhạc là chuyện bình thường, tìm đến người có tầm thì phải trả được giá xứng tầm - Ảnh 2.

Ca sĩ phải tìm đến nhạc sĩ để mua hoặc đặt bài. Nhưng lượng nhạc sĩ thì nhiều vô kể, từ chuyên nghiệp cho đến những nhạc sĩ độc lập, tự phát. Phải làm sao để có được ca khúc hay trong hàng trăm cái tên mỗi ngày chính là một vấn đề. Chính vì thế, các ca sĩ thường có xu hướng tìm đến những nhạc sĩ tên tuổi, hoặc những "hit-maker".

Nói đến đây thôi đã đủ thấy tầm quan trọng của một nhạc sĩ rồi. "Hit-maker" không phải một danh hiệu được Hội đồng nghệ thuật chứng nhận, mà được chứng minh qua sản phẩm thực tế. Và một "hit-maker" có thể là một tên tuổi danh giá lẫn một "lính mới tò te" nổi lên từ cộng đồng mạng. Giả dụ khi nhìn vào bảng xếp hạng âm nhạc nào đó, thấy 2 trong số 5 ca khúc đứng đầu là của cùng một nhạc sĩ, thì người nhạc sĩ đó sẽ được ca sĩ, hoặc nhà sản xuất đưa vào tầm ngắm. Họ sẽ liên lạc với người này và đặt vấn đề về một ca khúc mới. Đây là một quy trình bình thường mà thiết nghĩ những người quan tâm đến âm nhạc đều có thể suy ra.

Thế nhưng, việc một bài hát có "hit" hay không lại là một vấn đề khác. Chẳng nhạc sĩ nào dám đảm bảo với ca sĩ rằng ca khúc họ viết ra sẽ 100% thành "hit". Bởi việc ca khúc đến được với số đông luôn là một quá trình: giai điệu bắt tai, ca từ ấn tượng, hòa âm phối khí, vũ đạo, tựa đề, giọng hát của ca sĩ, thậm chí là MV và một chút may mắn. Với rất nhiều yếu tố, ai dám cam đoan bài hát mình tung ra sẽ "bảo đảm ăn khách"!? Chẳng một ai. Kể cả một ngôi sao như Sơn Tùng hay Mỹ Tâm (những người vừa hát vừa sáng tác), tin chắc họ cũng phải luôn đối diện với thử thách ca khúc sau phải qua được ca khúc trước. Đó hoàn toàn là vấn đề về tư duy và lao động nghiêm túc chứ không phải là một thứ đơn giản được bảo chứng như danh tiếng của ca sĩ.

Tất nhiên nghệ sĩ càng nổi tiếng sẽ càng dễ quảng bá được bài hát của mình, nhưng nếu bài hát không hay thì nó vẫn sẽ bị quên lãng. Thế nên, việc cho rằng Em Gái Mưa thành công chỉ nhờ Hương Tràm là một ý kiến có phần bất công với Mr. Siro. Bởi nếu Hương Tràm hát bài nào cũng "hit" thì giới nhạc sĩ sẽ không bao giờ có sự cạnh tranh hay đào thải. Mr. Siro hay Đỗ Hiếu, Tiên Cookie, Nguyễn Hồng Thuận hay Dương Khắc Linh sẽ chỉ là những cái tên ngang hàng với hàng nghìn nhạc sĩ khác ở Việt Nam.

Nhạc sĩ và bài hit: Định giá cho âm nhạc là chuyện bình thường, tìm đến người có tầm thì phải trả được giá xứng tầm - Ảnh 3.

Tìm đến người xứng tầm thì phải trả giá đúng tầm

Vậy khi một nhạc sĩ hay một "hit - maker" bắt tay với một ca sĩ tên tuổi thì họ sẽ thỏa thuận những gì? Điều này thì "mỗi nhà mỗi cảnh", phải hỏi từng người mới biết được. Nhưng theo kinh nghiệm cá nhân và những kiến thức nhất định trong mua bán âm nhạc, tin chắc những ca khúc được tạo thành giữa một ca sĩ nổi tiếng và nhạc sĩ nổi tiếng không đơn thuần chỉ là viết và hát.

Ca sĩ hoàn toàn có quyền yêu cầu nhạc sĩ viết một bài hát theo yêu cầu của họ. Chẳng hạn như thể loại nào, giai điệu phải được phát triển kiểu nào, ca từ phải có những yếu tố gì, v.v... Rất nhiều những thứ phải nằm ở giai đoạn tiền sản xuất mà nếu không đạt được thỏa thuận thì sẽ không thể hợp tác. Tất nhiên nếu nhạc sĩ có sẵn bài hát phù hợp với yêu cầu của ca sĩ thì quá tiện lợi. Nhưng nếu nhạc sĩ đồng ý với những gì ca sĩ yêu cầu thì tất nhiên họ phải thống nhất được giá cả.

Do đó, việc ca sĩ định giá cho ca khúc của mình là hoàn toàn bình thường. Buôn bán chất xám không bao giờ có một khung giá cố định. Nếu bạn cảm thấy sản phẩm của mình làm ra đủ chất lượng, giá trị lớn đến đâu thì bạn có thể đưa ra mức giá mà bạn cho là phù hợp. Người mua có thể "trả giá" nhưng nếu không có được thỏa thuận thì sẽ không có giao dịch. Chuyện vô cùng bình thường. Đừng nghĩ âm nhạc là phạm trù cảm xúc rồi cho rằng việc định giá, mua bán là xem rẻ nghệ thuật. Bởi nghệ thuật phải được vận hành bằng một bộ máy có trả phí chứ chẳng ai cho không. Bạn bán một chiếc áo được sản xuất công nghiệp còn có thể phá giá thì việc một nhạc sĩ phá giá ca khúc của mình không hề là vấn đề.

Nhạc sĩ và bài hit: Định giá cho âm nhạc là chuyện bình thường, tìm đến người có tầm thì phải trả được giá xứng tầm - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh chia sẻ, có những trường hợp anh đưa bài cho ca sĩ là miễn phí vì mến họ. Có những trường hợp anh lại giảm giá vì muốn người đó hát, và đương nhiên cũng có những ca sĩ lấy giá cao. Anh cũng phủ nhận con số 100 triệu đồng "bao hit" trên thị trường vì không nhạc sĩ nào dám nói câu đó cả và cũng không ai có kiểu bán 2 - 3 bài một lúc.

Bản thân nhạc sĩ Tiên Cookie cũng phản ứng mạnh mẽ khi mình bị cho là "bán chất xám" theo giá này. Cô nói: ""Những ca khúc mình viết ra là đứa con mình nuôi dưỡng bằng tinh thần. Bởi thế nên mình rất trân trọng từng tác phẩm của mình. Nếu xét về mặt kinh tế, một khi mà đã "bao ăn khách", thì không có giá 100 triệu đâu".

Nhiều người sáng tác nhạc đồng nhận định: Nếu để nói là đảm bảo hit thì không biết bao nhiêu tiền là đủ. Bởi vì có những ca sĩ đi hát trong nhiều năm liền chỉ mong chờ 1 bài hit là mãn nguyện rồi, nhưng vấn đề không nằm ở chỗ con số mà là không ai biết chắc số phận của một bài hát là thế nào, để dám đưa ra con số chắc nịch kèm theo hai từ "bao hit". Họ chỉ có thể "cảm giác" nó dễ nghe hay không chứ không chắc chắn và đảm bảo hết mọi yếu tố thuận lợi diễn ra để đẩy nó thành hit. Có những ca sĩ bỏ hàng chục triệu đồng ra để mua một bài hát và hàng trăm triệu để đầu tư vào nó thế nhưng họ vẫn loay hoay, chưa tìm đúng con đường cho mình.

Nhạc sĩ và bài hit: Định giá cho âm nhạc là chuyện bình thường, tìm đến người có tầm thì phải trả được giá xứng tầm - Ảnh 5.

Giá trị nghệ thuật của một bài hát nằm ở những giải thưởng, còn giá trị mua bán tất nhiên nằm ở đồng tiền

Vậy lợi nhuận nhạc sĩ thu về có đủ tương xứng hay chưa khi mà ở thị trường nhạc Việt hiện tại, bản quyền vẫn còn là câu chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát? Ở nước ngoài, nhạc sĩ có thể còn ăn tiền từ doanh thu nhạc số hay bán đĩa. Tuy nhiên ở Việt Nam lại chưa thắt chặt chuyện này nên nhạc sĩ vẫn chịu thiệt. Nhiều nhà hàng, tiệm cà phê vẫn mở miễn phí những bài hát mà họ đáng lẽ phải trả tiền để phát chúng trong quán của mình. Bởi đơn giản thói quen "xài miễn phí" đã ăn quá sâu vào ý thức của khán giả Việt, khiến cho những giá trị mà những sản phẩm sáng tạo đáng được nhận đã không còn chỗ đứng từ lâu.

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh chia sẻ: "Đây là điều thật sự rất thiệt thòi cho những nhạc sĩ ở Việt Nam. Những nghệ sĩ tạo ra sản phẩm họ cũng cần phải sống chứ. Họ cứ phải cày, phải sáng tác cả đời. Trong khi bên nước ngoài người ta có khoảng 3 bài hits thôi là về hưu được rồi".

Nói chung, nhiều người đang cố tình cho rằng việc "thuận mua vừa bán" là một khái niệm hạ thấp giá trị âm nhạc. Đó hoàn toàn là quan niệm sai lệch. Tìm đến người có tầm thì phải trả được cái giá xứng tầm. Ca sĩ hạng A không thể có mức cát-xê của ca sĩ hạng C. Hit-maker không thể có giá của một nhạc sĩ mới tập sáng tác. Giá trị của một bài hát được công nhận nên nhìn ở nhiều khía cạnh và công bằng với tất cả những người cùng tham gia sáng tạo.

Nhạc sĩ và bài hit: Định giá cho âm nhạc là chuyện bình thường, tìm đến người có tầm thì phải trả được giá xứng tầm - Ảnh 6.

"Chúng ta đừng ngại ngần nói về chuyện mua và bán. Bởi mỗi người khi trưởng thành, chúng ta đều phải bán thứ gì đó để tồn tại và chia sẻ với cộng đồng. Mỗi ngày, ta nhận được từ cuộc đời nhiều thứ thì ngược lại, cuộc đời cũng đòi ta phải bán lại thứ gì đó tương xứng. Đừng hoa mỹ nói rằng người nghệ sĩ thì không thể bán âm nhạc được, và cho rằng việc đó rẻ tiền, phi nghệ thuật. Sai hoàn toàn. Khi nào đi hát đừng lấy tiền nữa, đừng đòi lợi ích từ công chúng nữa, thì hãy nói những điều ấy", ca sĩ Hà Anh Tuấn từng bày tỏ quan điểm về việc mua bán âm nhạc.

Một bài "hit" không chỉ được tạo ra bởi ca sĩ mà là cả một tập thể. Và thành công của nó cũng sẽ đem đến trái ngọt cho cả một tập thể. Vì thế, mua bán gì với nhau là việc giữa ca sĩ và nhạc sĩ, định giá hay phá giá cũng không phải việc mà khán giả - những người cảm thụ âm nhạc - nên bàn tán vì nó cũng chẳng có kết quả gì. Khán giả nên hiểu rõ mình chính là thước đo cho sự thành công của một bài hát. Còn giá trị nghệ thuật thì nằm ở những giải thưởng. Giá trị mua bán tất nhiên nằm ở đồng tiền.

Nhạc sĩ và bài hit: Định giá cho âm nhạc là chuyện bình thường, tìm đến người có tầm thì phải trả được giá xứng tầm - Ảnh 7.

Không nhạc sĩ nào dám khẳng định chắc nịch: Ca khúc của tôi "bao hit"

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh nhận định, bài hát hay có công thức nhưng việc làm theo công thức cũng rất "hên xui", đôi khi nó chỉ dừng lại ở mức dễ nghe, bắt tai nhưng để hit là một chuyện khác. "Ví dụ nhạc của Mr. Siro rất hay, lời bài hát cũng đặc biệt nhưng nó "na ná" nhau, và đó lại là công thức của Mr. Siro. Tuy vậy, công thức này không phải lúc nào cũng mang về bài "siêu hit" như "Em gái mưa". Ở Hàn Quốc người ta cũng áp dụng công thức để làm nhạc nhưng cũng chỉ là qua từng giai đoạn. Khi thị hiếu khán giả thay đổi, tự bản thân công thức này cũng thay đổi" - anh nói.

Kai Đinh - tác giả trẻ góp phần thành công cho sự trở lại của Min với chuỗi bài hát "Gọi tên em" và "Có em chờ" - cho biết: "Để nhìn nhận được mức độ dễ thuộc và dễ hát theo thì chắc chắn ca sĩ và nhạc sĩ làm được, tuy nhiên phần lời như thế nào để được công chúng yêu thích thì lại khó xác định hơn nhiều. Bên cạnh đó, nhược điểm của các ca khúc dễ thuộc, dễ hát theo là rất nhanh chán và khó trở thành hit lớn. Bên cạnh đó, giai điệu của những ca khúc dễ nghe là rất dễ bị giống các sản phẩm nổi tiếng khác đã có rồi. Trong trường hợp này, yếu tố có hit hay không cũng chỉ là một vài phần trăm linh cảm của tác giả, còn để nói chắc chắn thì có lẽ không ai dám".

Nhạc sĩ Tiên Cookie cũng chia sẻ, không có bất kì khuôn mẫu nào để tạo nên những bản hit. Với cô, cứ làm việc nghiêm túc, có tâm và sống bằng cảm xúc thì sẽ chạm tới trái tim những người nghe nhạc. Chính vì thế, bản thân cô cũng không đặt ra tiêu chí "bao ăn khách" cho sản phẩm của mình để mà gọi là "thét giá".