Nhà hàng, cửa hiệu Trung Quốc ‘mất ăn mất ngủ’ thời dịch bệnh

Hoàng Trang, Theo Báo Tin tức 12:57 11/03/2020

Sau thời gian hoạt động cầm cự dưới lệnh cấm tụ tập đông người mùa dịch bệnh, Jay Li cùng các đối tác làm ăn buộc phải đưa ra quyết định đau lòng là đóng cửa ba tiệm ăn và sa thải toàn bộ nhân viên.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin dưới chính sách kiểm soát dịch COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra, Quảng Châu – thủ phủ của tỉnh Quảng Đông sầm uất – nơi từng là thiên đường của những người sành ăn đã hứng chịu đợt suy thoái chưa từng thấy. Các nhà hàng, cửa hiệu từng tấp nập khách khứa đã không chịu nổi sức ép và đóng cửa hàng loạt.

Số phận ba nhà hàng của ông Jay Li là một trong nhiều bằng chứng cho thấy tổn thất kinh tế nặng nề mà virus Corona gây ra tại khắp Trung Quốc, đồng thời khiến các nhà quản lý phải cắt giảm nghiêm trọng nhân sự trong ngành dịch vụ.

 Nhà hàng, cửa hiệu Trung Quốc ‘mất ăn mất ngủ’ thời dịch bệnh  - Ảnh 1.

Chủ kinh doanh nhà hàng, cửa hiệu ở Trung Quốc "mất ăn, mất ngủ" vì bài toán làm sao để duy trì hoạt động giữa mùa dịch. Ảnh: Xinhua

“Tôi cứ tưởng năm 2019 là tồi tệ lắm rồi nhưng dịch bệnh còn khiến tình hình xấu hơn vào năm 2020, cắt giảm nguồn doanh thu gần như bằng 0. Tiền tiết kiệm của chúng tôi không thể hỗ trợ tiền thuê mặt bằng và trả lương cho nhân viên lên đến ít nhất 700.000 Nhân dân tệ mỗi tháng”, ông Li chia sẻ.

Với việc các ngân hàng Trung Quốc không quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vay vốn, ông Li nói: “Ngừng kinh doanh là điều duy nhất mà các nhà hàng và quán cà phê nhỏ như chúng tôi có thể làm”.

Khắp Trung Quốc, vô số nhà hàng, khách sạn, cửa hàng nhỏ cùng đại lý du lịch đã hứng chịu tác động của dịch COVID-19, dẫn đến làn sóng đóng cửa ngừng hoạt động và đặt gánh nặng nợ nần lên vai người kinh doanh. Một công ty bất động sản địa phương cho biết dọc đoạn đường chỉ dài nửa km trên phố Zhongshanba – một trong những tuyến phố kinh doanh chính ở Quảng Châu – đã có đến 10 nhà hàng, cửa hiệu và khách sạn đủ quy mô lớn, nhỏ phải đóng cửa hoặc chuyển địa điểm do không còn tiền để cầm cự.

Nhờ tiến triển trong cuộc chiến chống virus lây lan tại Trung Quốc, một số khu vực đã bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế về giao thông và tụ tập nơi công cộng. Song sự nới lỏng này dường như quá muộn màng đối với một số doanh nghiệp.

Khoảng 75% các công ty kinh doanh ăn uống tại Trung Quốc Đại lục đã ngừng hoạt động trong 2 tháng qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 – theo khảo sát của Hiệp hội Khách sạn Trung Quốc tuần trước. Hơn 70% người tham gia khảo sát cho biết tổng doanh thu của họ đã giảm trên 90% trong giai đoạn qua. Hơn thế, 27% cửa tiệm ăn uống cho biết buộc phải đóng cửa vì hết vốn kinh doanh, trong khi 45% cho biết nguồn tiền dự trữ của họ chỉ đủ để lo chi phí hoạt động thêm hai tháng nữa.

Những tổn thất của ngành dịch vụ ăn uống chỉ là một phần thiệt hại mà COVID-19 gây ra tại Trung Quốc, nơi ghi nhận trên 80.000 ca nhiễm bệnh và hơn 3.100 ca tử vong. Trong khi một số thiệt hại có thể phục hồi, với việc các nhà hàng có thể mở cửa trở lại khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, cú sốc đối với ngành dịch vụ nói riêng và nền kinh tế của đất nước châu Á này nói chung có thể rất lớn.

Trung Quốc có thể báo cáo về một sự thu hẹp kinh tế chưa từng có trong quý đầu tiên của năm nay, có nghĩa là Bắc Kinh chắc chắn bỏ lỡ mục tiêu tăng gấp đôi quy mô của nền kinh tế quốc gia giữa năm 2010 và 2020.

Xem video một nhà hàng ở Hong Kong, Trung Quốc, sử dụng vách ngăn trong suốt để bảo vệ thực khách khỏi lây nhiễm virus khi dùng bữa. Nguồn: SCMP

Feng Guohua, người sáng lập chuỗi nhà hàng ẩm thực Hồ Nam ở thành phố Thâm Quyến, cho biết chỉ có 7 trong số 30 nhà hàng của ông được chính quyền địa phương cho phép mở cửa trở lại đón thực khách dùng bữa tại chỗ. Doanh thu của 7 cửa hàng này chỉ đạt 10 – 30% so với trước đó. “Tôi bị mất 300.000 Nhân dân tệ mỗi ngày. Đối với mọi chủ nhà hàng tôi quen biết, mục tiêu của họ năm 2020 chỉ là có thể tồn tại và duy trì kinh doanh”, ông Feng nói.

Một chủ kinh doanh khác ở Thâm Quyến, ông Steve Gong – người cùng bạn thân đầu tư hơn 300.000 Nhân dân tệ để mua chi nhánh bán bánh mì hồi tháng 11 năm ngoái, bộc bạch rằng ông lo ngại về tình hình hiện nay đến nỗi “mất ăn, mất ngủ”.

“Nếu đóng cửa, chúng tôi mất toàn bộ số tiền đầu tư. Nếu tiếp tục, chúng tôi chỉ kiếm được 200 Nhân dân tệ mỗi ngày nhưng tiền thuê cửa tiệm và trả cho 4 nhân viên lên đến 40.000 Nhân dân tệ mỗi tháng. Hai bên gia đình đều còn những khoản nợ mua nhà đất lớn”.

Gong hy vọng hoạt động kinh doanh sẽ cải thiện song cho biết sẽ chớp lấy cơ hội bán lại chi nhánh nếu có người muốn mua. "Một phần ba cửa tiệm ở khu ẩm thực này đang chuẩn bị đóng cửa", ông nói thêm.

Ngành du lịch của Trung Quốc cũng chịu cú tổn thất nặng nề từ virus SARS-CoV-2. Kent Cai, chủ công ty du lịch tại tỉnh Chiết Giang, chia sẻ: "Tôi tin toàn bộ các đại lý du lịch tư nhân cỡ nhỏ như tôi không hề có lợi nhuận trong tháng 2".

 Nhà hàng, cửa hiệu Trung Quốc ‘mất ăn mất ngủ’ thời dịch bệnh  - Ảnh 2.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 8/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các biện pháp hạn chế sự lây lan virus đã ngăn cản du khách tụ tập đông người. Ông Cai cho biết ông vẫn phải trả lương tháng gần 2.300 Nhân dân tệ cho từng người trong số 18 nhân viên của ông tại Hàng Châu và Ninh Ba, mặc dù không hề đi làm từ cuối tháng 2.

"Tôi ước tính công ty mình sẽ hứng chịu mức tổn thất doanh thu ít nhất 4 triệu Nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay. Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà ngành du lịch Trung Quốc từng gánh chịu".

Tại Quảng Đông, 1/3 trong số 717 khách sạn được xếp hạng sao ở tỉnh này bị buộc phải đóng cửa tạm thời vào tháng 2. Trong khi các khách sạn còn lại ghi nhận lượng khách đặt phòng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chuỗi khách sạn Oyo của Ấn Độ tuyên bố kế hoạch cho nghỉ 60% trong tổng số 8.000 người lao động tại Trung Quốc.

Các bộ phận khác của ngành dịch vụ, trong đó có hơn 12.000 rạp chiếu phim tại Trung Quốc cũng chật vật sinh tồn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Từ cuối tháng 1, toàn bộ rạp phim đã dừng hoạt động, đồng nghĩa với việc không hề có doanh thu dịp Tết Nguyên đán – thời điểm mà nhiều triệu người dân Trung Quốc thường hào phóng mùa sắm và chi tiêu. Theo trang Maoyan.com, năm 2019, hệ thống rạp phim trên cả nước đã gặt hái tổng cộng 5,86 tỷ Nhân dân tệ (844 triệu USD) chỉ riêng kỳ nghỉ Tết kéo dài một tuần năm đó.

 Nhà hàng, cửa hiệu Trung Quốc ‘mất ăn mất ngủ’ thời dịch bệnh  - Ảnh 4.