Nguy cơ mất dữ liệu cá nhân khi mua sắm trực tuyến bùng nổ cuối năm

Duy Vũ, Theo ICTNews 23:21 11/11/2021

Nhiều người dùng có thói quen chia sẻ, tái sử dụng mật khẩu cũ, sử dụng mật khẩu có thể đoán được. Những thói quen này khiến Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có nguy cơ cao về an toàn thông tin khi mua sắm trực tuyến.

Đây là thông tin được đưa ra trong báo Trách nhiệm số từ Google vừa công bố. Những thói quen "xấu" khi sử dụng Internet là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tổn hại về dữ liệu cá nhân: chia sẻ, tái sử dụng mật khẩu cũ và sử dụng mật khẩu có thể đoán được.

Báo cáo này đưa số liệu, ở Việt Nam, 98% người làm khảo sát cho rằng mình có thói quen chia sẻ, tái sử dụng mật khẩu cũ và sử dụng mật khẩu có thể đoán được. Đây là tỷ lệ cao nhất so với 94% trung bình trong khu vực và tăng 2% so với trước đại dịch.

Xem nhẹ mật khẩu

Theo Google, khi các hoạt động trực tuyến đang phát triển nhanh chóng bởi sự thúc đẩy của đại dịch, người dùng Internet trung bình ngày nay có nhiều mật khẩu hơn 25% so với trước đại dịch.

Tại thị trường VIệt Nam, 90% người được hỏi sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều trang web khác nhau (so với 81% trong khu vực), với gần một nửa thừa nhận sử dụng lại mật khẩu cho tối đa 10 trang web.

Nguy cơ mất dữ liệu cá nhân khi mua sắm trực tuyến bùng nổ cuối năm - Ảnh 1.
Nhiều người đặt mật khẩu giống nhau cho các trang web. Ảnh minh họa

Khi được hỏi lý do tại sao, 33% trong số họ cho biết họ làm như vậy vì sợ quên mật khẩu mới, 34% nói rằng việc sử dụng những mật khẩu giống nhau chỉ đơn giản là thuận tiện. Những người tái sử dụng mật khẩu có nguy cơ bị trộm dữ liệu tài chính trực tuyến của mình cao hơn gấp ba so với người khác.

Nếu mật khẩu bị đánh cắp trên bất kỳ trang web nào trong số này, tài khoản của họ trên các trang web khác cũng sẽ dễ bị tấn công. Gần phân nửa người được hỏi cũng thừa nhận đã sử dụng mật khẩu dễ đoán, bao gồm các tổ hợp dễ bẻ khóa nhất như những người hay ngày quan trọng với họ cho đến tên thú cưng và thậm chí cả mã bưu điện.

Tệ hơn nữa, cứ 5 người thì có 1 người thừa nhận đã lưu mật khẩu của họ trong ứng dụng Ghi chú (Notes) trên điện thoại di động, hầu hết trong số đó không được mã hóa theo mặc định. Tỉ lệ đặt mật khẩu dễ đoán của người Việt trong khảo sát là cao nhất khu vực, 7/10 người (72%).

Bên cạnh việc đặt mật khẩu dễ đoán và dùng lặp lại trên nhiều website và dịch vụ trực tuyến, người dùng còn có thói quen chia sẻ mật khẩu với bạn bè và người thân gia đình. Nghiên cứu trong khu vực cho thấy cứ 1 trong 2 người được hỏi không hề e ngại về việc chuyển mật khẩu cho bạn bè hoặc gia đình cho các website thương mại điện tử và dịch vụ số. Ở Việt Nam, con số này là 69%, cao nhất trong khu vực. Trong số đó, chỉ có 5% tích cực sử dụng trình quản lý mật khẩu.

Về giao dịch trực tuyến, cứ 4 người thì có gần 3 người thừa nhận đã mua hàng trên các trang không có biểu tượng kết nối bảo mật, tạo cơ hội hoàn hảo cho những kẻ lừa đảo lấy cắp thông tin chi tiết. Đáng chú ý, 70% người được hỏi lưu thông tin tài chính trực tuyến cũng chia sẻ mật khẩu với bạn bè và gia đình, khiến họ có nguy cơ bị tổn hại dữ liệu cá nhân cao hơn với mật khẩu được sử dụng trên nhiều thiết bị. Tỉ lệ này đối với người Việt là 82%, cao nhất khu vực.

75% người dùng Việt Nam có thể áp dụng xác thực bảo mật 2 yếu tố

Dù vẫn còn nhiêu thói quen xấu dẫn đến những rủi ro về an toàn bảo mật, nhưng nhiều người dùng đã bày tỏ ý định và mong muốn có trách nhiệm kỹ thuật số hơn. Trong tương lai, 75% người Việt những người được hỏi nói rằng họ có khả năng áp dụng xác thực hai yếu tố (2FA), ngay cả khi nó không bắt buộc, cao hơn mức 63% trung bình trong khu vực.

Những người trả lời, 74% cũng nói rằng khi đối mặt với khả năng bị vi phạm dữ liệu, họ sẽ chọn thay đổi mật khẩu của mình ngay lập tức, và 66% nói rằng họ có khả năng sử dụng trình quản lý mật khẩu mặc dù hiện tại chỉ có 5% ít ỏi đang sử dụng.

Bà Trâm Nguyễn, Giám đốc quốc gia, phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia - Google Châu Á Thái Bình Dương cho biết: Khảo sát của chúng tôi cho thấy rõ ràng người dùng Internet ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mong muốn cải thiện tốt hơn trong việc xây dựng môi trường kỹ thuật số và đây là một thông điệp tích cực đáng khích lệ.

Bà Trâm cũng cho biết, thách thức nằm ở khoảng cách giữa kiến thức và hành động, và giải pháp để lấp đầy khoảng cách này là khả năng tiếp cận các công cụ có thể trang bị đầy đủ cho mọi người về cả bảo mật và sự tiện lợi. Đó là lý do tại sao chúng tôi tập trung vào việc cung cấp và đặc biệt khuyến khích mọi người sử dụng các công cụ dễ dàng và hiệu quả để giúp mọi người chịu trách nhiệm về sự an toàn trực tuyến.