Người Úc ngày nào cũng ăn và khen con cá này ngon, nhưng hóa ra lại là loài khoa học chưa từng biết đến

J.D, Theo Helino 20:28 04/11/2019

Đây cũng không phải lần đầu tiên khoa học tìm ra loài mới dựa trên... bữa ăn của người dân.

Nước Úc nổi tiếng sở hữu những loài vật kỳ lạ, nhưng giới khoa học sinh vật ở đây lại khá khan hiếm nhân lực. Có nhiều loài vật phổ biến tại Úc vẫn chưa được khoa học ghi nhận, và bởi vậy mới sinh ra câu chuyện hi hữu: người dân vô tư ăn một loài cá và thậm chí còn khen chúng rất ngon, để rồi phát hiện ra đó là loài chưa từng được khoa học biết đến.

Loài cá này được đặt tên là Epinephelus fuscomarginatus, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Zootaxa.

Người Úc ngày nào cũng ăn và khen con cá này ngon, nhưng hóa ra lại là loài khoa học chưa từng biết đến - Ảnh 1.

Câu chuyện bắt đầu từ tận năm 2000. Khi ấy Jeff Johnson - chuyên gia nghiên cứu về cá từ Bảo tàng Queensland (Úc) được cho xem ảnh của một con cá bí ẩn do người đi câu bắt được. Ông dành nhiều năm để tìm kiếm thêm mẫu vật và thông tin về nó nhưng vô hiệu, vì người dân bắt được con nào là bán ngay ra chợ làm thực phẩm.

Phải đến năm 2017, Johnson tình cờ bắt được tận tay 5 con cá còn sống, đang chuẩn bị được bán tại chợ cá Brisbane. Ông lập tức mua về và tiến hành nghiên cứu.

"Khi nhìn thấy chúng, tôi đã nghĩ đây có thể là loài mới nên lập tức mua về nghiên cứu," - Johnson chia sẻ.

Cùng với tiến sĩ di truyền Jessica Worthington Wilmer, cả hai thực hiện một số xét nghiệm, sau đó so sánh với bộ gene của các loài được lưu trong bảo tàng. Kết quả, chúng ta có đủ bằng chứng cho thấy đây là một loài hoàn toàn mới.

"Nghe bảo, chúng còn khá ngon nữa," - Johnson hóm hỉnh cho biết.

Người Úc ngày nào cũng ăn và khen con cá này ngon, nhưng hóa ra lại là loài khoa học chưa từng biết đến - Ảnh 2.

Jeff Johnson và loài cá mới

"Ngoại hình" của loài cá này thực chất cũng không có gì đặc biệt. Theo Wilmer, đây có thể là lý do vì sao chúng không được khoa học để ý đến bấy lâu nay. Chúng có nhiều điểm tương đồng với các loài cá cùng họ Epinephelus. Điểm khiến Johnson chú ý nằm ở việc chúng có ít hoa văn trên thân, và bộ vây có một vài cạnh đen.

Được biết, loài cá mới này có kích cỡ khá lớn, dài khoảng 70cm và sống ở độ sâu 220 - 230m ngoài hơi rạn san hô Great Barrier. Chúng hiện là loài thứ 92 được phát hiện trong họ cá Epinephelus.

Điểm kỳ cục là đây không phải lần đầu tiên khoa học tìm ra một loài mới dựa trên... bữa cơm của người dân. Năm 2011, khoa học đã tìm thấy một loài cá mập mới, dài 90cm khi nó đang được bày bán tại một khu chợ ở Đài Loan. Năm 2018, một loài cá mập khác cũng được tìm thấy tại chợ cá của Mumbai.

Bi kịch hơn là vào năm 2010, một loài khỉ mới được tìm ra ở Myanmar, nhưng chưa kịp làm gì thì đã bị người dân địa phương... ăn thịt mất.

Tham khảo: IFl Science