Người trẻ làm nhiều công việc cùng lúc: Thu nhập 40 triệu/tháng, ''cày'' 12 tiếng/ngày

Nguyễn Quỳnh Trang - Thiết kế: Mai Linh, Theo Trí Thức Trẻ 09:15 27/12/2022

Ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn làm nhiều công việc cùng lúc để kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm.

Rất nhiều bạn trẻ hiện nay không hài lòng với mức thu nhập mà 1 công việc chính mang lại. Chính vì thế, giới trẻ ngày càng có xu hướng làm nhiều công việc cùng một lúc. Không chỉ giúp tăng thu nhập, khi làm công việc phụ cũng giúp họ có thêm nhiều mối quan hệ, cải thiện được các kỹ năng cần thiết trong công việc.

Làm nhiều hơn 2 công việc cùng lúc, Hân Vi (1998, Hà Nội) cảm thấy có thể khẳng định bản thân qua khả năng làm việc đa nhiệm. "Mình đã có khoảng thời gian làm 4 công việc cùng 1 lúc. Có rất nhiều đầu việc cần giải quyết, deadline đến hạn cùng nhau, cày ngày cày đêm để theo kịp tiến độ. Quá đuối. Nhưng sau khoảng thời gian rèn luyện sức chịu đựng đó, là mức thu nhập nhiều người trẻ mong muốn, và khả năng giải quyết được nhiều công việc cùng lúc''.

Hay như Thanh Thanh (1999, TPHCM) đã từng làm tối đa 3 công việc cùng lúc, cho biết việc lựa chọn công việc phụ khá quan trọng: "Mình lựa chọn những công việc có thể bổ trợ cho nhau để không xao nhãng công việc chính". Thanh dành đến khoảng 10-12 tiếng 1 ngày để làm việc, không có ngày nghỉ cuối tuần. Việc làm nhiều công việc giúp Thanh cải thiện thu nhập rất tốt.

Không chỉ Hân Vi và Thanh Thanh, rất nhiều người trẻ hiện nay làm nhiều công việc cùng lúc để tăng thu nhập. Nhưng họ không cảm thấy áp lực, mà thay vào đó là niềm vui vì thấy bản thân phát triển hơn mỗi ngày.

Dù áp lực nhưng đây là thử thách mà nhiều người trẻ muốn chinh phục

Hân Vi (1998, Hà Nội) đặt mục tiêu mua ô tô cho bố mẹ và đạt được tự do tài chính vào năm 40 tuổi. Vi cho biết, những kế hoạch trong tương lai khiến cô bạn nỗ lực làm nhiều công việc cùng lúc.

"Hiện tại, mình đã giảm xuống chỉ còn làm 3 công việc cùng lúc, nhưng mức thu nhập lại tốt hơn khi làm 4 công việc. Đây chính là kết quả đạt được sau khoảng thời gian sống trong áp lực. Khi kỹ năng, kinh nghiệm được cải thiện, mình nhận được những hợp đồng giá trị hơn. Mình đang tập trung làm nội dung truyền cảm hứng trên các trang mạng xã hội. Nhờ có khán giả ủng hộ, mình được hợp tác cùng các nhãn hàng như sách, website về học tập, giới thiệu các sản phẩm liên quan đến giáo dục,... Ngoài ra, mình đang làm 1 Marketer theo giờ hành chính tại công ty liên doanh Việt - Hàn, và tự kinh doanh đồ second-hand. Ôm đồm cùng lúc nhiều việc, nhưng mình thích cảm giác bận rộn lúc này. Nó giúp mình có cảm giác đang đến gần hơn với những mục tiêu lớn trong cuộc sống''.

Người trẻ làm nhiều công việc cùng lúc: Thu nhập 40 triệu/tháng, cày 12 tiếng/ngày - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Pinterest)

Có đôi khi làm việc 12 tiếng/ngày, nhưng Thanh Thanh vẫn không cảm thấy áp lực: ''Mình đã từng làm 3 công việc cùng một lúc, cụ thể là mình có một công việc toàn thời gian. Mình làm marketing cho một công ty công nghệ của Pháp. Công việc thứ hai thì làm freelancer (làm việc tự do), mình dạy tiếng anh vào buổi tối. Công việc thứ ba là mình nhận giới thiệu các khóa học hay sách trên nền tảng Tik Tok. Tuy nhiên, hiện tại mình chỉ làm 2 công việc chính là marketing và dạy tiếng anh. Vì làm việc cho công ty nước ngoài, nên việc dạy thêm tiếng anh vừa giúp mình có thêm thu nhập, vừa trau dồi được kỹ năng ngoại ngữ.

Để có 1 cuộc sống tốt hơn, mình lựa chọn làm nhiều giờ hơn trong ngày. Có những ngày, mình cống hiến 12 tiếng cho công việc, 8 tiếng còn lại để nghỉ ngơi, và 4 tiếng còn lại để học hỏi thêm kiến thức. Mình đã duy trì việc dạy thêm được 5 năm. Và trong suốt quá trình đó, tự bản thân mình cảm thấy đã làm rất tốt''.

Cùng làm 2 công việc, Khánh Linh (23 tuổi, Hà Nội) lại lựa chọn những lĩnh vực khác nhau: 1 công việc dạy đàn piano, và một công việc hành chính 8 tiếng: "Với mình, công việc đôi khi mang lại những niềm vui. Một công việc giúp mình trau dồi sự tư duy, sáng tạo và mối quan hệ, cũng như duy trì được sự ổn định về tài chính. Một công việc lại giúp mình theo đuổi đam mê, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Dù làm nhiều việc cùng lúc, nhưng mình ít khi cảm thấy mệt mỏi, mà vẫn có thời gian để vui chơi cùng bạn bè, gia đình''.

Áp lực biến mất khi nhận lương cao

Có thể nói, đích đến cuối cùng của việc làm nhiều công việc cùng lúc, là lương cao và kinh nghiệm. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự trẻ, thì càng xuất hiện sự cạnh tranh ngầm trong kỹ năng, kinh nghiệm. Có rất nhiều bạn trẻ, dù chỉ mới ra trường khoảng 1-2 năm, nhưng kinh nghiệm trong nghề có thể lên tới 3-4 năm. Và mức thu nhập của họ, cũng là điều khiến nhiều người ao ước.

Hân Vi (Hà Nội) là trường hợp điển hình, khi mức thu nhập ở tuổi 24 có thể lên tới 40-50 triệu/tháng. ''Công việc làm giờ hành chính của mình chiếm 8 tiếng/ngày. Mình dành đều đặn khoảng 2-3 tiếng/ngày để sáng tạo nội dung và duy trì sự phát triển của kênh. Thời gian còn lại, mình phụ trách quản lý việc bán hàng online, phần công việc này mình có hợp tác cùng 1 người bạn. Vì đảm đương vai trò chính, nên mức thu nhập cũng cao hơn. Đây là cách khiến mình kiểm soát được công việc. Sau những giờ làm việc kéo dài, áp lực về doanh số, chỉ tiêu, hiệu quả công việc,... có khoảng thời gian mình rất muốn bỏ cuộc. Đôi lúc, cũng tự hỏi bản thân sao phải cố gắng đến thế? Nhưng thành quả nhận được giúp mình duy trì được đến bây giờ. Mình có thể gửi tiền phụ giúp gia đình, mua quà cho bố mẹ, và tiền tiết kiệm cũng ngày một tăng lên. Những con số đó, đã đủ nói lên sự cố gắng trong thời gian qua. Bao áp lực có thể tan biến, khi nhận được kết quả xứng đáng''.

Người trẻ làm nhiều công việc cùng lúc: Thu nhập 40 triệu/tháng, cày 12 tiếng/ngày - Ảnh 2.

Thanh Thanh (1999, Hà Nội) (Ảnh NVCC)

Còn Thanh Thanh lại khác, công việc làm thêm lại có thu nhập cao hơn hẳn so với công việc chính thức. ''Công việc chính của mình kéo dài từ 9h sáng đến 6h tối. Thời gian còn lại mình đảm đương 2 lớp dạy. Công việc đứng lớp mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với việc hành chính. Chưa kể đến, lâu lâu mình sẽ ôn thi cấp tốc cho các bạn thi TOEIC hoặc các viên chức thi tiếng anh, nên tháng đó dù mệt nhưng thu nhập cao hơn nhiều. Tình hình tài chính năm nay cũng coi là ổn, khi mà ba mẹ không còn phải lo lắng cho mình nữa. Vì mới ra trường, lại trúng dịch, nhưng với một năm cố gắng, nỗ lực, mình cũng thấy khá hài lòng với thu nhập hàng tháng của mình hiện tại. Mình cũng đã lên nhiều kế hoạch chi tiết để tăng thu nhập cho năm sau. Mình cũng đã tự thưởng cho bản thân vài món đồ công nghệ để phục vụ cho công việc tốt hơn, và cũng có nhiều dự định ấp ủ hơn''.

Còn Khánh Linh (Hà Nội), công việc phụ sẽ có thu nhập cao - thấp tùy theo mức độ chăm chỉ của bản thân. "Khi làm 2 công việc, thu nhập và chi tiêu thoải mái hơn rất nhiều. Dòng tiền từ đó cũng sẽ chủ động hơn. Do công việc phụ của mình không phải là kiểu công việc máy móc, áp deadline, mà sẽ do mình tự xếp lịch dạy. Chính vì thế, thu nhập không cố định hàng tháng, mà dựa vào thời gian mà mình có thể sắp xếp được. Nếu có sức, làm nhiều thì đôi khi lương cao như công việc chính. Nhưng tháng nào áp lực hơn, thì mình chọn dạy ít lại. Chi tiêu theo đó cũng có sự thay đổi''.

Cách quản lý thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau

Khánh Linh (Hà Nội) chia sẻ cách quản lý thu - chi: ''Khi có nhiều nguồn thu nhập hơn, mình vẫn giữ mức chi tiêu và quản lý tài chính như trước chứ không có thay đổi nhiều. Mình sẽ trích 40% để chi tiêu hàng tháng, 20% cho chi tiêu khẩn cấp và 40% dành cho tiết kiệm.

Với tỷ lệ cố định như thế, số tiền phân bổ sẽ phụ thuộc vào khoản thu nhập hàng tháng. Theo đó, mình cũng căn chỉnh phân khúc chi tiêu: Thu nhập tăng, mình có thể sẽ tiêu tiền cho những món đồ mắc tiền hơn một chút. Nhưng nếu thu nhập thấp đi, mình sẽ chỉ chi tiêu trong khoản tiền cho phép, sử dụng các sản phẩm có giá phải chăng hơn. Từ đó, việc chi tiêu có thể thay đổi, nhưng luôn nằm dưới 40% thu nhập. Nguyên tắc của mình, là không bao giờ tiêu phạm vào ngân quỹ của bản thân''.

Người trẻ làm nhiều công việc cùng lúc: Thu nhập 40 triệu/tháng, cày 12 tiếng/ngày - Ảnh 3.

Khánh Linh (Hà Nội) (Ảnh NVCC)

Riêng đối với Thanh Thanh (TPHCM), từ khi làm nhiều công việc cùng lúc, cô nàng đã bớt đi thời gian tụ tập cùng bạn bè. Từ đó, những chi phí để vui chơi giảm xuống đáng kể. "Mình là người không sống phung phí, kiểu như, cái gì cần thiết thì mua, còn không thì thôi. Mình dành hết 60% thu nhập của mình để tiết kiệm, và đầu tư chút xíu, 40% còn lại để chi tiêu. Tính ra mỗi tháng mình chỉ có tiền ăn, tiền trọ, tiền niềng răng và tiền mua sắm, nên mình không tiêu nhiều lắm, lâu lâu thì mình sẽ gửi về cho gia đình. Ví dụ như thay vì ăn ngoài thì mình sẽ chọn nấu cơm mang đi làm, một tháng mình chỉ ăn những bữa ăn sang chảnh 2-3 lần thôi. Mình nghĩ tiết kiệm là một thói quen tốt, đặc biệt là sinh viên mới ra trường như mình''.

Còn đối với Hân Vi (Hà Nội), việc kiếm tiền và tiết kiệm nhiều hơn khiến cô bạn vui hơn cả việc tiêu tiền. ''Dù kiếm được nhiều tiền hơn, mình cũng chỉ chi tiêu cho những nhu cầu cá nhân cơ bản và đúng mục đích. Vì quan trọng nhất là tư duy về tiền bạc và tài chính cá nhân. Làm nhiều mà không giữ được tiền sẽ rất dễ nản chí, không có động lực làm việc. Vì thế, ngoài việc kiếm tiền, mình còn học thêm cả cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Khi số tiền trong tài khoản tiết kiệm ngày càng tăng, nó như một liều thuốc tiếp sức cho mình, giúp mình cố gắng hơn trong cuộc sống''.