Từ khi nghỉ hưu, bà Lưu Mai đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn sức khỏe. Cách đây 3 tháng, bà Lưu đọc được một bài báo nói rằng thường xuyên ăn gừng có thể giúp chống lão hóa, tăng cường sức khỏe. Do đó, bà Lưu đã mua rất nhiều gừng về để ăn dần. Ngày nào bà Lưu cũng ăn một củ gừng sống.
Thói quen này đã duy trì được suốt 3 tháng. Gần đây, bà Lưu thường xuyên bị đau bụng, tiêu chảy. Bà Lưu thấy cơ thể xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường nên bà Lưu đã đến bệnh viện để thăm khám. Kết quả khám cho thấy bà Lưu bị loét dạ dày.
Khi khai thác thói quen của bà Lưu, bác sĩ phát hiện bà có thói quen ăn 1 củ gừng mỗi ngày. Bác sĩ cho biết đây có thể là nguyên nhân khiến bà Lưu bị loét dạ dày.
Bà Lưu khá bất ngờ trước lời giải thích của bác sĩ. Bà Lưu thắc mắc: “Rõ ràng tôi đọc được thông tin ăn gừng tốt cho sức khỏe, có thể chống lão hóa, tại sao bây giờ tôi lại bị loét dạ dày vì ăn gừng?”
Chuyên gia lý giải
Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Vu Ảnh Hiên, trưởng Khoa Y học cổ truyền tại Bệnh viện liên kết số 4 trực thuộc Đại học Y Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc chỉ ra rằng gừng có vị cay nồng, có thể tác dụng vào các kinh lá lách, dạ dày và phổi. Ăn gừng với lượng vừa phải sẽ giúp làm ấm cơ thể, phòng ngừa cảm lạnh.
Y học hiện đại cũng đã chứng minh gừng chứa nhiều chất chống oxy hóa như gingerol, có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.
Về lợi ích chống lão hóa, chuyên gia cho biết đây là kết quả nghiên cứu do Viện Lão hóa Quốc gia Hoa Kỳ công bố trên tạp chí “Plos One”. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sử dụng chiết xuất shogaenone A và 6-shogaol từ gừng có thể giúp chống lão hóa và loại bỏ tế bào lão hóa trong cơ thể.
Tuy nhiên, bác sĩ Vu cho rằng nghiên cứu chỉ cho thấy một số thành phần trong gừng có thể giúp trì hoãn lão hóa. Và hiện tại không có bằng chứng nào chỉ ra rằng tiêu thụ trực tiếp gừng có thể giúp chống lão hóa.
Ngược lại, bác sĩ cho biết ăn quá nhiều gừng, thường là trên 5g gừng/ngày, có thể kích thích niêm mạc dạ dày, tình trạng này kéo dài có thể bào mòn niêm mạc dạ dày, thậm chí gây loét dạ dày. Theo chuyên gia, ăn quá nhiều gừng cũng dẫn đến một số tình trạng sức khỏe khác như tiêu chảy, đầy hơi và khó chịu ở dạ dày.
Ngoài các vấn đề về tiêu hóa, chuyên gia cho biết, ăn quá nhiều gừng cũng có thể gây kích ứng miệng và họng.
Theo bác sĩ, ăn quá nhiều gừng có thể gây ra cảm giác nóng rát ở miệng và cổ họng do gừng chứa hợp chất gingerol giúp tạo nên vị cay. Đối với một số người, đồ các thực phẩm có vị cay có thể gây kích ứng miệng và cổ họng, đặc biệt là khi sử dụng với số lượng nhiều.
Bác sĩ khuyên bà Lưu nên giảm lượng gừng tiêu thụ xuống, chỉ nên ăn vài lát gừng 1 tuần. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên ăn đa dạng dinh dưỡng, không nên quá phụ thuộc vào một thực phẩm chỉ vì cho rằng thực phẩm đó tốt cho sức khỏe.