Người mẹ nuốt nước mắt dẫn con gái 13 tuổi đi cai nghiện ma túy

Nguyễn Hiền, Theo VOV 08:46 22/04/2022

Để cứu tương lai của con gái, người mẹ nuốt nước mắt, động viên đưa con tới Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2 (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) để làm các thủ tục cho D. cai nghiện tự nguyện.

Theo đánh giá của Bộ Công an, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Điều đáng lo ngại là con đường sa vào nghiện ngập của giới trẻ ngày càng dễ dàng hơn khi các loại ma túy mới, nguy hiểm xuất hiện ngày một nhiều, trong khi các em vẫn rất thiếu kiến thức bảo vệ mình trước tệ nạn này.

Theo thống kê mới, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%. Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Đặc biệt, ngày nay với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.

Người mẹ nuốt nước mắt dẫn con gái 13 tuổi đi cai nghiện ma túy

Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội hiện tiếp nhận 5 học viên cai nghiện thuộc đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi, trong đó có cả bắt buộc và tự nguyện. Theo lãnh đạo Cơ sở, việc cai nghiện cho các em hiện nay có nhiều khó khăn, do các em còn trẻ, còn bỡ ngỡ, chưa thể hoà nhập được.

Những ngày cuối tháng 3/2022 C.và D. (cùng SN 2009) được gia đình đưa vào Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2. Do bằng tuổi nhau nên hai em được xếp cùng phòng. D. quê ở một huyện ngoại thành Hà Nội, còn D. ở tận Thanh Hoá. Lẽ ra, giờ này các em đang cắp sách tới trường, ôn tập để chuẩn bị kết thúc năm học nhưng do sai lầm của tuổi mới lớn, 2 nữ sinh được gia đình đưa vào Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội.

Vào trung tâm được 21 ngày nên D. tỏ ra đã khá quen với môi trường mới, nhưng khi nhắc đến lý do phải vào đây, nữ sinh cúi mặt, giọng nói lí nhí, ánh mắt nhìn xa xăm để lảng tránh. D. kể lại, nhà có hai chị em, bố mẹ ly hôn, mẹ đi làm xa, em sống cùng với chị và bà ngoại. Suốt 6 năm liền, D. luôn đạt học sinh giỏi, là niềm tự hào của cả gia đình.

Đến cuối năm lớp 6, D. bị một nhóm bạn hơn tuổi cả nam lẫn nữ rủ rê, vì tò mò nên cô bé đã sa chân vào ma tuý từ lúc đó. "Các bạn rủ em chơi, em thấy vui quá nên thử, cảm giác thử ma tuý lúc đầu vui và sướng", D. nhớ lại.

Khi được hỏi, vậy tiền đâu để dùng ma tuý, D. hồn nhiên cho biết, dùng tiền ăn sáng, nếu không đủ thì các bạn "bao" vì hầu như họ đều thuộc con nhà khá giả. "Những lúc lên cơn thèm thuốc, em bỏ nhà đi, tầm 2 ngày lại về", D. cho hay. Suốt 1 năm chìm đắm trong làn khói trắng, D. học hành sa sút, luôn lo sợ sẽ bị mẹ phát hiện.

Nhưng bí mật chẳng thể giấu được mãi, tháng trước, mẹ cô bé choáng váng khi biết con gái mới lớp 7 của mình nghiện ma tuý. Người mẹ không giữ được bình tĩnh, lớn tiếng mắng chửi nhưng chị không trút đòn roi xuống con gái bởi chị hiểu rằng, để con bước vào con đường tệ nạn cũng do chị bận làm ăn, bé D. thiếu vòng tay quan tâm của mẹ.

Để cứu tương lai của con gái, người mẹ nuốt nước mắt, động viên đưa con tới Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2 (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) để làm các thủ tục cho D. cai nghiện tự nguyện. May mắn, đến hiện tại D. đã cắt được cơn, chuẩn bị bước vào giai đoạn học văn hoá ngay tại trung tâm.

"Mẹ mới tới đây thăm em, nhớ lại những chuyện trước kia em rất hối hận, em mong sớm được trở về nhà, đi học cùng các bạn, sau này trở thành luật sư", D. nói.

Không giống như D., vài ngày trước, mẹ và dì lặn lội hơn trăm cây số từ Thanh Hoá ra thăm C. nhưng cô bé kiên quyết không gặp, C. cho biết mình vẫn còn ngại ngùng với những chuyện vừa xảy ra. "Các bạn ở lớp không biết em đi cai nghiện, em rất sợ sau này trở về mọi người sẽ biết bí mật này", C. lo lắng.

C. có hoàn cảnh giống như D., bố cô bé mất sớm, chỉ còn mẹ. Giữa năm học lớp 6, C. bị một nhóm bạn gia đình khá giả ở lớp chơi bóng cười. Mỗi ngày C. được cho 10.000 đồng để ăn sáng, C. gom góp lại, cùng nhóm bạn mua bóng cười mang đến sân bóng để tụ tập sử dụng.

"Sân bóng ở trường rất vắng, bọn em thường mang bóng cười ra đó vào giờ ra chơi để hít. Em không chơi nhiều nên vẫn vào lớp học được, có bạn 'phê' quá, bỏ luôn tiết học tiếp theo. Em đưa tiền cho các bạn, không biết các bạn ấy mua bóng cười ở đâu", C. kể.

Sau đó, C. bị cô giáo phát hiện, thông báo về cho gia đình. C. nghỉ học 1 tuần rồi được mẹ đưa tới Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2. Tại đây, C. được xếp ở cùng phòng với D.

Điều trị người trẻ nghiện ma túy là nhiệm vụ mới

Bà Bùi Lưu Vân Anh, Phó trưởng phòng Giáo dục - Hòa nhập cộng đồng, Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2 cho biết, hiện nay đơn vị tiếp nhận 5 học viên cai nghiện thuộc đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi, trong đó có cả bắt buộc và tự nguyện.

"Khi mới vào đây, D. và C. cũng như các em khác đều có cảm giác lo lắng, lo sợ. Từ buổi đầu tiên sau khi tiếp nhận các em, cán bộ đã nói chuyện, động viên, chia sẻ, các em cũng cởi mở hơn. Sau đó học điều trị theo phác đồ cai nghiện, hiện D. và C. đã ổn định về tâm lý, không còn e dè, sợ sệt", bà Vân Anh cho hay.

Cũng theo bà Vân Anh, thời gian khó khăn nhất là lúc trẻ mới được đưa từ môi trường bên ngoài vào trung tâm, bởi trẻ quen tự do, thoải mái khi vào trong môi trường tập thể thì bỡ ngỡ, chưa thể hoà nhập được.

"Có em ở nhà chưa biết làm gì, chưa có kỹ năng ứng xử, khi vào đây được các thầy, cô hướng dẫn, dạy dỗ. Thậm chí nhiều bạn còn bé quá, ở nhà được bố mẹ nuông chiều, quần áo, chăn màn còn không biết gập, vào đây các thầy cô sẽ hướng dẫn mấy giờ ngủ dậy, tự vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, gặp người lớn thì chào hỏi, nói chuyện như thế nào, dần dần các bạn cũng tốt lên", bà Vân Anh chia sẻ.

Nói về nguyên nhân trẻ nghiện ma tuý, bà Vân Anh cho rằng, một số em do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ mải làm ăn, không để ý đến con cái hoặc đi học mải chơi, a dua theo các bạn xấu dẫn đến tò mò, tìm đến các chất gây nghiện.

Khi vào cơ sở để cai nghiện, tuỳ từng trường hợp sẽ có thời gian cắt được cơn. Có học viên 15 ngày, có học viên 20 ngày và tuỳ theo từng mức độ nghiện ma tuý sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Theo quy định của pháp luật, đối với cai nghiện bắt buộc, thời gian cai nghiện do toà án xét xử. Đối với cai nghiện tự nguyện, gia đình tự đăng ký thời gian, có thể là 6 tháng hoặc 1 năm.

Cũng theo bà Vân Anh, hiện nay do các cháu mới vào điều trị cắt cơn ở cơ sở, nên chưa được bố trí học văn hóa. Khi các cháu cắt cơn xong, cơ sở sẽ bố trí cho các em có khu vực riêng để theo học văn hóa.

Ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2 thông tin, cơ sở đã có một số cháu cai nghiện tự nguyện thành công và về tiếp tục đi học. Một số em được trường và gia đình báo lên cơ sở chưa có hiện tượng tái nghiện.

"Trẻ vào đây, cơ sở đều có quy chế, quy trình quản lý, bồi dưỡng văn hóa. Các em được bố trí khu vực riêng, có đầy đủ sách vở học tập. Cơ sở sẽ phân loại các em và phối hợp với trường học trên địa bàn huyện Ba Vì để hỗ trợ theo chương trình học của các em, trường hợp các em không biết chữ sẽ tổ chức các lớp xóa mù", ông Giang cho hay.

Theo vị Giám đốc, chăm sóc, điều trị người nghiện ma túy là trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi là một nhiệm vụ mới. Trước đây, không có quy định nhưng hiện nay đưa vào Luật và pháp lệnh nên có quy trình về tố tụng rất chặt chẽ. Trong quá trình thực hiện, cơ sở cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định như về trình tự, thủ tục liên quan đến pháp lệnh của Quốc hội; các đơn vị tòa án, viện kiểm sát, công an cần có hướng dẫn chi tiết để tập huấn; sau đó đơn vị cũng cần có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo quyền lợi, trình tự, giúp các em có điều trị cai nghiện tốt hơn.