Ngoại hình lẫn âm nhạc không ấn tượng, dự án 2 nhóm nhạc đa quốc tịch liệu đang đi sai hướng?

SJ, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 25/02/2019

Ra mắt chóng vánh với ngoại hình không hợp nhãn, âm nhạc khá chán, cơ hội để “nhóm nhạc Kpop đầu tiên có thành viên người Việt” Z-BOYS và Z-GIRLS thành công trên con đường sắp tới là một bài toán khó.

Bị ảnh hưởng bởi nền công nghiệp âm nhạc xứ Kim Chi, ngày càng có nhiều bạn trẻ ngoài biên giới Hàn Quốc ôm giấc mơ trở thành thần tượng Kpop, vượt qua rào cản về ngôn ngữ và văn hóa để có thể tỏa sáng trên những sân khấu "huyền thoại" mà fan quốc tế chỉ có thể nhìn thấy qua màn hình. Trong nhiều năm qua, đã có không ít những thành viên của các nhóm nhạc Kpop đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan, tuy nhiên các quốc gia châu Á và Đông Nam Á nói riêng lại hiếm có những đại diện tham gia các nhóm nhạc Kpop. Chính vì điều đó, khi dự án Z-POP DREAM với các thành viên đến từ Việt Nam, Philippines, Indonesia và Ấn Độ được ra mắt, không ít người cảm thấy hào hứng bên cạnh việc e dè về thành công của dự án này.

Ngày 21/2 vừa qua, 2 nhóm nhạc Z-BOYS và Z-GIRLS (có tên gọi chung là Z-STARS) đã chính thức debut và trở thành nhóm nhạc đa quốc tịch không có người Hàn đầu tiên tại Kpop. Với ca khúc "No Limit" (Z-BOYS) và "What You Waiting for" (Z-GIRLS), 2 nhóm nhạc tân binh này đã nhận được phản ứng khá thú vị từ cư dân mạng quốc tế và Hàn Quốc.

Điều đầu tiên có thể nhận xét về "No Limit" và "What You Waiting For" đó là 2 ca khúc này vẫn chưa "đạt chuẩn Kpop" ở chỗ MV có chất lượng khá kém, với cách quay phim cùng ánh sáng cũ kĩ, đôi chỗ còn "dìm hàng" nhan sắc các thành viên. Vũ đạo của 2 nhóm nhạc khá đơn giản nhưng chưa đồng đều, tuy nhiên điểm yếu vũ đạo này đã được bao che bằng hiệu ứng ánh sáng trong MV và cả trong showcase ra mắt hôm 23/2. Về ca khúc, cả "No Limit" và "What You Waiting For" đều đi theo mô – típ quen thuộc của Kpop nhưng lại được trình diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chưa thể đánh giá chính xác giọng hát của các thành viên Z-STARS, nhưng có thể nhận thấy qua bản thu rằng 2 nhóm nhạc này đều có giọng hát không thua kém mặt bằng trung bình của các nhóm nhạc Kpop, thậm chí giọng ca chính của Z-GIRLS còn rất có nội lực.

MV "What You Waiting For" - Z-GIRLS

Trừ 2 thành viên người Việt, đa số các thành viên Z-BOYS và Z-GIRLS từ các quốc gia còn lại đã có sự nổi tiếng nhất định tại quê nhà. Danh tiếng sẵn có cộng thêm sự tò mò và "hiệu ứng Đông Nam Á" – tức là sự hoạt động mạnh mẽ của cư dân mạng Đông Nam Á trên "chiến trường" Youtube đã khiến cho MV ra mắt của Z-BOYS và Z-GIRLS đạt được lần lượt 800 và 700 nghìn lượt xem tính đến thời điểm hiện tại. Thực tế, đây là một con số lớn cho một nhóm nhạc tân binh đến từ công ty ít tên tuổi, cũng là một con số cho thấy ấn tượng nhất định mà Z-BOYS và Z-GIRLS đã tạo được với màn ra mắt của mình. Tuy nhiên về lâu dài, liệu dự án Z-IDOL có đủ sức để "chinh chiến" ở thị trường Hàn Quốc và Đông Nam Á?

Ngoại hình lẫn âm nhạc không ấn tượng, dự án 2 nhóm nhạc đa quốc tịch liệu đang đi sai hướng? - Ảnh 2.

Z-BOYS và Z-GIRLS

Hẹp đường vào Kpop

Dự án Z- POP DREAM được ấp ủ và ra mắt ngay trên đất Hàn, thị trường đầu tiên mà hai nhóm nhạc đa quốc tịch Z-BOYS và Z-GIRLS nhắm đến đương nhiên là Hàn Quốc. Tuy Hàn Quốc là một thị trường được đánh giá là dễ bề hoạt động và có phần cởi mở hơn sự khép kín của thị trường Nhật Bản và sự rộng lớn ngoài sức tưởng tượng của thị trường Trung Quốc, nhưng điều này không có nghĩa là thị trường Hàn Quốc kém phần khắt khe. Z-BOYS và Z-GIRLS, 2 nhóm nhạc đa quốc tịch đang đứng trước rất nhiều thách thức khi đặt những bước chân đầu tiên lên đường đua Kpop.

Ngay từ khi dự án được ra mắt, rất nhiều K-netizen đã đặt ra chung một câu hỏi: Vì sao lại gọi đây là "nhóm nhạc Kpop" khi không có bất cứ thành viên người Hàn nào? Phải biết rằng, fan Kpop tại chính cái nôi sinh ra nó có "truyền thống" khá nghi kị với các thần tượng đến từ nước ngoài, mặc dù chính những thần tượng này lại đem tới một lượng fan quốc tế không hề nhỏ.

Một mặt vì số lượng thực tập sinh tại Hàn Quốc là rất lớn, mặt khác, không ít thần tượng nước ngoài đã phá vỡ hợp đồng và trở về nước sau khi có được danh tiếng, điều này khiến cho những nhóm nhạc thuần Hàn được ưu ái hơn trong con mắt của thị trường này. Chỉ một thành viên là người ngoại quốc xuất hiện trong 1 nhóm nhạc cũng khiến khán giả Hàn Quốc ngán ngẩm khi có hàng trăm ngàn thực tập sinh người Hàn đang chờ ra mắt, một nhóm nhạc không hề có thành viên người Hàn nào lại được mang mác "nhóm nhạc Kpop" càng củng cố thêm suy nghĩ rằng nhóm nhạc đó chỉ đang bám lấy nền tảng được xây dựng qua 3 thế hệ thần tượng Kpop để gây sự chú ý cho màn ra mắt của mình.

Ngoại hình lẫn âm nhạc không ấn tượng, dự án 2 nhóm nhạc đa quốc tịch liệu đang đi sai hướng? - Ảnh 3.

Thần tượng ngoại quốc ở Kpop vừa là bàn đạp vào thị trường quốc tế, vừa là một mối nguy cơ

Hoàn toàn là thành viên ngoại quốc, cơ hội để Z-BOYS và Z-GIRLS được khán giả Hàn Quốc biết đến nhiều hơn qua các chương trình giải trí gần như là bằng không. Làm thần tượng Kpop không chỉ cần biết hát và nhảy, mà còn phải gây ấn tượng bằng tính cách và khả năng giải trí của mình. Không ít thành viên ngoại quốc trong các nhóm nhạc Kpop cũng từng gặp khó khăn vì rào cản ngôn ngữ như Tử Du (Twice), Lai Guan Lin (Wanna One)…, và độ phổ biến của các thành viên này cũng sẽ giảm đi vì bị hạn chế xuất hiện khi tham gia các chương trình giải trí.

Bài hát ra mắt được hát bằng tiếng Anh, giao lưu với giữa các thành viên với nhau cũng bằng tiếng Anh – thậm chí là tiếng Anh chưa trôi chảy, sẽ không có một chương trình giải trí nào của Hàn Quốc mạo hiểm mời Z-BOYS và Z-GIRLS làm khách mời để tương tác. Độ phổ biến trong công chúng quyết định phần lớn sự thành bại của mỗi lần comeback, Z-BOYS và Z-GIRLS sẽ khó làm nên chuyện khi "nhập gia" mà không thể "tùy tục".

Ngoại hình lẫn âm nhạc không ấn tượng, dự án 2 nhóm nhạc đa quốc tịch liệu đang đi sai hướng? - Ảnh 4.

ROY (Hoài Bảo), thành viên Việt Nam của Z-BOYS dùng tiếng Anh và... tiếng Việt trong show thực tế của nhóm, Z-POP SCHOOL.

Ngoại hình không hợp nhãn, âm nhạc không ấn tượng, ngôn ngữ không phù hợp, và không hề có yếu tố… "màu cờ sắc áo", thật khó để tìm ra một lý do để khán giả Hàn Quốc ủng hộ hai nhóm nhạc này.

Lối đi nào trên thị trường Đông Nam Á?

Không khó để thấy rằng dù xuất phát điểm là nhóm nhạc Kpop, Z-BOYS và Z-girls mang tham vọng quay trở về quê hương của các thành viên để quảng bá. Được biết, sau màn ra mắt và showcase tại Hàn Quốc, điểm đến đầu tiên của nhóm nhạc đa quốc tịch này là Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi lôi kéo được sự chú ý ban đầu cho màn ra mắt với danh xưng nhóm nhạc Kpop đầu tiên có thành viên Việt (và tương tự ở các quốc gia khác), liệu Z-BOYS và Z-GIRLS có thu hút được một lượng fan trung thành nhất định – điều làm nên thành công của tất cả các nhóm nhạc Kpop?

Với ngoại hình và chất lượng âm nhạc như hiện tại, đội hình của Z-BOYS và Z-GIRLS chỉ được coi như là đội hình "loại 2" trong phân loại nhóm nhạc thần tượng. Người hâm mộ Kpop dù ở bất cứ quốc gia nào cũng sẽ hướng sự chú ý đến những nhóm nhạc có tài năng ấn tượng và ngoại hình xuất sắc, sau đó mới đến những nhóm nhạc có màu sắc hoặc có thâm niên. Giữa bạt ngàn sự lựa chọn thần tượng để ủng hộ, Z-BOYS và Z-GIRLS chắc chắn không phải là lựa chọn hàng đầu của fan Kpop - những bạn trẻ dần dần lấy vẻ đẹp và tài năng của thần tượng Hàn Quốc làm chuẩn mực.

Trong tổng số 1,5 triệu lượt xem MV debut của Z-BOYS và Z-GIRLS, phần đông là khán giả đến từ các quốc gia Đông Nam Á. Các quốc gia Đông Nam Á tựu chung lại đã trở thành một "cường quốc" trên Youtube, và ở phần bình luận cũng ghi nhận hàng loạt những tài khoản khẳng định là fan hâm mộ của Z-BOYS và Z-GIRLS đến từ các quốc gia thuộc khu vực này. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà fan Kpop tại Hàn Quốc lại tự cho mình là fan "chất lượng cao" và có lòng trung thành hơn hẳn fan hâm mộ quốc tế.

MV "No Limit" - Z-BOYS

Fan Kpop ở nước ngoài không thể tập trung ủng hộ cho thần tượng một cách thiết thực nhất, và thường chia sự hâm mộ cho một hay một vài nhóm nhạc khác nhau. Đông Nam Á dù là thị trường lớn của Kpop nhưng lại là một thị trường không quá bền vững, có rất nhiều fan phong trào. Z-BOYS và Z-GIRLS có thể được chú ý ở khoảng thời gian đầu vì mới lạ và vì khán giả Đông Nam Á bị kích thích bởi những bình luận chê bôi của khán giả Hàn Quốc, nhưng rồi phần lớn số fan hâm mộ đó sẽ quay về với những Big Bang, EXO, BTS, Black Pink…

Câu chuyện về lượng fan Việt đông đảo của SHAUN - một DJ kém tên tuổi tại Hàn Quốc sau bản hit "’Way Back Home" là câu chuyện gần gũi nhất với khái niệm "fan phong trào". Sau khi tỏa ra khắp các diễn đàn Kpop, bày tỏ sự hâm mộ nhiệt thành với SHAUN và "Way Back Home" vì cuộc đụng độ trực tiếp của anh với nhóm nữ đình đám TWICE, số lượng người hâm mộ ngày đó đã… biến mất hàng loạt khi SHAUN tung ra sản phẩm mới. SHAUN thậm chí còn ưu ái phát hành MV với phụ đề Việt để đáp lại tình cảm của khán giả Việt, nhưng những MV dành riêng cho khán giả Việt của anh chỉ đạt được lượt xem vô cùng khiêm tốn nếu so với hàng chục triệu lượt xem được ghi nhận cho "Way Back Home".

Ủng hộ bằng tinh thần là một điều đáng quý và chắc chắn là thế mạnh của phần đông khán giả quốc tế, nhưng để ủng hộ bằng vật chất như mua vé để gặp mặt hay là mua album cứng… lại là một câu chuyện rất khác. Boy’s Republic, một nhóm nhạc thuần Hàn được đỡ đầu bởi ông lớn Universal là một ví dụ điển hình cho việc các nhóm nhạc Kpop khó khăn thế nào khi tấn công vào thị trường châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Ra mắt vào năm 2013, Boy’s Republic nhắm thẳng vào fan hâm mộ quốc tế khi sở hữu show thực tế trên kênh MTV châu Á và phủ sóng hình ảnh rộng rãi tại các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Boy’s Republic đã không thể cạnh tranh và không tạo được fanbase quốc tế vững vàng, nhóm đã dừng chân trên đường đua Kpop vào tháng 12/2018 khi không có được thành tích nào đáng kể. Một nhóm nhạc đứng sau là Universal Music, các thành viên đều được tập luyện 2 năm trước khi ra mắt và từng là thực tập sinh của các công ty lớn như JYP, Bighit, Cube… như Boy’s Republic vẫn phải thua cuộc trên con đường tạo dựng fanbase châu Á, sẽ là quá tự tin khi nói rằng Z-BOYS và Z-GIRLS có nhiều cơ hội thành công nhờ sự ủng hộ của khán giả tại các quốc gia có các thành viên làm đại diện.

Quy trình chung của các nhóm nhạc Kpop nổi tiếng tại châu Á luôn là nổi tiếng ở Hàn Quốc trước rồi mới vươn mình ra nước ngoài. Có thể hiểu được việc đi ngược lại quy trình của Z-BOYS và Z-GIRLS là vì nhóm chỉ quy tụ những thành viên ngoại quốc, nhưng con đường này lại không phù hợp với truyền thống của Kpop - trong khi đối tượng khán giả mà Z-BOYS và Z-GIRLS nhắm đến lại là fan Kpop, vốn đã quen với công thức thành công của các nhóm nhạc đi trước mở đường.

Ngoại hình lẫn âm nhạc không ấn tượng, dự án 2 nhóm nhạc đa quốc tịch liệu đang đi sai hướng? - Ảnh 6.

Được hậu thuẫn bởi Universal Music, Boy's Republic vẫn thất bại khi tấn công thị trường âm nhạc châu Á

Căn cứ để công ty quản lý tự tin khi cho ra mắt một nhóm nhạc đa quốc gia có thể là vì độ nổi tiếng có sẵn của các thành viên khi chưa đầu quân về cho dự án Z-POP DREAM. Mahiro, thành viên người Nhật của Z-GIRLS là cựu thành viên của nhóm nhạc Nogizaka 46. Carlyn, cô gái đến từ Philippines lại có kinh nghiệm 10 năm trong làng giải trí với vai trò một thành viên của nhóm nhạc theo phong cách Kpop. Josh, Mavin (Z-BOYS) cũng từng góp mặt vào các nhóm nhạc tại Philippines và Indonesia. Tuy nhiên, sự nổi tiếng này lại đem theo một bài toán khó cho tất cả các nhóm nhạc, đó là tình trạng fan only chênh lệch và thậm chí còn "giao chiến" lẫn nhau. Việc liên kết fandom trên tất cả các quốc gia của các thành viên là bất khả thi khi ngôn ngữ, văn hóa lẫn gu nghe nhìn đều khác biệt.

Tạm kết

Số lượng nhóm nhạc thần tượng và nghệ sĩ hoạt động trong nền âm nhạc Hàn Quốc cho đến bây giờ đã trở thành một con số khó mà thống kê. Không ít nhóm nhạc chỉ được biết đến khi… thông báo tan rã, các nhóm nhạc đến từ những công ty nhỏ thành công là rất hiếm. Chỉ có những tân binh đến từ các công ty lớn mới có thể được biết đến ngay từ khi ra mắt, số còn lại cũng phải nhờ vào công ty có tiềm lực tài chính mạnh và rất nhiều may mắn mới có thể chống chọi được đến ngày thành công.

Tuy nhiên, giấc mơ trở thành thần tượng Kpop không hề mai một đi trong giới trẻ Hàn Quốc, có những thực tập sinh đã tiêu tốn từ 8 đến 10 năm để được ra mắt. Z-BOYS và Z-GIRLS có tài năng, nhưng qua màn ra mắt chóng vánh vừa qua, có thể thấy được rằng tài năng của các thực tập sinh trong dự án này chưa đủ độ chín. Đưa ra dự đoán ít khả quan về tương lai của một nhóm nhạc vừa ra mắt là một điều không nên làm, tuy nhiên dự án Z-POP DREAM chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn bởi những đặc điểm vốn có của nền âm nhạc Kpop và văn hóa thần tượng đã được xây dựng rất nhiều năm qua.