Nghệ An đã ghi nhận 5 ca tử vong do bệnh dại

P.V, Theo VTV 09:09 02/11/2022

Các trường hợp tử vong hầu như chủ quan không đi khám, điều trị dự phòng và sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại.

Nghệ An đã ghi nhận 5 ca tử vong do bệnh dại - Ảnh 1.

Hình minh họa

Theo Sở Y tế Nghệ An, trong 10 tháng đầu năm 2022, Nghệ An đã có 5 ca tử vong do bệnh dại. Kết quả điều tra các trường hợp tử vong cho thấy, hầu hết do phát hiện muộn, bệnh nhân không đi tiêm phòng và có tình trạng sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại.

Trước thực trạng này, Sở Y tế Nghệ An đã có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại và hạn chế tình trạng sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh dại trên địa bàn tỉnh gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và thành phố Vinh.

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra, virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại.

Để phòng bệnh dại, ngành Y tế khuyến cáo: Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy liên tục trong 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 40-70%, cồn I-ốt (Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn).

Không cố gắng nặn máu, làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương (Trừ vết cắn nguy hiểm sẽ có chỉ định khâu phù hợp).

Không đập chết chó sau khi cắn, cố gắng nuôi nhốt để hạn chế chó cắn người khác và theo dõi tình hình dại của chó.

Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại kịp thời. Vaccine phòng dại là cách duy nhất để điều trị dự phòng bệnh dại.

Tuyệt đối không tự chữa tại nhà bằng thuốc lá thuốc nam, hoặc các loại thuốc khác không đúng quy định của Bộ Y tế.

Tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ 100% và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Vật nuôi cần phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm, không cho chúng chạy rông bên ngoài để tránh lây lan mầm bệnh.

Báo cáo với cơ quan thú y nơi có vật nuôi bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày