Nếu không biết cách san sẻ nỗi buồn, tốt nhất chúng ta chỉ nên lặng im

SKYE; Design: Hoàng Anh, Theo Trí Thức Trẻ 08:15 27/02/2019

Chúng ta chỉ muốn chia sẻ với người bạn cho vơi bớt đi nỗi buồn, nhưng đôi khi sự nhiệt thành ngây ngô ấy lại khiến chúng ta trở thành kẻ vô duyên trong mắt mọi người.

- Bạn có cười khi ai đó xách một túi đồ nhưng bất ngờ túi thủng và mọi thứ tung tóe?

- Có bao giờ bạn la hét vào những chú chó con?

- Đã bao giờ bạn có ý định bùng tiền taxi?

Nếu câu trả lời là "Có", có thể bạn đã mắc "Hội chứng thiếu cảm thông" (Empathy Deficit Disorder) - đừng cố tìm nó trong từ điển y khoa; nó chưa phải một khái niệm được công nhận hay nghiên cứu rõ ràng, nhưng người ta thấy nó đâu đó trong cuộc sống và khái niệm này ngày càng xuất hiện nhiều hơn. 

Tôi từng trò chuyện với nhiều người và hỏi mọi người xem họ có nhớ những lần đau khổ tột cùng, những người xung quanh đã chia sẻ với họ những gì. Không phải lời động viên nào cũng hữu ích hay thực sự xuất phát từ sự đồng cảm, đôi khi chỉ là sự qua loa vụng về cho tròn trách nhiệm vì quy chuẩn cộng đồng yêu cầu bạn phải biết sẻ chia khi người thân thiết có chuyện đau buồn. 

Nếu không biết cách san sẻ nỗi buồn, tốt nhất chúng ta chỉ nên lặng im - Ảnh 1.

"Người chồng đầu tiên của tôi qua đời vì ung thư ở tuổi 35, khi đó tôi mới 26", Patrice Werner nói. "Tôi vẫn rùng mình khi một trong những người đó nói rằng: Cô còn trẻ lắm, cô sẽ tìm được một ai đó khác". 

"Con trai duy nhất của tôi, Jesse, tự tử ở tuổi 30", Valerie P. Cohen nhớ lại. "Một người bạn của tôi nói rằng cô ấy biết chính xác những gì tôi cảm thấy, vì con chó của cô ấy mới chết".

Thú thật, để có thể nói được một điều gì đó đúng đắn trong những tình huống như vậy không phải điều dễ dàng. Chúng ta không có những kỹ năng như vậy khi sinh ra hay được dạy phải nói sao. Xã hội thường tránh nói về cái chết hay sự đau khổ. Nhiều người chúng ta chưa bao giờ trải qua những nỗi đau cảm xúc tột cùng đến vậy. Đôi khi chúng ta muốn giúp người khác, nhưng lại gây tổn thương cho họ.

Nói gì với những người đang đau khổ? Hay chọn im lặng?

Nếu không biết cách san sẻ nỗi buồn, tốt nhất chúng ta chỉ nên lặng im - Ảnh 2.

Chúng ta thường hay chuyển những cuộc chia sẻ của người khác thành "sân khấu" của mình - những điều họ nói tác động chúng ta như nào, sự mất mát của họ thay đổi chúng ta ra sao hay gợi nhớ chúng ta tới nỗi đau của chính mình. 

Khi chồng của một người bạn tôi qua đời,cô ấy phải tiếp xúc với rất nhiều người muốn chia sẻ câu chuyện đau buồn của họ: "Họ nghĩ rằng việc đó sẽ giúp tôi hiểu rằng họ thực sự đồng cảm với tôi - nhưng nỗi đau của họ khác nỗi đau của tôi", cô bạn tôi chia sẻ. "Cuối cùng tôi thực sự mệt mỏi khi lại phải quay ra vỗ về, an ủi họ".

Nếu không biết cách san sẻ nỗi buồn, tốt nhất chúng ta chỉ nên lặng im - Ảnh 3.

Nỗi đau của mỗi người không giống nhau nhưng đều đáng tôn trọng. Hãy để họ nói lên nỗi đau của mình khi đương đầu với khó khăn,đừng biến nó thành nơi để bạn kể về bản thân một cách quá đà và biến bạn thành tâm điểm của nỗi buồn. Đâu đó, chúng ta sẽ gặp những câu chuyện như vậy:

"Tớ không gọi điện cho cậu vì tớ đoán rằng cậu muốn ở một mình" (Kể cả nếu người đó không muốn, bạn vẫn nên gọi điện, nhắn tin hay gửi đôi dòng tới họ).

"Tớ không tới vì không chịu nổi bệnh viện. Tớ không quen với bệnh viện" (không ai thích bệnh viện,không một ai cả, trừ khi bạn đang đi thăm một em nhỏ mới sinh).

"Tớ xin lỗi vì việc chồng cậu qua đời vì ung thư phổi. Anh ấy hút thuốc lá không? Hay anh ấy bị bệnh tim? Hay anh ấy béo phì? (Bạn chỉ đang tìm cách để củng cố lại rằng những thứ đáng sợ ấy sẽ không xảy ra với bạn mà thôi).

Ann Weber, một nhà tâm lý học xã hội chuyên về những mất mát và nỗi đau nói rằng, câu nói "Hãy cho mình biết nếu bạn cần điều gì đó" như một lời lặp đi lặp lại sáo rỗng, một lời hứa vô thưởng vô phạt. "Người ta thường hay nói khi muốn thoát khỏi cuộc thăm viếng hay những cuộc điện thoại chia buồn. Nó đặt trách nhiệm lên những người đang đau khổ, và họ phải lên tiếng nếu muốn tìm sự giúp đỡ".

Nếu không biết cách san sẻ nỗi buồn, tốt nhất chúng ta chỉ nên lặng im - Ảnh 4.
Nếu không biết cách san sẻ nỗi buồn, tốt nhất chúng ta chỉ nên lặng im - Ảnh 5.

Nhiều người sẽ cố động viên để xoa dịu, khiến bạn phấn chấn lên. Nghe tưởng chừng những lời hết sức có ý nghĩa nhưng sự thật, chúng ta không hiểu nỗi đau của người đối diện.

Khi mất đi những người thân yêu, mỗi người đều ngập trong khoảng tối tâm hồn. Không điều gì người khác nói có thể giúp chúng ta phấn chấn lên, đặc biệt là những câu nói bắt đầu với từ: "Ít nhất…"

"Ít nhất cô không phải trải qua nỗi đau đó…"

"Ít nhất cô vẫn còn các con ở bên…"

"Ít nhất, anh ấy không phải chết vì HIV hay tai nạn giao thông…"

"Ít nhất, cuộc đời bạn sẽ mở ra một trang mới…"

Nếu bạn có ý định an ủi ai đó bằng từ "Ít nhất", hãy dừng lại. Nó thực sự không giúp ích gì trong việc xoa dịu nỗi đau của người khác. Bạn chỉ đang cố ép họ nhìn về những điều tích cực dù trong đầu họ đang phủ bóng những thứ tồi tệ. Hãy chấp nhận rằng mọi thứ đang thực sự buồn thương là đủ, và ở bên họ lúc đó.

Và tuyệt đối, đừng đem sự hài hước của bạn vào những hoàn cảnh đau buồn. Đừng vỗ vai ai đó khi bố cô ấy/anh ấy mất và nói "Đó, giờ cậu thành trẻ mồ côi rồi" - tôi xin trân trọng thông báo với bạn rằng câu đùa mất nết ấy đã đánh bay ngày tháng tích luỹ kiến thức trước đây của bạn vào hư không và chẳng có bất cứ đường nào để quay trở lại với bạn nữa. 

Nếu không biết cách san sẻ nỗi buồn, tốt nhất chúng ta chỉ nên lặng im - Ảnh 6.
Nếu không biết cách san sẻ nỗi buồn, tốt nhất chúng ta chỉ nên lặng im - Ảnh 7.

Đừng đặt niềm tin vào Chúa hay thiên đường của bạn và ép mọi người cũng phải tin điều đó. "Yên tâm đi, rồi anh ấy cũng được lên thiên đường" - thiên đường ở đâu? Có ở trong thế giới của người đang khóc lóc kia không? Nếu bạn không biết những niềm tin của người kia, nó có thể trở thành một lời xúc phạm thiếu tinh tế, dù xuất phát từ ý tốt.

Một người phụ nữ từng mất hai con sinh đôi vì sảy thai, cô chạy tới gặp một người bạn để chia sẻ đau khổ nhưng những gì cô nghe được day dứt cả cuộc đời cô: "Ồ, tôi nghe nói đó là một cặp sinh đôi à. Tôi đoán Chúa không nghĩ rằng bạn có thể xoay xở với cả hai cùng lúc".

"Phải mất nhiều năm sau, tôi mới tha thứ được cho cô ấy", người phụ nữ đó nhớ lại.

Nếu không biết cách san sẻ nỗi buồn, tốt nhất chúng ta chỉ nên lặng im - Ảnh 8.

Có lẽ, đây chính là điều quan trọng nhất. "Đừng nói với một người đang đau khổ họ nên cảm thấy thế nào. Họ sẽ thấy yếu đuối, họ muốn khóc cả ngày,hãy cứ để họ làm vậy". Đừng nói những lời như "mạnh mẽ lên", "bạn làm được mà".

Hãy nói với họ rằng: "Dù bạn đang cảm thấy bất cứ điều gì, vào bất cứ lúc nào, điều đó không sao cả!".

Đôi lúc họ cười trong nỗi đau, có những lúc họ khóc cả ngày, còn có những người chọn im lặng vượt qua nỗi đau, chỉ nhìn vào một bức tường trống rỗng. Đó đều là cảm xúc tự nhiên - chấp nhận nó như một phần của cuộc sống và nỗi đau.

Vậy chúng ta nên nói gì và làm gì?

Danh sách những điều không nên nói nghe thật là dài, vậy chúng ta nên nói gì?

"Nếu bạn biết rõ người mới qua đời, hãy kể cho gia đình nghe một câu chuyện về người đó - lý tưởng nhất là viết ra để gia đình có thể truyền tay nhau. Không có món quà nào tuyệt hơn một câu chuyện về người thân yêu của họ trong khoảnh khắc mà ai cũng biết rằng, sẽ không bao giờ có câu chuyện nào mới nữa".

Nếu không biết cách san sẻ nỗi buồn, tốt nhất chúng ta chỉ nên lặng im - Ảnh 9.

Còn nếu bạn không biết, hãy nói rằng: "Tôi không biết về bố/mẹ/vợ/chồng bạn nhưng nhìn vào bạn, tôi hiểu rằng cô ấy/anh ấy phải thực sự tuyệt vời/tử tế…"

"Tôi biết bạn yêu cô ấy/anh ấy biết nhường nào"

"Tôi ước gì tôi có thể nói gì thực sự phù hợp lúc này"

"Tôi không thể biết rõ những gì bạn trải qua lúc này, nhưng tôi ở đây để lắng nghe và chia sẻ".

"Tôi rất tiếc" - đôi khi chỉ cần là một câu nói đơn giản như vậy.

Có rất nhiều cách để thể hiện sự cảm thông, chia sẻ với một ai đó. Đừng đưa ra, hãy thực hiện. Bạn có thể xuất hiện trước cửa nhà họ với một bữa ăn trưa, qua giúp họ dọn dẹp đồ, đưa lũ trẻ ra ngoài chơi và quan trọng nhất, nói chuyện về người vừa mới qua đời. Họ sẽ không muốn người đó bị lãng quên.

Hoặc nếu không biết nói gì, im lặng với một cái nắm chặt tay cũng là đủ. Đừng nói gì nếu bạn không thể chắc chắn bản thân có thể gây ra thêm bất cứ vết thương nào thêm nữa.

Nếu không biết cách san sẻ nỗi buồn, tốt nhất chúng ta chỉ nên lặng im - Ảnh 10.