Smartphone của bạn chứa nhiều kim loại quý hiếm, phải rất cực khổ mới có thể kiếm được

Tuấn Hưng, Theo Trí Thức Trẻ 10:31 19/03/2019

Một chiếc iPhone chứa cả tungsten lẫn vàng - hai trong số bốn loại khoáng sản "xung đột", được khai thác từ những mỏ quặng bất hợp pháp và vô nhân đạo ở các nước Châu Phi.

Ngày nay, chúng ta đang trở nên quá lệ thuộc vào smartphone để làm mọi thứ, từ gọi một cuốc taxi đến tìm nửa kia của đời mình. Mỗi năm, số lượng smartphone được sản xuất ra ước tính lên tới 1,5 tỷ chiếc. Thế nhưng liệu bạn có biết nằm bên trong mỗi chiếc điện thoại có gì? Liệu lựa chọn smartphone của bạn có ảnh hưởng đến thế giới?

Để trả lời cho câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã cho một chiếc iPhone vào máy xay và phân tích thành phần hoá học của "sinh tố" Táo khuyết kia, và kết quả thu được quả thật là đáng báo động. Hai nguyên vật liệu có nhiều nhất trên "chú dế" này là sắt và silicon, thế nhưng các nhà khoa học còn tìm thấy 900 miligram tungsten (hay vonfram) và 70 miligram cô-ban, cả hai đều được khai thác ở vùng "xung đột".

Bên trong một chiếc iPhone có gì?

Tại sao lại gọi là vùng xung đột? Nguồn gốc của các khoáng sản xung đột này đến từ những vùng đang có xung đột vũ trang ở châu Phi, cụ thể là tại các khu vực ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo, Tây Bắc Uganda, các khu vực phía nam của Nam Sudan, và Rwanda.

Tại các khu vực này, hàng triệu người thợ mỏ bất kể tuổi tác, thậm chí có cả những đứa trẻ mới 10 tuổi, với đa số các công cụ là thủ công, đang phải kiếm sống bằng cách khai thác các nguồn tài nguyên này trong những môi trường độc hại và thiếu các tiêu chuẩn an toàn.

Bạn có còn muốn mua iPhone nếu biết nó được làm từ máu và nước mắt thế này? - Ảnh 2.

Mỏ khai thác khoáng sản xung đột

Tuy vậy, điều đáng sợ hơn cả là tình trạng các nhóm vũ trang đang xâm chiếm và cướp bóc ở hầu hết các vùng giàu tài nguyên thiên nhiên này. Ở đây, một ngày được xem là đẹp trời khi các đội quân đó chỉ cướp đi tài nguyên khai thác được, tồi tệ hơn có thể còn là cả thực phẩm của mọi người.

Mặc dù đạo luật Dodd-Frank yêu cầu các công ty Mỹ phải chứng minh được nguồn cung tungsten của mình là trong sạch, nhưng trên thực tế, điều này là không thể. Hầu hết các nguyên vật liệu đều được khai thác từ những mỏ không giấy tờ và cũng không bị giám sát ở Cộng hoà Dân chủ Congo, sau đó được tuồn qua nhiều bên trung gian trước khi đến tay các hãng công nghệ. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn gốc chuỗi cung ứng của các vật liệu này không thể bị lần ra.

Bạn có còn muốn mua iPhone nếu biết nó được làm từ máu và nước mắt thế này? - Ảnh 3.

Hỗn hợp từ chiếc iPhone kia còn chứa 35 miligram vàng – đây cũng là một trong bốn kim loại xung đột, ngoài ra còn có tin (thiếc) và tantalum (vàng xanh). Để sản xuất ra một chiếc điện thoại cần tới 7 kilogram quặng vàng tinh khiết, cùng với 750 gram quặng tungsten. Hai con số trên đã phần nào phản ánh được nhu cầu rất lớn của ngành công nghiệp smartphone đối với các khoáng sản quý hiếm.

Ngoài ra, chiếc iPhone còn chứa nhiều nguyên tố hoá học hiếm khác như neodymium, praseodymium, gadolinium, và dysprosium. Các nguyên vật liệu này rất được những hãng công nghệ ưa chuộng do tính chất từ tính của nó có thể áp dụng để gia tăng hiệu năng của thiết bị.

Bạn có còn muốn mua iPhone nếu biết nó được làm từ máu và nước mắt thế này? - Ảnh 4.

Để làm ra một chiếc smartphone, nhưng con người ở bên kia Trái Đất phải hứng chịu biết bao khổ đau

Hầu hết các loại khoáng sản này đều được khai thác ở Mông Cổ, nhưng với tiến độ này, nhiều chuyên gia lo sợ rằng nguồn tài nguyên quý hiếm của quốc gia Đông Á này có thể sẽ cạn kiệt hoàn toàn trong 50 năm nữa.

Các khoáng sản xung đột chỉ là một vấn đề mà ngành công nghiệp smartphone đang đối mặt. Nhìn ở một khía cạnh khác, tác động từ hành vi tiêu dùng của con người – từ việc cung ứng cho đến loại bỏ thiết bị - là gần như không thể đo đếm nổi. Nhận thức và hiểu biết về vấn đề đó mới chỉ là bước đi khởi đầu.

Điều tiếp theo của chúng ta nên làm là dành nhiều suy nghĩ của mình vào việc mua mỗi chiếc smartphone, xem chúng có cần thiết hay không. Chúng ta có thể tạo ra ảnh hưởng nhất định thông qua thói quen mua sắm của mình, nên cân nhắc kỹ thời gian giữa các lần mua và lựa chọn thương hiệu dựa vào cách họ giải quyết những vấn đề nói trên.

Tham khảo: Iflscience