Netflix gây tranh cãi khi công bố tạo hình Cleopatra: Trong lịch sử, vị Nữ hoàng Ai Cập nổi tiếng được miêu tả thế nào?

Minh Nhật, Theo Phụ nữ Việt Nam 20:15 21/04/2023

Netflix được cho là đang xuyên tạc lịch sử khi cho nữ diễn viên gốc Phi vào vai Nữ hoàng Ai Cập.

Mới đây, Netflix đã công bố đoạn video giới thiệu cho dự án phim tài liệu về Nữ hoàng Cleopatra mang tên African Queens: Queen Cleopatra. Tuy nhiên, thay vì được đón nhận rộng rãi, bộ phim lại vấp phải những phản ứng gay gắt về màu da của nữ diễn viên thủ vai Nữ hoàng.

Bộ phim African Queens: Queen Cleopatra được Jada Pinkett Smith (vợ của nam diễn viên Will Smith) thuyết minh và điều hành sản xuất, với sự tham gia của nữ diễn viên gốc Phi Adele James (27 tuổi) trong vai Nữ hoàng Ai Cập.

Netflix gây tranh cãi khi công bố tạo hình Cleopatra: Trong lịch sử, vị Nữ hoàng Ai Cập nổi tiếng được miêu tả thế nào? - Ảnh 1.

Hình tượng Cleopatra thường thấy trong các bộ phim về Ai Cập cổ đại

Nguyên nhân khiến mọi người phản đối và tẩy chay Netflix

Quyết định của nhà sản xuất đã làm dấy lên làn sóng phản đối không chỉ đến từ phía người xem phim mà còn đến từ các chuyên gia nghiên cứu về lịch sử. Đa số các học giả Ai Cập cho rằng Cleopatra là người gốc Châu Âu chứ không phải là một người da đen.

Nhà nghiên cứu Ai Cập học Zahi Hawass - cựu Bộ trưởng Nhà nước về Các vấn đề cổ vật Ai Cập - cho biết ông không hài lòng với "chân dung giả mạo" của vị Nữ hoàng nổi tiếng mà Netflix công bố. Hawass khẳng định rằng Cleopatra hoàn toàn là người Hy Lạp và "không phải là người da đen".

Netflix gây tranh cãi khi công bố tạo hình Cleopatra: Trong lịch sử, vị Nữ hoàng Ai Cập nổi tiếng được miêu tả thế nào? - Ảnh 2.

Hình tượng Cleopatra trong loạt phim của Netflix (bên trái)

Thậm chí, ông còn cáo buộc Netflix "cố gắng gây nhầm lẫn bằng cách lan truyền thông tin sai lệch và lừa đảo mọi người rằng nguồn gốc của nền văn minh Ai Cập bắt nguồn từ người da đen".

"Cleopatra là người Hy Lạp, nghĩa là bà ấy có nước da sáng chứ không phải đen", nhà khảo cổ học cho biết.

Chưa hết, luật sư Mahmoud al-Semary còn đệ đơn khiếu nại đến công tố viên để yêu cầu chặn nền tảng xem phim nổi tiếng này ở quốc gia này. Ông tuyên bố rằng Netflix đang cố gắng lan truyền các khẩu hiệu và bài viết nhằm xuyên tạc và xoá bỏ văn hoá bản sắc của Ai Cập.

Ngoài ra, một bản kiến nghị có tiêu đề "Huỷ bỏ phim Nữ hoàng Cleopatra" đã được lập trên trang Change.org và thu hút hơn 3.200 chữ ký đồng tình. Trước đó cũng có một bản kiến nghị với nội dung tương tự, tuy nhiên đã bị xóa khỏi trang web sau khi thu về 85.000 chữ ký.

Tranh cãi về chủng tộc của Cleopatra

Trên thực tế, tranh cãi về chủng tộc của Cleopatra đã diễn ra trong một thời gian dài. Cleopatra sinh ra tại thành phố Alexandria của Ai Cập vào năm 69 trước Công nguyên và là người cai trị thực tế cuối cùng của triều đại Ptolemaic. Cha của bà - Ptolemy XII Auletes - là người Hy Lạp, tức có gốc Châu Âu, tuy nhiên, danh tính của mẹ bà vẫn còn là một bí ẩn lớn cho đến tận ngày nay.

Netflix gây tranh cãi khi công bố tạo hình Cleopatra: Trong lịch sử, vị Nữ hoàng Ai Cập nổi tiếng được miêu tả thế nào? - Ảnh 3.

Chủng tộc của Nữ hoàng Cleopatra từ trước đến nay vẫn là một chủ đề gây tranh cãi

Sự thiếu hụt về thông tin của người mẹ cùng với quá trình tái tạo khuôn mặt dựa trên các hình ảnh từ đồ tạo tác cổ đại khiến nhiều nhà sử học suy đoán rằng Cleopatra mang dòng máu lai giữa hai chủng tộc. Đặc biệt, phần lớn cuộc đời của bà sống ở Bắc Phi, vậy nên có khả năng mẹ bà là một người phụ nữ bản địa.

Tuy nhiên, không phải tất cả học giả đều tin vào giả thuyết này. Một nhà sử học tuyên bố rằng nếu Cleopatra thực sự là một người phụ nữ da đen, điều đó sẽ "đặt ra dấu hỏi lớn đối với toàn bộ nền văn minh phương Tây", vì nó có nghĩa là trong suốt một thời kỳ quan trọng của lịch sử, thế giới chính trị về cơ bản xoay quanh một người phụ nữ da đen.

Trên các trang mạng xã hội, người xem cũng bày tỏ quan điểm tương tự về việc phản đối diễn viên người gốc Phi thủ vai Cleopatra, thậm chí còn cáo buộc nhà làm phim "đánh cắp danh tính và nền văn minh của quốc gia khác".