Mục tiêu “cứng” năm 2020 và tương lai năm 2025 của Viettel Telecom ra sao?

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 17:30 23/10/2019

Vai trò của Viettel Telecom trong tương lai là phát triển hệ sinh thái dịch vụ số để phục vụ cho con người một cách tốt nhất, ông Lê Đăng Dũng, quyền chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhận định.

Bức tranh của tương lai

Quỳnh Anh, 32 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông đang nhìn chăm chú vào kết quả vừa được hiển thị trên màn hình máy tính. Cô được nhận định thuộc nhóm cá tính và có vẻ quan tâm đến các dịch vụ ăn uống. Máy tính đã đưa ra một số gợi ý về các sản phẩm, dịch vụ và cửa hàng mà cô nên ghé qua.

Những kết quả này được đưa ra bởi hệ thống Viettel Custumer 360, một công nghệ được Viettel Telecom triển lãm nhân dịp 15 năm chính thức kinh doanh dịch vụ di động (15/10/2004-15/10/2019). Để trải nghiệm, người dùng chỉ cần cung cấp số điện thoại, nhập mã xác thực (OTP) là có thể biết bản thân đã được phân tích như thế nào qua góc nhìn của công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data).

Mục tiêu “cứng” năm 2020 và tương lai năm 2025 của Viettel Telecom ra sao? - Ảnh 1.

Tương lai của Viettel Telecom sẽ là các dịch vụ IoT gắn vưới AI, Big Data…

Nhân viên Viettel tại gian trưng bày cho biết bằng phân tích cá nhân hoá, Viettel sẽ gợi ý, cung cấp những dịch vụ phù hợp đến mỗi người. Tất nhiên, thông tin của khách hàng sẽ được bảo mật tuyệt đối, tránh trường hợp dữ liệu bị lợi dụng.

"Không phải mạng lưới, dữ liệu về xã hội, khách hàng, mới là tài sản lớn nhất của Viettel Telecom", ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel nhận định và nói rằng "phải sử dụng AI phân tích những dữ liệu đấy nhằm phục vụ cho con người một cách tốt nhất".

Bất cứ nhà cung cấp dịch vụ nào cũng đang nhận ra hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi chóng mặt trong thời 4.0. Con người đang chuyển từ trạng thái "offline" sang "online" nhiều hơn.

Do vậy, những đơn vị như Viettel Telecom phải sẵn sàng cho việc chuyển đổi bởi những gì mà con người nghĩ là viễn tưởng – như văn phòng toàn robot, sẽ không còn xa nữa.

Mục tiêu "cứng" vào năm 2020 của Viettel Telecom

Ông Lê Đăng Dũng nói rằng có hai việc cần làm để Viettel hướng đến tương lai. Thứ nhất là chuyển đổi số trong nội tại. Điều này hàm nghĩa các hoạt động của doanh nghiệp này phải dựa trên dữ liệu, áp dụng công nghệ thông tin, chứ không theo kiểu "cảm tính, truyền thống".

"Dữ liệu sẽ là nền tảng cho tất cả quyết định kinh doanh chứ không theo mệnh lệnh chủ quan của con người nào", ông Dũng nói.

Mục tiêu “cứng” năm 2020 và tương lai năm 2025 của Viettel Telecom ra sao? - Ảnh 2.

Ông Lê Đăng Dũng – Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel: "Đã đến lúc Viettel Telecom phải quên đi quá khứ thành công 15 năm trước để hướng đến tương lai".

Mặt khác, các hoạt động trong doanh nghiệp sẽ được tự động hoá, giảm thiểu sự tác động của con người. Không giống như thời kỳ trước, tự động hoá của tương lai sẽ phải tích hợp thêm trí thông minh nhân tạo.

"Sẽ không còn chuyện nhân viên kế toán ngồi cắm cúi cộng trừ nhân chia nữa, máy móc sẽ làm việc đó". Nhưng vấn đề đặt ra là: Con người sẽ đi theo xu hướng đó như thế nào. Người Viettel sẽ phải hiểu được mình đang ở đâu trong công cuộc chuyển dịch số nội bộ này.

"Chuyển đổi số như vậy cần văn hoá số", ông Dũng nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai, quan trọng hơn cả, chính là việc Viettel Telecom nói riêng và Viettel nói chung phải tạo ra được hệ sinh thái dịch vụ số cho khách hàng.

Nhìn rộng hơn, Viettel đang gánh nhiệm vụ tiên phong xây dựng xã hội số cho Việt Nam. Bởi khi từng cá nhân được sử dụng dịch vụ số một cách thuận tiện, các doanh nghiệp kinh doanh dễ dàng hơn nhờ nền tảng số vững chắc... kết nối các điểm đó lại với nhau, Việt Nam sẽ có được một xã hội, một nền kinh tế số.

Ông nhận định công cuộc chuyển đổi của Viettel có nhiều lợi thế. Bởi doanh nghiệp được phát triển ngay trên hạ tầng và lượng khách hàng của chính mình. "Vấn đề là Viettel Telecom hay Viettel nói chung phải chấp nhận chuyển đổi và chuyển đổi thật nhanh".

Thời hạn để trở thành doanh nghiệp dịch vụ số đích thực của Viettel là năm 2020. Theo đó, doanh nghiệp phải biến smartphone trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. "Để làm được điều này, ngoài mạng lưới hạ tầng, tôi nhấn mạnh lại: cần phát triển những ứng dụng, phục vụ cho khách hàng", ông nhấn mạnh.

Và để nhấn mạnh thêm thông điệp cần chuyển đổi số thật nhanh, ông Lê Đăng Dũng nói: "Đã đến lúc Viettel Telecom phải quên đi quá khứ thành công 15 năm trước để hướng đến tương lai".

Tại sự kiện Hành trình 15 năm di động Viettel, Tổng Công ty Viễn thông Viettel chính thức ra mắt dịch vụ lưu trữ dữ liệu cá nhân trên nền tảng đám mây – Lifebox được tích hợp trên ứng dụng MyViettel và gửi tặng khách hàng của mình, mỗi người 5GB trên kho lưu trữ này.

Bên cạnh việc giúp khách hàng dễ dàng lưu lại tất cả các khoảnh khắc, kỷ niệm, trong cuộc sống số của mình, kho dữ liệu đám mây cá nhân Lifebox còn có thể lưu trữ được các dữ liệu khách hàng gửi lên từ các thiết bị IoT của mình để thuận tiện cho việc truy xuất, theo dõi và phân tích cho các nhu cầu sử dụng.

photo-2