“Mua lại thời gian” - chìa khóa làm giàu hơn nữa cho những người tham vọng

Như Nguyễn, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 08:41 30/09/2021

Nếu bạn đang là người kiếm được nhiều tiền, có một khoản thu nhập khá, hãy cố gắng tiết kiệm ít nhất một giờ mỗi tuần. Và việc "mua lại thời gian" sẽ giúp bạn làm điều đó.

Thay đổi là một quá trình diễn ra thường xuyên và liên tục trong cuộc sống. Khi lớn lên, chúng ta thay đổi cách ăn, cách mặc, thậm chí cả nơi ở và cả những người chúng ta kết bạn cùng.

Tuy nhiên, khi nói đến cách sử dụng thời gian và tiền bạc - đặc biệt là đối với những người có thu nhập cao và những người giàu có - chúng ta lại có xu hướng chống lại sự thay đổi nhiều hơn.

Dưới đây là một câu chuyện nhỏ để minh họa quan điểm này: Tôi có một người bạn kiếm được hơn 750.000 đô la một năm (khoảng 17 tỷ đồng). Cậu ấy yêu công việc của mình, nhưng nếu bạn hỏi "Ây, hôm nay thế nào?", thì câu trả lời bạn được nghe nhiều nhất sẽ là: "Bận lắm!"

Vì thường xuyên nhận được câu trả lời bận rộn nên vào một ngày, khi đến thăm cậu ấy và nhìn thấy những chiếc túi để trên quầy bếp, tôi đã rất ngạc nhiên.

"Ồ, tôi vừa mua chúng từ siêu thị," cậu ấy nói khi thấy tôi ngạc nhiên chỉ vào những chiếc túi đó.

Tôi nhanh chóng hỏi: "Cậu đã bao giờ cân nhắc việc nhờ người khác mua hàng tạp hóa cho mình chưa?"

Cậu ấy nhìn tôi kiểu "Đang nói cái quái gì vậy bạn tôi?". Trả tiền để nhờ ai đó đi mua đồ cho mình? Thành phần tinh hoa nào sẽ làm điều đó?

Cái tôi muốn nhấn mạnh với các bạn ở đây là một người trưởng thành kiếm được 750.000 đô la một năm, nhưng cư xử như thể chỉ kiếm được 50.000 đô la.

“Mua lại thời gian” - chìa khóa làm giàu hơn nữa cho những người tham vọng - Ảnh 1.

Nghịch lý tiềm ẩn giữa tiền bạc và thời gian

Khái niệm "mua lại thời gian của bạn" là một trong những khái niệm "năng suất hiệu quả nhất" mà tôi đã học được với tư cách là một chủ doanh nghiệp.

"Mua lại thời gian của bạn" ý muốn nói là sự chi tiêu cho những hoạt động tiện lợi như đi taxi dạng như Lyft hay Uber, bữa ăn nấu sẵn hoặc người giúp việc… Bỏ tiền ra cho những hoạt động như vậy đồng nghĩa với việc bạn sẽ lấy lại số giờ mà bạn thường dành để làm những việc không khiến bạn vui vẻ, và rồi dùng số thời gian bạn dùng tiền để mua lại đó cho những điều quan trọng hơn.

Hầu hết những người có thu nhập cao không nhận ra hiệu quả của việc mua lại thời gian. Có thể là do ảnh hưởng từ cha mẹ, điều này làm thay đổi phép tính về cách họ đưa ra quyết định, kết quả là, những người có thu nhập cao không bao giờ thay đổi cách họ tiếp cận giữa công việc và cuộc sống cá nhân của mình.

Đây là một nghịch lý lớn: Nhiều người khẳng định họ coi trọng thời gian hơn tiền bạc, nhưng nếu bạn nhìn vào lịch của họ, bạn sẽ thấy rằng một điều hoàn toàn ngược lại.

“Mua lại thời gian” - chìa khóa làm giàu hơn nữa cho những người tham vọng - Ảnh 2.

"Mua lại thời gian của bạn" không phải ra vẻ hay khoe khoang

Tôi đã từng cười nhạo những người bay hạng nhất và nghĩ, "Tại sao lại có người tiêu một số tiền điên rồ vào một thứ vô nghĩa như vậy? Không phải tất cả chúng ta đều đến cùng một điểm đến ư?".

Nhưng, bạn cần phải biết, những người đó không ngu ngốc. Họ là những người có thu nhập cao, những người hiểu giá trị theo một cách khác với tôi của trước đây.

Ví dụ, nếu bạn kiếm được 40.000 đô la một năm, chi 5.000 đô la cho một chuyến bay hạng nhất là điều điên rồ. Nhưng nếu bạn là một giám đốc điều hành kiếm được 450.000 đô la mỗi năm, điều đó hoàn toàn hợp lý.

Trong kinh doanh, niềm tin lệch lạc về thời gian và tiền bạc có thể khiến bạn phải trả giá đắt - trong khi biết cách tối ưu hóa nó lại có thể tạo ra một cấp số nhân trong những gì bạn có thể kiếm được.

Đôi khi, những người biết cách mua lại thời gian của họ lại bị người khác cho là đang khoe khoang sự giàu có của mình. Nhưng thực tế là rất nhiều người trong chúng ta, dù chẳng giàu có gì cũng đều đã từng làm điều đó:

Ăn ở nhà hàng thay vì nấu ăn ở nhà.

Đi thay nhớt xe thay vì tự làm.

Đi Uber thay vì đi bộ hoặc đi phương tiện công cộng.

Lập tức trả giá thay vì tìm kiếm một ưu đãi tốt.

Tôi dám cá rằng một số bạn làm những việc này hàng tuần và không coi đó là "mua lại thời gian của bạn", nhưng thực ra là bạn đang chi tiêu cho sự tiện lợi để bạn có thể tập trung vào việc chuyển sang những việc quan trọng hơn và đạt được những kết quả lớn hơn.

Ví dụ: tôi thực sự thích thể dục và về mặt lý thuyết, tôi có thể đọc rất nhiều tài liệu về thể hình, chế độ ăn uống, thói quen tập thể dục và tuân theo nó.

Nhưng tôi biết tôi sẽ không bao giờ tập cho ra được hiệu quả như huấn luyện viên của tôi, người sống và hít thở với thể dục. Bằng cách trả tiền cho anh ấy, tôi có thể đổi tiền lấy thời gian và đạt được kết quả tốt nhất. (Điều tôi muốn nói ở đây là, tôi có thể tự mình làm tất cả, nhưng tôi không cần phải làm vậy, tôi muốn dành thời gian đi mày mò mà chưa chắc đã cho ra được hiệu quả đó cho công việc kinh doanh và cho gia đình).

“Mua lại thời gian” - chìa khóa làm giàu hơn nữa cho những người tham vọng - Ảnh 3.

Hãy tự hỏi bản thân: Tôi có được gì từ việc làm như vậy?

Bạn nhận được gì nếu bạn có nhiều thêm ba giờ mỗi tuần so với trước đó? Bạn có muốn đưa bố mẹ mình ra ngoài và cho họ nghỉ dưỡng ở một căn villa tuyệt vời không? Bạn có thời gian để làm những việc bạn thực sự thích, như nấu bữa ăn của riêng bạn hoặc sáng tác nhạc không?

Nếu bạn đang là người kiếm được nhiều tiền, có một khoản thu nhập khá, hãy cố gắng tiết kiệm ít nhất một giờ mỗi tuần. Hãy nghĩ về tất cả những trách nhiệm mà bạn không thích (ví dụ: giặt là, mua sắm tạp hóa, quản lý tài chính) trong khi có những giải pháp tuyệt vời như thuê ngoài hoặc hệ thống hóa công việc.

Sau đó, khi bạn không phải dành thời gian cho hàng tỷ những việc linh tinh bên ngoài (vì đã có người làm thay bạn), khi bạn có nhiều thời gian hơn để tập trung cho những thứ quan trọng hơn, bạn sẽ thấy nó thực ra đem lại nhiều cái lợi hơn là hại.

Tác giả của bài viết là Ramit Sethi, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất trên New York Times "I Will Teach You To Be Rich", đồng thời là một chuyên gia tài chính cho hàng triệu độc giả ở độ tuổi 20, 30 và 40. Anh ấy đã trở thành một triệu phú tự thân khi còn trẻ nhờ trang web của mình (trang web mà anh ấy bắt đầu khi còn là sinh viên Đại học Stanford vào năm 2004), sách và các khóa học về tài chính cá nhân.