Mưa dông chiều 19/7 ở miền Bắc là siêu dông nhiệt hiếm gặp

Nguyễn Hoài, Theo tienphong.vn 08:09 20/07/2025
Chia sẻ

Trong cơn dông bao trùm miền Bắc chiều qua (19/7), gió ghi nhận tại Bãi Cháy (Hạ Long) ở cấp 10, trạm Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cấp 8, Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 7. Đây là hiện tượng siêu dông nhiệt cực kỳ hiếm gặp, rất nguy hiểm và không thể dự báo sớm.

Chiều 19/7, miền Bắc xuất hiện mưa dông diện rộng, nhiều nơi xuất hiện dông mạnh, lốc xoáy và gió giật mạnh, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.

Tại trạm Cửa Ông (Quảng Ninh) ghi nhận gió mạnh cấp 7, Bãi Cháy (Hạ Long) cấp 10, và Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cấp 8. Đây là những cấp gió tương đương với gió bão và gió áp thấp nhiệt đới.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, trận mưa dông chiều qua không phải do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Wipha.

Thời điểm dông lốc xảy ra, tâm bão đang trên vùng biển Bắc Biển Đông, cách vịnh Hạ Long của Việt Nam trên 1000km về phía đông. Hoàn lưu bão Wipha có đường kính khoảng 200-300km (tính từ tâm bão).

Mưa dông chiều 19/7 ở miền Bắc là siêu dông nhiệt hiếm gặp- Ảnh 1.

Trận siêu dông nhiệt chiều qua khiến nhiều cây đổ ở Hà Nội. Ảnh: SPS.

Nguyên nhân của hiện tượng mưa dông mạnh chiều 19/7 ở Bắc Bộ và vịnh Bắc Bộ là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, kết hợp với điều kiện nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ tăng cao trong 3 ngày qua, khiến dòng thăng mạnh trong điều kiện bất ổn định của khí quyển mạnh mẽ, gây mưa dông mạnh.

Đây là một hệ thống siêu dông vùng nhiệt đới với những tổ hợp mây dông quy mô trung bình, thường gây mưa rất to kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như gió giật mạnh, sấm sét dữ dội, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng.

Hệ thống siêu dông có đường kính từ vài km đến vài trăm km, gồm nhiều cụm mây dông phát triển kết hợp lại thành một hệ thống lớn. Có thể tồn tại trong nhiều giờ, thậm chí 12–24 giờ, mạnh hơn và lâu hơn dông đơn lẻ.

Ngay sau khi ảnh hưởng đến miền Bắc, vùng mây dông này cũng tràn xuống khu vực Thanh Hoá đến Hà Tĩnh gây mưa dông diện rộng kèm các hiện tượng thời tiết như lốc sét, gió giật mạnh trong tối qua.

Điều đáng lo ngại là các cơn dông nhiệt không thể dự báo sớm, không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế, do đặc điểm nhiễu động quy mô nhỏ, hình thành rất nhanh.

Hiện nay, với những trang thiết bị hiện đại quan trắc và giám sát bầu trời như ảnh mây vệ tinh phân giải cao, radar thời tiết, cơ quan khí tượng có thể phát hiện được dông nhiệt nhưng do các hiện tượng này xảy ra quá nhanh nên chỉ có thể cảnh báo cực ngắn, từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ.

Vì vậy đây là hiện tượng thời tiết cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là khi hiện tượng thường xảy ra vào giữa và cuối chiều, thời điểm nhiều người lưu thông trên đường.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày