Một trong những con hổ hiếm nhất thế giới đã thiệt mạng, nhưng đó là hậu quả của nghịch lý mà con người chưa thể giải quyết

J.D, Theo Helino 21:05 27/09/2018

Nguyên nhân gây ra cái chết là vì con người, nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Bởi lẽ, đó chỉ là một tai nạn thôi.

Trong khi cả thế giới đang vui mừng vì số lượng hổ Bengal tại Nepal đã tăng gấp 2 lần trong vòng 10 năm qua, thì mới đây người Indonesia lại phải hứng chịu mất mát to lớn. Theo ghi nhận của tờ AFP, một cá thể hổ cái đã thiệt mạng vì bẫy thú của con người.

Người thợ săn đặt bẫy với hy vọng sẽ bắt được một con lợn rừng. Nhưng tiếc là chẳng có con lợn nào mắc cả, thay vào đó lại là một con hổ thuộc vào loài quý hiếm nhất hiện nay - hổ Sumatra. 

Một trong những con hổ hiếm nhất thế giới đã thiệt mạng, nhưng đó là hậu quả của nghịch lý mà con người chưa thể giải quyết - Ảnh 1.

Xác hổ được tìm thấy trên đảo Sumatra

Theo tờ AFP, các chuyên viên bảo tồn của đảo Sumatra đã sục sạo khu vực này sau khi nhận thấy một con hổ cái đã biến mất. Xác của nó được tìm thấy gần một khe núi, với dây thừng từ bẫy thú buộc ngang lưng. Bi kịch hơn, cô hổ này đang mang thai và sẽ sinh con trong tương lai rất gần. 

Đây thực sự là một mất mát quá lớn. Theo tài liệu của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), hổ Sumatra được xếp vào hạng mục Cực kỳ nguy cấp trong sách Đỏ. Hiện tại, tổng số lượng hổ trên thế giới chỉ còn khoảng 400 cá thể, nhưng quan trong là con số ấy đang có xu hướng giảm dần.

Cũng theo IUCN, mối đe dọa của hổ Sumatra chủ yếu là con người. Các hoạt động chặt phá rừng thu hẹp môi trường sống cùng nạn săn trộm đã khiến số lượng hổ ngày càng giảm. Vậy nên từng cá thể - bao gồm cả các con non - đều cực kỳ quý giá.

Một trong những con hổ hiếm nhất thế giới đã thiệt mạng, nhưng đó là hậu quả của nghịch lý mà con người chưa thể giải quyết - Ảnh 2.

Hổ Sumatra là một trong những loài hổ hiếm nhất hiện nay

Nhưng công tác bảo tồn loài hổ này đang vấp phải một nghịch lý không dễ gỡ bỏ. Do môi trường sống bị thu hẹp, tần suất hổ chạm mặt với con người ngày một cao, dẫn đến việc con người cũng bị chúng tấn công ngược lại.

"Môi trường sống bị thu hẹp dẫn đến việc hổ phải mò xuống các khu vực gần với con người để tìm mồi, và 2 bên dễ đụng mặt nhau hơn," - trích báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF). 

"Đã có người bị giết hoặc bị thương, còn gia súc thì dễ trở thành mồi cho hổ. Hệ quả là con người lại phản kháng, tìm giết bằng được lũ hổ."

Trong đạo luật bảo tồn hổ của Indonesia được đưa ra vào năm 1990, việc giết hại các loài vật đang được bảo tồn như hổ Sumatra có thể dẫn đến 5 năm tù giam và mức phạt lên tới 100 triệu rupiah (khoảng gần 140 triệu đồng). Nhưng rõ ràng, chừng đó vẫn là chưa đủ để ngăn được cơn thịnh nộ của dân làng khi có người bị giết.

Đất chỉ có vậy, trong khi dân số con người thì ngày càng tăng lên. Để giải quyết được bài toán này vì thế là không hề đơn giản. Nhưng dù thế nào, giải pháp vẫn cần được đưa ra nhanh chóng trước khi bi kịch tiếp tục xảy ra.

Hổ Sumatra (danh pháp hai phần: Panthera tigris sumatrae) là phân loài hổ nhỏ nhất còn sống sót, được tìm thấy ở đảo Sumatra (Indonesia). Hiện có khoảng 400 con hổ còn sinh sống, nằm chủ yếu ở 5 vườn quốc gia trên đảo.

Tham khảo: Science Alert