Một thứ tràn lan ở Việt Nam, nhưng sang Nhật là "hàng hiếm", du học sinh không cẩn thận là gặp rắc rối như chơi

Đông, Theo Đời sống & Pháp luật 16:13 23/11/2024
Chia sẻ

Rào cản ngôn ngữ và thiếu hiểu biết văn hóa khiến nhiều du học sinh Việt dễ rơi vào những cái "cạm bẫy" bất ngờ.

Khi đến Nhật Bản, du học sinh và người lao động Việt Nam cần phải chuẩn bị nhiều thứ để thích nghi với cuộc sống mới, trong đó, điện thoại và sim là những vật dụng thiết yếu phục vụ cho nhiều nhu cầu như liên lạc, thuê nhà, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký mạng wifi và các dịch vụ khác.

Tuy nhiên, nhiều người phản ánh rằng việc mua sim tại Nhật còn phức tạp hơn cả việc mua điện thoại. Anh Nguyễn T. - một kỹ sư cơ khí đang làm việc tại Nhật cho biết, khi đi mua sim, ngoài các thủ tục xác minh danh tính nghiêm ngặt, anh và bạn mình còn phải có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng để thanh toán định kỳ, ký hợp đồng phức tạp, và đặc biệt là cần thông thạo tiếng Nhật để hiểu rõ các điều khoản.

Một thứ tràn lan ở Việt Nam, nhưng sang Nhật là "hàng hiếm", du học sinh không cẩn thận là gặp rắc rối như chơi- Ảnh 1.

Thống kê thị phần 3 nhà mạng lớn nhất ở Nhật (Nguồn: Statista)

Cũng chính vì thế mà nhiều du học sinh vì không đọc kỹ điều khoản, nên đã “vỡ lẽ” sau khi ký hợp đồng mua sim, đặc biệt là chương trình "mua sim tặng iPhone 0 yên". Nghe đến được tặng iPhone 0 đồng, thật sự nghe xong ai cũng rất thích. Tuy nhiên, nó lại tiềm ẩn những cạm bẫy về tài chính, đặc biệt đối với nhóm du học sinh Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm và vốn tiếng Nhật chưa thành thạo.

Để tiếp cận đối tượng du học sinh, các đại lý liên kết với nhà trường, nơi thường nhận được hoa hồng từ 2-3 triệu đồng cho mỗi hợp đồng ký kết. Do đó, nhà trường tích cực giới thiệu dịch vụ, tạo ra một kênh khai thác khách hàng hiệu quả cho các đại lý.

Nhiều sinh viên, vì muốn tiết kiệm chi phí ban đầu và yên tâm khi nhà trường giới thiệu, đã ký hợp đồng dài hạn mà không hiểu rõ nội dung. Trần N. - du học sinh năm 2 cho biết, người tư vấn thường giúp sinh viên mở tài khoản ngân hàng để tiền cước được tự động trừ hàng tháng, nhưng chỉ giới thiệu lợi ích mà không nhắc đến những ràng buộc trong hợp đồng.

Kết quả là, cái giá phải trả cho sự “miễn phí” này không hề rẻ. Khoản tiền dịch vụ có thể lên đến 7.000 – 10.000 yên (tương đương 1,1 - 1,6 triệu đồng), được tự động trừ vào tài khoản ngân hàng mỗi tháng do người dùng đã ký giấy ủy quyền, vượt quá khả năng tài chính của du học sinh. Đây cũng là gánh nặng lớn, đặc biệt với những người sang Nhật kiếm tiền dưới dạng thực tập sinh có thu nhập còn chưa đến mức lương tối thiểu tại Nhật Bản.

Sau một thời gian, nhiều sinh viên nhận ra chi phí quá cao và muốn hủy hợp đồng, nhưng lại gặp nhiều trở ngại. Nếu liên hệ với nhà trường, nhà trường chỉ đóng vai trò giới thiệu và không chịu trách nhiệm về các vấn đề phát sinh. Người tư vấn cũng không hỗ trợ vì đã hoàn thành vai trò sau khi ký hợp đồng. Chỉ những ai thông thạo tiếng Nhật mới có thể đến nhà mạng gốc để yêu cầu chấm dứt hợp đồng.

Ngay cả khi luật pháp Nhật Bản cho phép người dùng chấm dứt hợp đồng, các đại lý vẫn cố tình ràng buộc người dùng thông qua các điều khoản hợp đồng “mua điện thoại”. Để hủy hợp đồng, khách hàng phải trả phí cho chiếc điện thoại "miễn phí" này nếu chưa hoàn thành thời hạn hợp đồng, thường là 24 tháng, hoặc tiếp tục thanh toán cước hàng tháng.

Một số người đã chọn cách không chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để “bùng” phí dịch vụ. Tuy nhiên, các nhà mạng tại Nhật đã lập trung tâm theo dõi khách hàng, đưa những ai nợ cước vào danh sách đen. Những khách hàng bị đưa vào danh sách này sẽ gặp khó khăn lớn trong việc vay vốn, hoặc mua nhà sau.

Việc thanh toán hết nợ chỉ là bước đầu, và khách hàng vẫn cần chờ đợi đến 5 năm để được xóa khỏi danh sách đen. Điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài của họ tại Nhật, gây nhiều bất lợi cho các kế hoạch cá nhân và sự ổn định tài chính trong tương lai.

Một thứ tràn lan ở Việt Nam, nhưng sang Nhật là "hàng hiếm", du học sinh không cẩn thận là gặp rắc rối như chơi- Ảnh 2.

Nhiều du học sinh vì không tìm hiểu kỹ nên đã gặp nhiều rắc rối vì chương trình "mua sim tặng iPhone 0 yên".

Mô hình bán hàng này không phải là điều bất thường tại Nhật Bản. Các hiệp hội thương mại tại đây phối hợp chặt chẽ để thiết lập các quy trình thống nhất, giúp việc bán hàng đạt hiệu quả cao.

Đối với người Nhật, thu nhập ổn định giúp họ dễ dàng duy trì các gói cước dài hạn, trong khi với du học sinh Việt, chi phí cao là gánh nặng không cần thiết. Phần lớn du học sinh chỉ cần sử dụng internet và dịch vụ nhắn tin cơ bản để liên lạc với gia đình và bạn bè qua các kênh trực tuyến.

Việc không hiểu rõ về luật pháp và các điều khoản hợp đồng có thể gây ra những rủi ro lớn khi sống ở nước ngoài. Bản thân nhiều người, bao gồm khoảng 80% sinh viên mới sang Nhật, đã từng là nạn nhân khi bị các đại lý “khéo léo” lợi dụng hợp đồng viễn thông cùng những chiếc điện thoại iPhone đời mới 0 yên để ràng buộc tài chính. 

Nguyên nhân chính đến từ việc người Việt khi đến Nhật học tập, làm việc và sinh sống thường ít tìm hiểu sâu về luật pháp và cũng thường nhẹ dạ cả tin. Nhiều người cẩn trọng hơn thì tự mình hoặc nhờ người quen đi cùng để ra trực tiếp tại các đại lý của nhà mạng để mua sim và gói cước đúng nhu cầu mà không ký nhận các chương trình ưu đãi hấp dẫn nhưng đi kèm các hợp đồng phức tạp. Một số khác thì tìm mua dịch vụ viễn thông chuyên dành cho người Việt của doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép hoạt động ở Nhật để vừa đảm bảo uy tín và chất lượng, vừa mua được các gói cước tối ưu với chi phí rẻ hơn từ 2-3 lần so với các nhà mạng lớn.

Những lưu ý khi đi du học Nhật Bản

Khi quyết định đi du học Nhật Bản, có nhiều lưu ý quan trọng mà bạn cần chuẩn bị để có một hành trình thành công. 

Thứ nhất, việc nắm vững ngôn ngữ là cực kỳ cần thiết. Hãy bắt đầu học tiếng Nhật từ sớm, ít nhất là đạt trình độ N5 hay N4 theo khung năng lực ngôn ngữ Nhật Bản (JLPT) để có thể giao tiếp cơ bản. Ngoài ra, việc am hiểu về văn hóa và phong tục tại Nhật Bản cũng là yếu tố then chốt để bạn hòa nhập tốt hơn, tránh những hiểu lầm không đáng có.

Thứ hai, nên làm quen với hệ thống giáo dục của Nhật Bản trước khi nhập học. Các trường học ở Nhật Bản có phương pháp giảng dạy và học tập khác biệt so với nhiều quốc gia khác, với sự chú trọng cao vào sự chăm chỉ và tự lập. Bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần để thích nghi với cường độ học tập nặng nhọc và thời gian tự học dài hơn.

Thứ ba, chú ý đến tài chính cũng là một khía cạnh không thể bỏ qua. Nhật Bản là một quốc gia với mức sống đắt đỏ, do đó việc lập kế hoạch chi tiêu và tìm kiếm nguồn tài trợ, học bổng là điều cần thiết. Một số kinh nghiệm từ sinh viên đi trước cũng rất hữu ích, chẳng hạn như việc sử dụng thẻ sinh viên để nhận được các ưu đãi, mua sắm tại các cửa hàng bán đồ cũ hoặc siêu thị vào cuối ngày để tiết kiệm chi phí.

Một thứ tràn lan ở Việt Nam, nhưng sang Nhật là "hàng hiếm", du học sinh không cẩn thận là gặp rắc rối như chơi- Ảnh 3.

Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản ngày càng tăng.

Thứ tư, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho việc sống tự lập. Việc học cách tự quản lý thời gian, tự nấu ăn, tự giặt giũ và quản lý các hóa đơn hàng tháng là rất quan trọng. Chú trọng đến việc duy trì một lối sống lành mạnh và cân đối giữa học tập và thời gian nghỉ ngơi, không nên để bản thân bị quá tải.

Cuối cùng, đừng ngần ngại kết bạn với người bản xứ và sinh viên quốc tế khác. Mối quan hệ này không chỉ giúp bạn nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới mà còn là cơ hội để phát triển kỹ năng ngôn ngữ và hiểu biết về văn hóa. Đồng thời, đây cũng là cách để xây dựng một mạng lưới hỗ trợ tương lai.

Du học Nhật Bản đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần sẵn sàng cho những thách thức. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị đầy đủ và thái độ tích cực, bạn sẽ có được những trải nghiệm quý giá và tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai của mình.

Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày