Miền Tây có chiếc bánh "chán òm" nhưng vẫn khiến ta thuở bé thơ phải nhảy cẫng lên thích thú

Euphoria97, Theo Trí Thức Trẻ 21:29 18/01/2019

Bánh gì mà toàn bột là bột, chẳng có lấy miếng nhân nhưng vẫn khiến bọn trẻ con 9x ngày xưa phải “phát cuồng” đấy!

Chiếc bánh ấy có tên là Phục Linh. Nghe thì có vẻ sang sang, nhưng trong thực tế thì đó là chiếc bánh... chán nhất trong cả họ nhà bánh miền Tây nói riêng và Việt Nam nói chung, theo như ấn tượng của tôi. Bánh Phục Linh thật ra có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Ngãi, nhưng vì một số lý do nào đó mà rất nhiều những đứa trẻ miền Tây đã lớn lên cùng chiếc bánh này. Bánh Phục Linh Quảng Ngãi thường có màu trắng thuần, còn ở miền Tây thì được thêm lá dứa, thêm củ dền, củ nghệ nên "màu mè" hơn. Thành ra con nít miền Tây xưa đâm ra thích lắm. 

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, cùng với sự phát triển và thay đổi thì món bánh này không còn quá nổi tiếng nữa. Những đứa trẻ bây giờ mà nhìn thấy bánh Phục Linh hẳn cũng sẽ không mặn mà cho lắm. Bởi vì bánh Phục Linh có cấu tạo toàn bột là bột. Từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài chỉ có bột, và chỉ giữa được hình dáng theo khuôn do được nén rất chặt. Chứ như ngày xưa, bánh Phục Linh đưa vào tay mấy đứa trẻ con vân vê được vài chốc là nát bấy cả, vì chỉ là bột mà thôi.

Bánh Phục Linh là một chiếc bánh có 100% là bột, tuy nhiên vẫn hấp dẫn lạ kì với những đứa trẻ 9x ngày xưa.

Ấy thế mà tôi của ngày xưa lại không đời nào bảo bánh “chán òm” đâu nhé, và sẽ có rất nhiều những người cùng tuổi đồng ý. Là do vị giác qua năm tháng được nuông chiều bởi quá nhiều “của ngon vật lạ” nên giờ tôi nhìn thấy mấy chiếc bánh Phục Linh mới có vẻ “nhàm nhàm”. Thế nhưng cũng cùng là loại bánh ấy, mà tôi của ngày xưa lại nhảy cẫng lên mỗi khi dì hoặc mẹ mua cho lúc đi chợ về đấy.

Bảo bánh Phục Linh chán, tựa hồ nó lại không chán chút nào. Ừ thì đúng là chỉ có bột, song loại bột này khác hẳn bột bánh in có nhân đậu xanh nhé. Bánh Phục Linh ngon có vị bùi bùi của lá dứa, vị beo béo của nước dừa. Thế nên mới khiến bọn trẻ con khi xưa mê mẩn đấy.

Miền Tây có chiếc bánh chán òm nhưng vẫn khiến ta thuở bé thơ phải nhảy cẫng lên thích thú - Ảnh 2.

Bánh phục linh được làm từ bột năng, bột mì, nước cốt dừa, đường và thêm tí lá dứa hoặc củ dền để nhuộm màu và có mùi thơm. Bánh trông “nhàm”, nhưng lại có cách làm hết sức công phu. Bột mì tinh được rang trên chảo cho đến khi chín, người thợ nào có kinh nghiệm một tí sẽ cho thêm vào vài miếng lá dứa cắt sẵn. Làm vậy thì bột sẽ thơm, và khi lá khô thì cũng biết là đến lúc nhấc chảo xuống. Bột chín được trộn với nước cốt dừa và các màu nhuộm thực phẩm từ lá dứa, củ dền, củ nghệ… Mỗi khâu nhuộm màu thôi cũng rất phức tạp rồi. Bột được trộn sao cho thật tơi, làm sao phải đủ ẩm để nén thành khối mà không vỡ, lại đủ khô để không bị “chèm nhẹp”. Ai không khéo tay một tí thì bánh vừa lấy ra khỏi khuôn là vỡ nát, hay trộn quá tay mà thành luôn… bánh trôi nhí.

Miền Tây có chiếc bánh chán òm nhưng vẫn khiến ta thuở bé thơ phải nhảy cẫng lên thích thú - Ảnh 3.

Bánh phục linh bảo đơn giản thì đúng, nhưng bảo cầu kì thì cũng chẳng sai chút nào.

Vì thế nên mới nói, bánh Phục Linh bảo đơn giản thì đơn giản thật, nhưng bảo cầu kì cũng không nói quá chút nào. Những ai chưa bao giờ làm thử hay chứng kiến người ta làm, sẽ không bao giờ đoán được một chiếc bánh bột đơn giản vậy mà lại ẩn chứa sự phức tạp cũng như yêu cầu kỹ thuật cao.

Bánh phục linh có thể được ăn vào bất kì thời điểm nào trong năm, song phổ biến nhất chắc phải gần gần dịp Tết. Bàn thờ cúng tổ tiên của người miền Tây rất hay có mấy loại bánh xanh xanh đỏ đỏ đẹp mắt, mà bọn trẻ con thời đó thì hay chực chờ xung quanh xem khi nào thì cúng xong để được ăn những chiếc bánh ấy. Bánh Phục Linh là một trong số những món đáng mong chờ thuở đó.

Bánh Phục Linh là một trong những món quà vặt hết sức đáng mong chờ ngày xưa.

Ngoài ra thì bánh Phục Linh cũng là một món “nhấm trà” thường thấy của người miền Tây xưa. Bây giờ thì hơi hiếm, nhưng những vùng sâu trong nông thôn thì các cụ ông cụ bà vẫn giữ thói quen này. Chủ yếu là vì bánh Phục linh ăn khô thì hơi dính miệng, do có bột năng mà, nên nếu uống thêm ngụm trà thơm ấm vào thì bột bên trong sẽ tan ra, thơm mùi lá dứa, quyện với mùi trà sen hoặc trà lài, đích thị là trải nghiệm hết sức khó quên.