Mẹ lặng lẽ ôm tro cốt con về quê ngày giáp Tết: "Chuyến đi cuối cùng rồi, phải không?"

Lan Chi, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 22:54 31/01/2022

Nhìn người mẹ gầy còm, tiều tụy ôm balo chứa tro cốt đứa con trai bước đi xiêu vẹo trong bóng chiều hoàng hôn trên sân ga Sài Gòn ngày cuối năm, ai cũng xúc động, thương cảm.

Một ngày giáp Tết, anh Trương Công Trà (nhân viên tàu SE8 thuộc Đoàn Tiếp Viên Đường Sắt Phương Nam) vừa hoàn thành chuyến tàu chở khách ra Bắc thì nhận được điện thoại: "Trà ơi! Em và mọi người xem giúp Huệ với. Bệnh viện họ thông báo không liên lạc được với người nhà, còn ở trong đó không ai chăm sóc Huệ cả. Chị cũng là người trong làng không họ hàng bà con thân thích gì với Huệ cả...".

Ngồi co ro trong chăn, dưới cái lạnh cắt da của miền Bắc, Trà chỉ kịp hỏi: "Huệ là ai rứa chị?".

Huệ được mô tả qua vài lời vắn tắt: Một thanh niên quê Quảng Bình, lớn lên trong gia đình nghèo khó. Anh bị kẹt lại Sài Gòn và đang đối mặt với "cơn bão" hậu Covid-19. Chẳng nghĩ ngợi nhiều, Trà nhấc máy lên và liên hệ gần chục người, ở Quảng Bình lẫn Sài Gòn.

Tình đồng hương lặng lẽ

"Thằng Huệ nó vừa hiền, vừa ngoan...", bà Nguyễn Thị Tuy (SN 1959, mẹ của Huệ) nghẹn ngào nói. Chồng mất sớm, bà Tuy một mình nuôi 2 con khôn lớn. Căn nhà của gia đình bà Tuy nằm heo hút cuối thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Bà Tuy tàn tật và đau ốm liên miên. Khi con gái đầu của bà Tuy lấy chồng ở Thanh Hóa, Huệ cũng vào Sài Gòn lập nghiệp.

Hai tháng trước, em nhiễm Covid-19 và phải điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi có kết quả âm tính, phổi của Huệ vẫn bị tổn thương nặng nề và nguy kịch.

Sống một mình tại thành phố cách quê hương gần nghìn cây số, Huệ cô đơn chiến đấu với bệnh tật. Khi bệnh viện thông báo, những người đồng hương Quảng Bình đã liên kết lại để giúp đỡ em, trong đó có anh Trà.

Mẹ lặng lẽ ôm tro cốt con về quê ngày giáp Tết: Chuyến đi cuối cùng rồi, phải không? - Ảnh 1.

Anh Công Trà và bà Nguyễn Thị Tuy

Anh Trà chia sẻ: "Bản thân tôi mồ côi cha từ nhỏ, nên tôi thấu hiểu được sự vất vả, nhọc nhằn của những người mẹ nông dân phải chắt chiu gồng gánh nuôi con.

Khi nghe qua hoàn cảnh của mệ Tuy và em Huệ, trong đầu tôi tái hiện lên ký ức ngày xưa của gia đình. Tôi may mắn có sự cưu mang, đùm bọc giúp đỡ của bà con, lối xóm, những thầy cô đồng nghiệp, đồng đội của bố tôi hết lòng giúp đỡ dẫn dắt anh em tôi vượt qua được giông bão của cuộc đời để có ngày hôm nay.

Người quê tôi vất vả, lam lũ nắng mưa, trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc và thiên tai dữ dội. Nhưng, họ vẫn âm thầm chịu đựng, lặng lẽ với nắng mưa biến cố theo mùa để mưu sinh.

Ngay sau đó, tôi liên hệ với bác sĩ Nguyễn Xuân Thành hiện đang công tác tại BV 175, cũng là một người con Quảng Bình. Chúng tôi kết nối và nhận được tin Huệ bị bệnh viêm phổi rất nặng, phải thở máy, cơ thể suy nhược trầm trọng bởi hậu Covid-19".

Mẹ lặng lẽ ôm tro cốt con về quê ngày giáp Tết: Chuyến đi cuối cùng rồi, phải không? - Ảnh 2.

Nhà bà Tuy tại Quảng Bình

Ngay sau khi nhận được tin con trai bệnh nặng, bà Tuy được hàng xóm gom góp, ủng hộ tiền để mua chiếc vé tàu SE7 tại ga Minh Lệ (Quảng Bình). 16 giờ chiều ngày 13/12, bà tức tốc khăn gói lên đường. Cả đời lam lũ, chưa bước ra khỏi lũy tre làng, Sài Gòn có lẽ là chuyến đi xa nhất trong cuộc đời bà Tuy.

Bà Tuy nhìn thấy Huệ khi em đang nằm co ro trên giường bệnh. Nước mắt bà chảy thành hàng, lã chã rơi. Huệ thở yếu ớt, nhưng em vẫn nở nụ cười mãn nguyện khi thấy mẹ. Trong suốt quá trình đồng hành cùng mẹ con Huệ, anh Trà đã quyên góp được tiền từ mạnh thường quân, đồng hương để mẹ con em trang trải viện phí.

Dù nỗi lo chi phí đã vơi được phần nào, nhưng trái tim của bà Tuy vẫn bị bóp nghẹt khi hơi thở của Huệ ngày một yếu dần. Bác sĩ khẽ khàng nói với bà: "Xin vào gặp mặt cháu lần cuối...".

Bà Tuy khóc như một đứa trẻ.

16 giờ chiều ngày 25 Tết, Huệ trút hơi thở cuối cùng.

"Huệ của mệ Tuy"

"Lúc Huệ qua đời, bà Tuy gọi cho tôi và khóc. Bà không biết phải làm sao, thủ tục gì, đồ đạc của con làm sao... Hàng trăm, hàng nghìn nỗi âu lo cứ vây lấy bà. Bà là một người phụ nữ thuần nông, đôn hậu và chất phác. Tôi hiểu không gì bằng nỗi đau mất con cả...", anh Trà nói.

Mọi năm, cứ dịp cận Tết, bà Tuy lại đứng ngồi không yên để ngóng trông Huệ về nhà. Căn nhà ọp ẹp nhưng tràn đầy hạnh phúc mỗi khi có tiếng nói cười của hai mẹ con.

"Tết của chúng tôi đơn giản lắm, có gì ăn đó. Huệ là một đứa hay lam, hay làm chẳng bao giờ ăn chơi gì cả. Hắn chỉ mới vào Sài Gòn được vài tháng thì mắc bệnh. Giờ thì Tết chẳng còn hắn nữa", bà Tuy nghẹn ngào. 13 triệu đồng được anh Trà gom góp lại từ các mạnh thường quân, giao cho bà Tuy.

Mẹ lặng lẽ ôm tro cốt con về quê ngày giáp Tết: Chuyến đi cuối cùng rồi, phải không? - Ảnh 3.

Bà Tuy (giữa) nhận tiền từ mạnh thường quân để về quê

Anh Trà cũng đứng ra lo liệu thủ tục từ bệnh viện đến nhà ga để hai mẹ con được trở về nhà. Anh nói: "Mùa giáp Tết, ở ga ai cũng bận rộn. Bản thân tôi cũng không có thời gian ăn uống nữa. Nhưng, tôi không thể bỏ qua hai mẹ con Huệ. Nhìn họ, tôi thấy thương cảm vô cùng. Tết là dịp để mọi người đoàn viên, sum họp. Huệ đã không còn, tôi chỉ muốn giúp đỡ đưa em ấy về với đất mẹ mà thôi".

Bà Tuy nắn nót viết từng chữ vào đơn gửi Bệnh viện 175. Nhận con trai trên tay, bà Tuy nghẹn ngào. Nén nỗi đau trong lòng, bà Tuy đã gửi lời cảm ơn đến tất cả những đồng hương đã giúp đỡ mẹ con bà trong những ngày khó khăn, cùng cực nhất.

Mẹ lặng lẽ ôm tro cốt con về quê ngày giáp Tết: Chuyến đi cuối cùng rồi, phải không? - Ảnh 4.

28 Tết, bà Tuy về đến quê nhà

Anh Trà cho biết: "Tôi đưa bà Tuy lên tàu, nói lời tạm biệt rồi rời đi. Lúc đó, bà đã khóc nhiều. Nhìn hình ảnh người mẹ gầy còm, tiều tụy ôm balo chứa tro cốt đứa con trai bước đi xiêu vẹo trong bóng chiều hoàng hôn trên sân ga Sài Gòn ngày cuối năm, ai trong chúng tôi cũng xúc động, thương cảm".

Huệ của mệ Tuy đã mãi mãi khép lại tuổi 27. Chuyến tàu SE4 lăn bánh, bà Tuy vẫn ôm chặt con không rời cùng câu hỏi khẽ: "Chuyến đi cuối cùng rồi, phải không Huệ?"...

https://soha.vn/me-lang-le-om-tro-cot-con-ve-que-ngay-giap-tet-chuyen-di-cuoi-cung-roi-phai-khong-20220131145139255.htm