Mark Zuckerberg khởi động ‘cỗ máy kiếm tiền’ bị bỏ quên: Là ứng dụng 22 tỷ USD phục vụ 2 tỷ người mỗi ngày, sẽ mang về cho Meta 10 tỷ USD/năm

Vũ Anh, Theo markettimes.vn 13:08 11/12/2024
Chia sẻ

Mark Zuckerberg đang coi đây là 'trụ cột' của Meta.

Khoảng 1.000 giám đốc điều hành đã xuất hiện tại sự kiện đặc biệt. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về Sabharwal, người phụ nữ 32 tuổi sở hữu doanh nghiệp đồ gốm Shivika Pottery Gallery phát triển thành công nhờ ứng dụng WhatsApp của Meta.

Đứng trên sân khấu cùng với cha và đối tác kinh doanh của mình, Sabharwal chia sẻ cách cô thành lập công ty của mình tại nhà riêng ở ngoại ô Delhi. Trong những ngày đầu, cô quảng cáo từ tài khoản WhatsApp, sau đó chuyển sang WhatsApp Business khi việc kinh doanh phát triển thuận lợi.

Mark Zuckerberg khởi động ‘cỗ máy kiếm tiền’ bị bỏ quên: Là ứng dụng 22 tỷ USD phục vụ 2 tỷ người mỗi ngày, sẽ mang về cho Meta 10 tỷ USD/năm- Ảnh 1.

Sabharwal đã sử dụng ứng dụng này để chạy quảng cáo trên Instagram và Facebook, cho phép người dùng bắt đầu trò chuyện với cô trên WhatsApp. Ứng dụng hữu ích đến nỗi có tháng, Sabharwal phải tổ chức tới 30 lớp học làm gốm.

Doanh nghiệp của Shivika chỉ là một phần nhỏ trong hệ mặt trời lớn hơn của các dịch vụ, tính năng kết nối tạo nên WhatsApp. Những người tham dự hội nghị cũng tìm hiểu về hệ thống giao thông công cộng Bengaluru, hiện cho phép mọi người mua vé tàu trên WhatsApp và Max Life, một công ty bảo hiểm lớn của Ấn Độ sử dụng WhatsApp để dịch sản phẩm sang 7 ngôn ngữ.

WhatsApp là ứng dụng nhắn tin được sử dụng rộng rãi nhất thế giới với 2 tỷ người dùng hàng ngày. Họ gửi hơn 100 tỷ tin nhắn mỗi ngày bằng 60 ngôn ngữ trên 180 quốc gia. Khoảng 400 triệu người dùng trong số đó ở Ấn Độ, thị trường lớn nhất của WhatsApp.

WhatsApp ban đầu đạt được sự thống trị toàn cầu phần lớn nhờ cho phép nhắn tin giá rẻ, riêng tư và đáng tin cậy trên hầu hết mọi thiết bị điện thoại. Nhưng trong thập kỷ kể từ khi Meta mua lại WhatsApp với giá 22 tỷ USD vào năm 2014, ứng dụng này đã chuyển đổi từ một công cụ tiện ích tập trung thành một loại siêu ứng dụng với đủ mọi thứ trên đời.

Tại các quốc gia như Ấn Độ, Brazil, Mexico và Indonesia, WhatsApp hiện cũng là nơi lên lịch hẹn khám bệnh và thực hiện các giao dịch bất động sản. Tại Brazil, gã khổng lồ mỹ phẩm L'Oréal hiện kiếm được trung bình 25% doanh số bán hàng trực tuyến trực tiếp từ người tiêu dùng trên WhatsApp.

Thời gian gần đây, WhatsApp tích cực thu hút các doanh nghiệp lớn vào bộ sản phẩm nhắn tin trả phí. Mục tiêu không gì khác ngoài việc đưa “mọi doanh nghiệp trên thế giới lên nền tảng này”, theo Nikila Srinivasan, giám đốc sản phẩm nhắn tin doanh nghiệp của Meta. Trong sự kiện ở Mumbai, công ty thông báo sẽ sớm bắt đầu thực hiện chuyến tham quan thực tế đến các thành phố nhỏ trên khắp Ấn Độ để đưa các doanh nghiệp địa phương lên ứng dụng.

Một thập kỷ trước, WhatsApp ra đời dưới bàn tay thiết kế của Jan Koum và Brian Acton. Đây là ứng dụng miễn phí và an toàn, giúp người dùng dễ dàng trao đổi tin nhắn với bạn bè, gia đình mà không phải lo gián đoạn kết nối mạng như khi với iMessage.

Sau vài năm, WhatsApp nhanh chóng phát triển với hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Điều này đã thu hút sự chú ý của Zuckerberg - người xuống tiền mua lại WhatsApp vào năm 2014 sau khi nhận được lời đề nghị từ Google và công ty Internet Trung Quốc Tencent.

Đối với Meta, WhatsApp đại diện cho một cơ hội rộng lớn và phần lớn chưa được khai thác. Không có gì ngạc nhiên khi Mark Zuckerberg bắt đầu gọi WhatsApp là “trụ cột chính tiếp theo”, với doanh thu dự kiến hàng năm đạt 10 tỷ USD. Tuy nhiên, để điều đó trở thành sự thật, Meta sẽ cần biến đây trở thành nơi mà các doanh nghiệp trên thế giới muốn chi tiền mà không phải hy sinh quyền riêng tư.

WhatsApp, ra mắt năm 2009, là sản phẩm ưu tiên thiết bị di động thu hút khoảng nửa tỷ người dùng chỉ trong 5 năm. Nhiều người trong số lần đầu tiên trải nghiệm internet trên điện thoại di động. WhatsApp làm được như vậy bằng cách cung cấp giải pháp thay thế rẻ tiền cho mức giá SMS cao ngất ngưởng mà một số công ty độc quyền viễn thông vẫn tính phí. Thay vì phải trả tiền cho mỗi tin nhắn gửi đi, người dùng WhatsApp chỉ phải trả 1 USD/năm cho các tin nhắn không giới hạn. Chừng đó, cùng khoản đầu tư hạt giống 250.000 USD đã đủ để WhatsApp duy trì hoạt động tài chính cho đến khi huy động được 60 triệu USD từ Sequoia Capital.

“Chúng tôi đã cố gắng tiếp cận mọi người dùng, ở mọi nơi, trên mọi nền tảng”, Chris Peiffer, một trong những người đầu tiên được WhatsApp tuyển dụng và từng làm việc tại Đại học Stanford chia sẻ với Rest of World. Anh nhớ lại cảnh đi bộ đường dài đến vùng sóng yếu trên những ngọn đồi gần Mountain View để kiểm tra độ bền của WhatsApp với băng thông hạn chế.

WhatsApp nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu, giúp người dùng trao đổi 10 tỷ tin nhắn mỗi ngày trên toàn thế giới vào năm 2012. “WhatsApp đã đi trước chúng ta về nhắn tin giống như cách Instagram đi trước chúng ta về ảnh”, Zuckerberg đã viết vào tháng 4 năm 2012.

“Điều chúng tôi nhận ra là khi mọi người sử dụng WhatsApp để trò chuyện với bạn bè và gia đình. Họ cũng dần sử dụng ứng dụng này để trò chuyện với cộng đồng địa phương xung quanh, tức là các doanh nghiệp địa phương”, Srinivasan, giám đốc sản phẩm nhắn tin doanh nghiệp của Meta, chia sẻ.

Đối với Shauravi Malik, đồng sáng lập Slurrp Farm, con đường tiếp thị và bán hàng trên WhatsApp bắt đầu từ rất sớm. Gần 6 năm trước, theo gợi ý của một trong những nhà đầu tư, cô đã thêm số WhatsApp vào bao bì đồ ăn nhẹ. Nền tảng chính là cách thiết yếu để tiếp cận nhóm mẹ bỉm - khách hàng chính của Slurrp Farm.

Theo Malik, khoảng 25% doanh số bán hàng trực tiếp hiện diễn ra trên WhatsApp. Có khả năng mọi người mua sản phẩm sau khi trò chuyện với nhóm dịch vụ khách hàng của Slurrp Farm.

“Họ là điểm tiếp xúc gần nhất với người tiêu dùng và phù hợp với người tiêu dùng”, cô cho biết.

Theo Nikila Srinivasan, phó chủ tịch quản lý sản phẩm của Meta, công ty đang xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán và hợp tác với các doanh nghiệp ở Ấn Độ, Brazil và Singapore để cho phép người dùng thanh toán mua hàng trực tiếp trên WhatsApp. Hiện hơn 200 triệu doanh nghiệp đang sử dụng các ứng dụng kinh doanh chuyên nghiệp của WhatsApp. 

Theo Giám đốc vận hành WhatsApp Idema, không thể phủ nhận rằng WhatsApp đã mất quá nhiều thời gian để trở thành một phần quan trọng trong bức tranh tài chính Meta. Ông cho biết việc thúc đẩy xây dựng hoạt động kinh doanh của ứng dụng hiện là “việc bắt buộc phải làm”.

Trước đó, Meta từng công khai ủng hộ WhatsApp thông qua một hội thảo. Zuckerberg là diễn giả, khuyến khích các doanh nghiệp dùng WhatsApp, đồng thời cam kết đang thúc đẩy ứng dụng trở thành một nền tảng nhắn tin an toàn hơn cả iMessage. Ai nấy sau đó đều kỳ vọng các tính năng mới có thể sẽ biến WhatsApp thành một siêu ứng dụng như WeChat của Trung Quốc.

“Có nhiều thứ về WeChat mà chúng tôi có thể học hỏi”, ông Idema nói.

Theo: Rest of World, The NY Times

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày