Lùm xùm chuyện HS có chứng chỉ quốc tế sau 3 ngày "ôn luyện"

TÂM AN, Theo PHÁP LUẬT TP HCM 13:51 21/05/2019

Cô T. cho hay nhiều học sinh (HS) học tiếng Anh rất yếu, thậm chí có nguy cơ rớt tốt nghiệp vì học kém môn này nhưng vẫn thi đậu chứng chỉ quốc tế.

Mới đây, cô T. (một giáo viên công tác tại một trường THCS trên địa bàn quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã gửi đơn tố cáo đến Sở GD&ĐT và Công an TP Đà Nẵng về những bất thường xung quanh việc thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (CCNNQT) của HS thời gian qua tại Đà Nẵng.

Đây được xem là một trong những lý do khiến địa phương này đột ngột quyết định bỏ thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020.

Lùm xùm chuyện HS có chứng chỉ quốc tế sau 3 ngày ôn luyện - Ảnh 1.

Nội dung đơn tố cáo của cô T.

Theo đó, cô T. cho hay khoảng đầu tháng 5 - 2019, có gần 100 HS khối 9 ở trường cô công tác nộp chứng chỉ tiếng Anh TOEFL Junior và TOEFL ITP để được xét miễn thi ngoại ngữ, trong đó đa số chứng chỉ được cấp bởi Trung tâm I. Tuy nhiên, qua rà soát, cô nhận thấy phần lớn HS trong số này có điểm tổng kết tiếng Anh dưới 8 điểm, nhiều em dưới 5 điểm, thậm chí có nguy cơ rớt tốt nghiệp vì yếu môn tiếng Anh mà vẫn có chứng chỉ quốc tế.

"Đây là điều rất ngạc nhiên vì kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không hề đơn giản và tổ chức rất nghiêm ngăt. Giáo viên tiếng Anh đi thi có khi còn rớt như sung, không hiểu sao học sinh đi thi lại đậu nhiều như nấm như vậy" - cô T. nói.

Lùm xùm chuyện HS có chứng chỉ quốc tế sau 3 ngày ôn luyện - Ảnh 2.

Đơn trình bày của một trong những HS tham gia lớp học của thầy M

Cô T. cho hay, trong bản tường trình, một số HS cho biết các em được một giáo viên tiếng Anh tên N.V.M ở quận Ngũ Hành Sơn chiêu sinh ôn tập siêu tốc tiếng Anh trong vòng 3 buổi, giá 2 triệu đồng cùng 900 ngàn đồng lệ phi thi với cam kết đỗ TOEFL 100%. Sau khi học xong, các em được Trung tâm I. (trụ sở tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng ) tổ chức thi và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

“Ông M. đã cho các em một số đáp án đánh trắc nghiệm để làm bài thi. Hơn nữa, quá trình thi, các em đều có thể dễ dàng trao đổi, chỉ bày lẫn nhau cùng làm bài. Đáng chú ý, ngày 7-4, trung tâm này đã mượn một trường học ở quận Hải Châu để tổ chức thi cho hơn một ngàn thí sinh. Các em học sinh cho biết mỗi phòng thi có 2 giám thị, đến giờ thi thì giám thị ra hành lang ngồi, tạo điều kiện cho các em thoải mái chép bài nhau. Kết quả là tất cả HS tại lớp ông M. đều đạt chứng chỉ Toefl như đã được cam kết” – cô T. nói và đề nghị cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ, trả lại sự trong sạch cho ngành giáo dục TP.

Đại diện Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết sau khi nắm sự việc trên, Sở đã cho rà soát các chứng chỉ mà các trường THCS nhận được nhằm quy đổi điểm vào kỳ thi lớp 10 môn ngoại ngữ. Trong gần 2.400 chứng chỉ nộp về thì đến hơn 60% học sinh có học lực môn tiếng Anh từ khá, trung bình và yếu.

"Một HS xếp loại yếu ngoại ngữ lại được điểm 9-10 trong kỳ thi tuyển sinh thì bất công với các trường hợp khác. Chính vì vậy, sở cho rằng các chứng chỉ quốc tế kia có thể chưa bảo đảm nên quyết định bỏ thi môn ngoại ngữ và không quy đổi điểm trong kỳ thi lớp 10 năm nay" - vị này nói. 

Sở cũng cho biết sẽ tiến hành thanh tra toàn diện việc dạy tiếng Anh trên địa bàn TP ngay khi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 kết thúc. Nói về hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ I., lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết trung tâm này có giấy phép của Bộ GD-ĐT. Từ tháng 2-2019 đến nay, trung tâm I. đã cấp hơn 2.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Trong diễn biến khác, Tổ chức giáo dục IIG - đại diện chính thức và duy nhất của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) mới đây đã lên tiếng khi có thông tin cho rằng đơn vị này có liên quan đến sự việc trên. Theo đó, IIG Việt Nam khẳng định không tổ chức đào tạo tại Đà Nẵng và không cam kết kết quả thi và điểm số cho học sinh với bất kỳ giáo viên hay trung tâm ngoại ngữ nào.

Trước đó, trả lời PLO, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết việc đưa ra quyết định bỏ thi ngoại ngữ trong kỳ thi lớp 10 là giải pháp cực chẳng đã. “Đây là giải pháp tối ưu nhất trong bối cảnh không thể làm khác được. Nếu mọi việc diễn ra bình thường thì không ai chọn giải pháp này cả” - ông Chinh nói.

Về việc trung tâm tổ chức thi chứng chỉ cho hơn 1000 HS có vấn đề, ông Chinh cho biết TP sẽ không bỏ qua vụ việc trên. “Vụ việc này còn đó nhưng thời điểm hiện nay là phải tập trung cho kỳ thi. Phương án mà TP, Sở đưa ra cũng đã tính toán rất kỹ để ít tác động nhất đến các em HS và mình cũng rất chia sẻ với những bức xúc của phụ huynh. Nhưng đặt trên tổng thể của cả TP thì phải xử lý như thế, vì không còn phương pháp nào tối ưu hơn”.

Trong khi đó, bà Lê Thị Bích Thuận, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, đã thay mặt ngành giáo dục Đà Nẵng gửi lời xin lỗi tới các phụ huynh, HS và các giáo viên vì sự thay đổi đột ngột trên.