Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 25 người chết và mất tích: Nhấc từng tấm gỗ tìm người thân

Nhóm Phóng Viên, Theo Gia đình & xã hội 14:31 26/06/2018

Hình ảnh hai mẹ con bị những xà nhà bằng gỗ đổ sập, người đầy bùn đất, ngâm mình trong dòng lũ khiến người thân khóc nghẹn khi tìm thấy.

Mưa lũ trong những ngày qua đã khiến nhiều địa bàn các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai bị nước lũ, đất đá sạt lở cô lập. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các địa phương miền núi phía Bắc, lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại ước tính trên 110 tỉ đồng.

Mưa bão cướp đi sinh mạng của 14 người (Hà Giang: 3 người chết do sập nhà; Lai Châu: 11 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá); 10 người mất tích ở Lai Châu do lũ cuốn trôi, sạt lở đất và 7 người bị thương.

Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 25 người chết và mất tích: Nhấc từng tấm gỗ tìm người thân - Ảnh 1.

Mưa lớn khiến TP Hà Giang chìm trong biển nước. Ảnh: Trung Kiên

Lũ lớn cũng khiến hàng trăm ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 47 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi (Hà Giang: 16; Lai Châu: 7; Thái Nguyên: 24); 264 nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp.

Tại Hà Giang, nước đã rút. Hàng nghìn bộ đội cùng người dân dọn vệ sinh, quét bùn ở trung tâm thành phố. Thành phố Hà Giang, Quản Bạ và Vị Xuyên là ba nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở tỉnh này với gần 1.000 nhà bị ngập, hư hỏng. Các cửa xả thủy điện Sông Lô 2, 4 vẫn mở với lưu lượng hơn 1.000 m3/s.

Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, có 391ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (Hà Giang 70ha; Lai Châu: 214ha), hàng chục ao cá cao cấp (tầm, hồi) của dân bị vỡ, cá trôi dạt khắp nơi gây thiệt hại nhiều tỉ đồng. Một chủ đầm cá tại Lai Châu hiện nay vẫn đang mất tích.

Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 25 người chết và mất tích: Nhấc từng tấm gỗ tìm người thân - Ảnh 2.

Mưa lũ kinh hoàng nhấn chìm nhiều nhà cửa.

Về giao thông, các tuyến đường quốc lộ 4D, 279 từ Lào Cai đi Lai Châu bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc giao thông. Một số tuyến đường tỉnh lộ thuộc Lai Châu bị sạt lở còn gây tắc nghẽn giao thông: Tỉnh lộ 128 đoạn Chăn Nưa - Sìn Hồ qua xã Làng Mô; đường Làng Mô - Tủa Sín Chải; đường Mường Mô - Mường Tè.

Có lẽ, vụ sạt lở đất xảy ra ở bản Nậm Há 1 (xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, Lai Châu) là tang thương nhất khiến 5 người bị vùi lấp, trong đó có 3 trẻ em.

Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 25 người chết và mất tích: Nhấc từng tấm gỗ tìm người thân - Ảnh 3.

QL32 đoạn qua xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) bị mưa lũ cắt đứt. Ảnh: Quang Thiệu

Ông Lò Văn Xương, Phó chủ tịch UBND xã Noong Hẻo cho biết: Sự việc xảy ra khoảng 15 giờ ngày 24/6. Chính quyền nhận được tin báo xảy ra sạt lở đất trên nương ruộng tại bản Nậm Há. Qua xác minh, 5 người mất tích dưới cả ngàn mét khối đất đá là chị Lò Thị Đấng (36 tuổi), ông Lò Văn Phìn (48 tuổi) và 3 cháu nhỏ Lò Văn Dũng (14 tuổi), Lò Văn Kiếm (14 tuổi) và Lò Thị Tăm (12 tuổi).

Anh Nguyễn Tiệp là 1 hướng dẫn viên du lịch đã có mặt tại huyện Quản Bạ, Hà Giang đúng thời điểm mưa lũ. Dù đã đến vùng đất cao nguyên đá rất nhiều lần, nhưng chưa bao giờ anh chứng kiến cận cảnh cơn lũ quét kinh hoàng đến thế.

Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 25 người chết và mất tích: Nhấc từng tấm gỗ tìm người thân - Ảnh 4.

Những hình ảnh tang thương sau trận mưa lũ kinh hoàng, vì không kịp di dời, rất nhiều người dân đã phải bỏ mạng.

Trong loạt hình ảnh được anh Tiệp ghi lại, đó là hình ảnh 1 em bé tử vong dưới những xà nhà bằng gỗ đổ sập, người đầy bùn đất; người mẹ của em, cũng bị gỗ đè, ngâm mình trong dòng lũ. Sự việc đến bất ngờ chỉ trong gang tấc đã cướp đi những mạng người vô tội.

Với anh Tiệp, ám ảnh nhất có lẽ là tiếng người dân nơi đây gọi tên người thân đã mất của mình. Nỗi đau ấy quá lớn, họ dầm mình trong mưa vừa nhấc từng khối gỗ vừa gọi tên người thân mình vừa thiệt mạng.

Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 25 người chết và mất tích: Nhấc từng tấm gỗ tìm người thân - Ảnh 5.

Bộ đội tìm kiếm 5 người bị sạt lở đất ở xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ, Lai Châu). Ảnh: Hoàng Anh

Trực tiếp chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 880 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu, cho biết giao thông đến xã bị cô lập. 30 cán bộ, chiến sĩ phải đi bộ khoảng 20 km để đến bản Nậm Há và tiếp tục đi thêm 4 km mới vào đến hiện trường nơi các nạn nhân bị vùi lấp.

Ước tính khối lượng đất đá sạt lở khoảng 1.000 m3 nhưng công tác lực lượng tìm kiếm cứu nạn chỉ sử dụng cuốc, xẻng đào bới chứ không có cách nào đưa máy móc vào hiện trường.

Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 25 người chết và mất tích: Nhấc từng tấm gỗ tìm người thân - Ảnh 6.

Một ô tô bị dòng lũ cuốn trôi.

Được biết, huyện vùng cao Sìn Hồ là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về người trong đợt mưa lũ lần này, khi đến nay đã ghi nhận có 14 người chết và mất tích, nguyên nhân đa phần do bà con bất cẩn đi nương hoặc qua suối khi trời có mưa to. Đây cũng là địa phương có lượng mưa lớn nhất tỉnh, gần 500mm trong 36 giờ qua. Chính vì vậy, nhiều tuyến đường liên xã, liên bản không còn lưu thông được, nhiều bản làng bị cô lập.

Bản Nậm Cầy, xã Sà Dề Phìn có hơn 20 hộ dân sinh sống. Do đường giao thông bị sạt lở chưa thể khắc phục được, nên 3 ngày qua người dân phải cậy nhờ nguồn trợ cấp mì tôm và nước uống từ chính quyền địa phương.

Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 25 người chết và mất tích: Nhấc từng tấm gỗ tìm người thân - Ảnh 7.

Công an huyện Sìn Hồ giúp người dân bản Hoàng Hồ di dời đồ đạc khỏi vùng ngập lụt. Ảnh: Bùi Chiến

Thông tin từ Văn phòng UBND huyện Mường Tè cho biết, đến nay địa phương vẫn bị cô lập với bên ngoài bởi tuyến đường Quốc lộ 4H và Tỉnh lộ 127 xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Hết các tuyến đường liên xã, liên bản cũng bị chia cắt.

Việc liên lạc của người dân các bản về trung tâm xã hoặc huyện giờ đây hầu như chỉ bằng điện thoại. Tuy nhiên, do địa phương làm tốt công tác tuyên truyền dự phòng lương thực, thực phẩm tại chỗ nên cuộc sống của bà con hiện vẫn tạm ổn định.

Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 25 người chết và mất tích: Nhấc từng tấm gỗ tìm người thân - Ảnh 8.

Nhà của người dân bị nước lũ bao vây.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng cho biết, lực lượng chức năng của tỉnh vẫn đang cố gắng tìm kiếm những người bị mất tích do mưa lũ.

Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu đã có công văn chỉ đạo các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, di dời khẩn cấp đối với các hộ dân ở nơi có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, lũ ống. Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình người gặp nạn, nắm tình hình, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 25 người chết và mất tích: Nhấc từng tấm gỗ tìm người thân - Ảnh 9.

Cán bộ vận động một số hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao tại bản Tân Muôn (thị trấn Tân Uyên) ra khỏi vùng xảy ra sạt lở.

Theo ông Quảng, dự báo trong 2 - 3 ngày tới vẫn mưa và nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất rất cao, các hộ dân cần được di dời đến nơi an toàn.

Thủ tướng chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 25/6, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc tập trung tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ.

Thủ tướng đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng và yêu cầu UBND các tỉnh và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư; Cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các điểm nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy siết…

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày