"Love, Simon" ơi, xin đừng cố bình thường hóa chuyện đồng tính!

Hiếu Chấy, Theo Trí Thức Trẻ 13:40 09/05/2018

Thay vì trân trọng sự khác biệt và chấp nhận bản thân, những bộ phim như "Love, Simon" vẫn đang khiến người đồng tính phải đi theo “quy chuẩn dị tính” mà xã hội đưa ra.

Love, Simon (Thương Mến, Simon) là phim hài tình cảm (romcom) dành cho tuổi teen với nhân vật trung tâm là cậu học trò Simon băn khoăn giữa việc công bố hay giữ kín giới tính thật của mình. Là phim romcom học đường với nhân vật đồng tính đầu tiên được một studio lớn như 20th Century Fox phát hành, Love, Simon đã chọn hướng đi an toàn là khắc họa một câu chuyện đẹp với dàn diễn viên tươi tắn. Tuy nhiên gạt đi những lấp lánh của một chuyện tình học đường, có nhiều thứ để nói hơn về Love, Simon.

Love, Simon ơi, xin đừng cố bình thường hóa chuyện đồng tính! - Ảnh 1.

Trong bộ phim, nhân vật được coi là "gay nhất" không phải một Simon nam tính mà chính là Ethan – một cậu bé da đen điệu đà, luôn luôn đối đầu những kẻ bắt nạt và luôn là hình tượng nổi lên trong đầu người khác như một cái khuôn mẫu của người đồng tính.

Khi "bình thường" trở thành quy chuẩn của xã hội

Sự đối nghịch giữa Simon và Ethan trở nên nổi bật nhất trong một cảnh phim, khi hai người bị hai kẻ bắt nạt đóng giả và diễn những hành động khiếm nhã trong nhà ăn như hai tên hứng tình. Simon chạy tới, sẵn sàng đánh lộn để ngăn chặn mọi thứ, trong khi Ethan dường như chỉ ngán ngẩm: đây đã là một trò chế nhạo đã quá quen thuộc bấy lâu nay. Sau khi mọi chuyện được giải quyết, Simon nói với Ethan: "Chỉ vì tớ come out (thú nhận xu hướng tính dục) mà chuyện này xảy ra với cậu". Nếu như Simon quyết định "ở ẩn" như bấy lâu, anh chàng sẽ yên ổn suốt mấy năm cấp ba, và kẻ duy nhất bị lôi ra làm trò đùa vẫn chỉ là Ethan.

Love, Simon ơi, xin đừng cố bình thường hóa chuyện đồng tính! - Ảnh 3.

Nhân vật Ethan.

Trong một bộ phim với nhân vật chính là gay (nhưng không "quá gay"), những cá tính như Ethan vẫn còn bị coi nhẹ. Tương tự như thế, tất cả các "Ethan" khác ngoài đời thực cũng đang trải qua sự gièm pha và trêu chọc hàng ngày. Cậu bé không thể đơn giản "giấu" đi sự đồng tính của mình, như cái cách mà Simon – đẹp trai, nam tính, hình thể ổn, da trắng – vẫn làm trước đó. Simon dành quá nhiều thời gian để lo lắng cho việc bảo vệ bí mật của mình mà không nhìn ra sự mệt mỏi và nỗi đau của những người đồng tính khác, những người mà "bình thường" là một tính từ sự xa xỉ.

Trên tờ New York Times, nhà báo và nhà nhân quyền Jacob Tobia đã viết về cách nhân vật Ethan bị đối xử trong Love, Simon: "Cậu bé là một kẻ bên lề, một nhân vật được đặt vào chỉ để chúng ta thấy Simon nam tính và hấp dẫn đến mức nào".

Love, Simon ơi, xin đừng cố bình thường hóa chuyện đồng tính! - Ảnh 4.

Xuyên suốt bộ phim, người xem có thể thấy cụm từ "bình thường" được thần tượng hóa như thế nào. Trong phiên đoạn mở đầu, Simon sử dụng tính từ này để miêu tả bản thân rất nhiều, như là một cách giấu nhẹm đi chuyện mình đồng tính. "Tôi là gay, nhưng mà tôi vẫn bình thường như mọi người!". Thế nhưng, nếu Simon thực sự "thẳng" giống hệt những người khác, sẽ chẳng có phim để mà xem nữa.

Trong một bài viết cho Times, nhà phê bình Daniel D’Addario đặt ra câu hỏi: "Liệu một bộ phim xoay quanh nhân vật đồng tính nhưng được xây dựng càng "thẳng" càng tốt sẽ trở nên hấp dẫn với một thế hệ trẻ ngày nay? Chúng ta đang nói đến một thế hệ luôn gỡ bỏ những rào cản, hạn chế về giới tính và xu hướng tính dục".

Suy cho cùng, "sự bình thường" không chỉ khiến chúng ta cảm thấy ổn, mà còn có cả sức mạnh về chính trị. "Người đồng tính cũng giống như bao nhiêu người khác" đã trở thành lời kêu gọi cho biết bao chiến dịch, phong trào hướng đến sự bình đẳng trong hôn nhân hay đối xử. Thế nhưng, phải chăng câu nói này chỉ có thể được áp dụng với những cá thể được ưu tiên, có lợi thế về ngoại hình, phong cách hay gốc gác, chứ không phải là những kẻ điệu đà, "bóng mén"?

Love, Simon ơi, xin đừng cố bình thường hóa chuyện đồng tính! - Ảnh 5.

"Mình cũng giống như mọi người" là một lập luận được đưa ra để nhắc rằng Simon, hay bất kì người đồng tính nào, cũng xứng đáng sự tôn trọng và yêu thương bởi sự tương đồng của họ với người dị tính. Và điều này vô tình loại bỏ rất nhiều con người ra khỏi sự bao bọc của tính từ ấy. Chưa bao giờ bộ phim này, hay phần lớn những sản phẩm khác của nền văn hóa đại chúng, nói rằng hãy trân trọng sự khác biệt của mình. Tất cả những gì chúng ta được tiếp xúc đều xây dựng nên một ranh giới của "mức độ đồng tính có thể chấp nhận được", mà mức độ này cũng nằm sát cạnh "sự thoải mái của người dị tính". Simon luôn luôn cố gắng để trở nên bình thường, thay vì thực sự định nghĩa lại "bình thường" và ranh giới của nó.

Tất nhiên, bất kì ai cũng muốn nghe rằng mình phù hợp với số đông, rằng bản thân không phải là điều gì sẽ khiến người khác cảm thấy không thoải mái. Thế nhưng, việc lựa chọn một tiêu chí nhất định nào đó của đại đa số quần chúng và coi đó là chuẩn mực sẽ khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy như chúng đã đi chệch khỏi đường ray và có vấn đề với chính mình.

Love, Simon ơi, xin đừng cố bình thường hóa chuyện đồng tính! - Ảnh 6.

Có hai phần của việc come out: chấp nhận chính bản thân mình, và cho người xung quanh biết.

Cũng giống như rất nhiều tác phẩm khác về người đồng tính (mà gần đây có thể nhắc đến series truyền hình thực tế Queer Eye), Love, Simon quá tập trung vào mối quan hệ của người dị tính và chuyện đồng tính, thay vì mối quan hệ của người đồng tính và chính bản thân họ.

Có hai phần của việc come out: chấp nhận chính bản thân mình, và cho người xung quanh biết. Love, Simon đã miêu tả phần đầu tiên trong một phân cảnh ngắn, khi Simon cố gắng google "cách để ăn mặc như gay" và thử lên một vài bộ quần áo. Phần sau – kể lể với bạn bè, đã ngốn trọn gần 1/3 bộ phim, khi mỗi thành viên trong gia đình và bạn bè của Simon cùng chia sẻ suy nghĩ của bản thân về chuyện cậu là người đồng tính, và rằng họ rất ổn với điều đấy.

Love, Simon ơi, xin đừng cố bình thường hóa chuyện đồng tính! - Ảnh 8.

Mẹ của Simon đã có những câu thoại gây xúc động nhất, rằng bà cảm thấy con trai mình đã phải sống quá lâu với bí mật, và "bây giờ con đã có thể thở phào được rồi."

Đây là một giây phút ngọt ngào của hai mẹ con, và có thể được so sánh với cảnh phim gần cuối của Call Me by Your Name khi hai bố con của Elio trò chuyện. Thế nhưng, cho dù có cảm động đến thế nào, xét cho cùng thì nó vẫn luôn là mô típ của việc một người dị tính "cho phép" một người khác "được đồng tính". Cho dù nhân vật chính của Love, Simon có là ai, thì những người anh hùng của phim chính là những nhân vật dị tính xung quanh Simon luôn luôn yêu thương, chấp nhận cậu bé và bày tỏ sự hào phóng cũng như cởi mở của mình.

Love, Simon ơi, xin đừng cố bình thường hóa chuyện đồng tính! - Ảnh 9.

Nói qua cũng phải nói lại, văn hóa đồng tính (queer culture) vốn đã được phát triển và xây dựng từ rất lâu, với rất nhiều sản phẩm ấn tượng dám vượt qua và bứt phá những rào cản về việc xây dựng hình ảnh người đồng tính. Từ Transparent cho đến Moonlight hay RuPaul’s Drag Race, người đồng tính và văn hóa đồng tính được đẩy về làm trung tâm, và hành trình của người đồng tính trong việc tìm kiếm chính mình cũng được coi trọng hơn. So với những tác phẩm kể trên, sự nhẹ nhàng của Love, Simon khiến bộ phim giống như một món đồ cổ được sản xuất cả chục năm về trước, khi tất cả còn e ngại về "người đồng tính thì như thế nào?".

Love, Simon ơi, xin đừng cố bình thường hóa chuyện đồng tính! - Ảnh 10.

Hành trình của người đồng tính từng được khắc họa rất thành công trong các phim độc lập như "Blue Is The Warmest Color", "Call Me By Your Name" hay "Moonlight".

Câu chuyện của Simon, nhẹ nhàng và có hậu, dường như được hâm mộ cũng là do nó phản ánh ước mơ của đại đa số những người đồng tính đang sống giữa một xã hội đầy những tiêu chuẩn dị tính.

Love, Simon ơi, xin đừng cố bình thường hóa chuyện đồng tính! - Ảnh 11.

Thế nhưng, tình yêu thương và sự chấp nhận mà Simon nhận được không phải là điều dễ dàng đối với rất nhiều cô bé, cậu bé đồng tính không được "đỡ lưng" bởi những đặc quyền như bạn bè thân thiết, bố mẹ tâm lý, tài chính ổn định… Nói cách khác, không phải ai cũng có được những điều kiện tuyệt vời như Simon để "come out". Với những con người như vậy, điều quan trọng nhất của quá trình công khai giới tính chính là tìm được tiếng nói của mình, chấp nhận con người của bản thân và đừng chịu lệ thuộc vào những quy phạm của xã hội về một "mức độ đồng tính có thể chấp nhận được".