"Lớn lên đừng có giống như bố mẹ đấy!"

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 12:01 18/05/2017

Đây là bài viết của Pat Law, một nữ doanh nhân người Singapore, con của hai vợ chồng bán cơm vịt rong đường phố. Bạn có thể sẽ cảm thấy biết ơn bố mẹ mình sau khi đọc bài viết này.

"Học hành chăm chỉ cẩn thận vào, không là sau này lại như bố mẹ đấy."

Tôi sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đi bán hàng rong, và ngay từ thuở lọt lòng, tôi đã mang sứ mệnh cao cả, cũng đỗi áp lực, đó là làm sao kéo gia đình ra khỏi cái truyền thống chẳng mấy tự hào ấy. Các quy tắc đơn giản được đặt ra như sau: đừng để dính "hậu quả", đừng bị bế tắc, và đừng giống bố mẹ.

Trước khi đám thanh niên choai choai dở hơi bây giờ cùng với những bộ quần áo cool cool quái dị biến cái nghề bán hàng rong trở thành cái gì đó rất đỗi hay ho nghệ sỹ, thì dân gian vẫn quan niệm rằng bán hàng rong là cái kết dành cho những kẻ không được học hành đầy đủ, hoặc học chẳng tới đầu tới đũa, nói gọn là thất học. Ba mẹ tôi cũng thất học như thế đấy.

Lớn lên đừng có giống như bố mẹ đấy! - Ảnh 1.

Mẹ tác giả bên trong quán cơm vịt của gia đình.

12 giờ một ngày. 6 ngày một tuần. 30 năm rồi, và vẫn đang trên đà tăng tiến. Không phải là một nghề đáng tự hào đâu con gái yêu ạ. 

Là một đứa trẻ có vấn đề cực kỳ nghiêm trọng về việc chả có tí thích thú gì với nền giáo dục hay quá trình được giáo dục đào tạo, tôi hơi khó hiểu rằng tại sao bố mẹ lại có vẻ ám ảnh với chuyện học hành như thế. Cứ mỗi lần tôi mang kết quả bài kiểm tra về nhà, bố lại ca bài hát quen thuộc đến nhàm cả tai: 

"Học hành chăm chỉ cẩn thận vào, không là sau này lại như bố mẹ đấy."

Bài hát được đặt chế độ phát lại liên tục, đến nỗi mà bao nhiêu năm tôi biết lết thân đến trường là từng ấy năm câu điệp khúc in đậm vào tâm trí tôi. Lâu lâu không chỉ bố, mà cả mẹ cũng tham gia hợp ca cùng, tạo nên một khúc song ca kinh khủng khiếp và mang tính ngược đãi tinh thần trầm trọng.

Năm 9 tuổi, bố cho tôi đến phụ quán cơm vịt của gia đình vào những ngày cuối tuần. Mục đích của ông thực ra rất đơn giản: cho tôi tận mắt chứng kiến cuộc sống mưu sinh vất vả của những kẻ không được học hành đầy đủ. Để rồi, thêm một lần nữa, tôi phải khắc cốt ghi tâm cái tầm quan trọng của việc cố gắng thoát khỏi cái "dớp" giáo dục của gia đình. Nói thật, ở cái tuổi ấy, tôi vẫn nghĩ rằng có riêng một cửa hàng cho riêng mình thì đâu có tồi lắm nhỉ. 

Lớn lên đừng có giống như bố mẹ đấy! - Ảnh 2.

Tôi chỉ mong sau này mình có đủ dũng khí như bố, để mà đến một lúc nào đó, có thể đường hoàng mà chỉ cho con cái của mình rằng mẹ nó không hề hoàn hảo như nó từng tôn thờ trước đó.

Tôi được giao nhiệm vụ ngồi bệt trong bếp bóc vỏ trứng luộc. Mỗi ngày tôi phải bóc ước chừng 300 quả trứng. Ban đầu mọi thứ khá khó khăn, đôi tay của tôi vụng về lắm, thế nên chuyện bóc trứng mà lòng trắng nhất quyết không buông vỏ, nói lời biệt ly với lòng đỏ là chuyện thường xuyên xảy ra. Mà cứ mỗi lần như thế, nhìn quả trứng cứ như mọc gân xanh gân đỏ xấu không thể tưởng nổi. 

Bố tôi sau đó sẽ kiểm tra chất lượng. Ông nhặt những quả trứng xấu xí lên và nói: "Chúng ta không thể bán mấy quả này cho khách được, như thế là làm ăn dối trá".

Bởi vậy, cuối cùng tôi sẽ tống hết mấy quả trứng lỗi vào dạ dày để phi tang. Nhưng cũng chẳng được lâu cho đến lúc bộ não tà ác bé xíu của tôi kịp nhận ra rằng càng nhiều trứng tôi làm hỏng thì tôi lại càng phải ăn nhiều.

Bố cũng chả mất mấy thời gian để phát hiện ra cái mánh khoé ngây thơ của con gái ông. Chúng tôi hụt tới 20 quả trứng, cộng thêm đó là một bé gái không ngừng nôn mửa mật vàng mật xanh. Ông điên tiết lắm.

"Này, mày mà chỉ ăn có 1 hay 2 quả thì bố còn không biết. Còn đây mày ăn những 20 quả! Mày nghĩ bố ngu hay mày ngu thế? Nếu mày muốn làm sai cái gì thì cũng phải sai cho hẳn hoi vào. Và gái ơi, biết lượng sức nhé, đừng ăn nhiều quá so với khả năng dạ dày mày chịu được!".

Một mặt, bố tôn thờ chủ nghĩa sống trung thực. Mặt khác, bố cũng tôn thờ sự hoàn hảo trong cuộc sống, kể cả trong những chuyện chẳng hay ho gì. Ông là người khá kiên quyết với mọi phương châm sống mà ông tự đặt ra cho bản thân. Bố của tôi chỉ có một quy tắc thôi: hoặc là làm tốt, hoặc là đừng có mó vào. Trộm trứng cũng phải trộm cho khéo, cho hay. 

"Không có công việc nào là việc vớ vẩn cả, bởi việc gì thì việc, cũng mang cái tên của con trên ấy. Con biết tôn trọng công việc của con thì con mới biết tôn trọng bản thân con. Mà khi con đã biết tôn trọng bản thân con rồi thì con mới biết tôn trọng bố mẹ".

Bố tôi có xu hướng thường xuyên lên lớp cho tôi mỗi khi con gái ông bị điểm kém môn Giáo dục công dân. Tôi chả hiểu cái môn này đem ra học để làm gì nữa, bên cạnh đó điểm phẩy có cao cũng chả giải quyết được vấn đề gì. Không trường lớp nào trao bằng khen cho học sinh giỏi môn Đạo đức cả, nhỉ? 

Tôi cũng không hiểu là rốt cục thì ông đang bực tức vì con gái dốt Giáo dục công dân hay điên tiết vì con gái là một đứa chống lại quy chuẩn đạo đức?

Bố mẹ tôi dường như sinh ra để trở thành cộng sự cho nhau. Hai ông bà phối hợp rất nhịp nhàng, vừa thoăn thoắt chặt vịt vừa nhoay nhoáy thu tiền. 

Lớn lên đừng có giống như bố mẹ đấy! - Ảnh 3.

Gia đình Pat Law giờ đã chuyển sang bán món Hàu chiên.

"Cơm đùi, thêm váng đậu, dưa muối, một trứng, không sốt, ăn tại quán, 3.8 Đồng!", cứ như đôi chim song ca trong một buổi hoà nhạc đường phố, tôi thề. Cách mà hai người xử lý từng đơn của khách có thể khiến cả cường quốc công nghiệp phải cảm thấy tự hào. Mỗi chữ đọc lên rành mạch, không sót một yêu cầu nào. 

Khi một trong hai ông bà chủ phải rút vào bếp để chuẩn bị tinh thần cho đoàn khách tới ăn tiếp theo, tôi sẽ chịu trách nhiệm đứng quầy thu ngân thu tiền. 

Nhưng trời sinh ra tôi làm sao đủ tháo vát nhanh nhẹn để mà hét ầm ỹ từng đơn khách đặt như hai ông bà chuyên nghiệp kia được. Tôi thường sẽ đọc sai, và mẹ tôi sẽ phải căng tai ra nghe thêm lần nữa trong lúc rục rịch với đám đồ ăn, chỉ bởi "con gái tôi còn nhỏ, các bác thông cảm".

Bố tôi cũng thế, chỉ có điều ông không đủ kiên nhẫn hay khoan dung với sự thiếu hoàn thiện. Kể cả đó là con gái của ông. Ông nói thế này: "Hoặc là thích ứng, hoặc biến!".

Rất nhiều năm sau, tôi đã có thể xoay sở trong quầy bar địa ngục của Starbucks, đọc rành mạch từng order của khách không vấp một dấu chấm dấu phẩy như Phạm Hương truyền đạt trong The Face. Tôi giỏi đến mức nào nhỉ? Đến mức mà tôi thắng hẳn một thẻ thành viên miễn phí cùng suất huấn luyện viên cá nhân tại phòng tập nổi tiếng bên cạnh nơi làm việc. 

Mỗi khi nhìn lại, có lẽ tôi nên cảm ơn bố vì sự thiếu kiên nhẫn của ông. Đấy là bộ mặt thật của cuộc đời ngoài kia, không phải ai cũng đủ khoan dung như mẹ được, chắc chắn. Bố tôi nhìn nhận tôi như một hy vọng thoát nghèo của gia đình, và bản thân ông cảm thấy bị xúc phạm bởi sự lúng túng thiếu hoàn thiện của tôi. 

Lớn lên đừng có giống như bố mẹ đấy! - Ảnh 4.

Không ngạc nhiên lắm về cuộc sống sau đó của tôi, trở thành người sáng lập của một văn phòng đại diện độc lập. 

Đứng ở quầy cơm vịt, tôi có cơ hội được tiếp xúc với đủ mọi loại người. Bà mẹ một tay bồng con, chân thì một đứa nữa quấn quít, còn ông chồng thì vạch giời ra cũng không thấy. Bà lão lúc nào cũng tấm tắc khen giờ tôi lớn quá, già dặn quá. Cô nhân viên công sở phiền phức lăn tăn cả nửa thế kỷ cũng không biết bản thân muốn cho cái gì vào mồm. Những du khách cả cuộc đời chưa bao giờ được nhìn thấy khúc ruột của con lợn quấn thòng lòng phía bên ngoài ổ bụng nó. Đủ thể loại, thượng vàng hạ cám thi nhau nhảy lò cò qua cuộc đời tôi. Ngay từ tấm bé, bé ơi là bé, tôi đã hiểu ra chân lý rằng có tiền, thậm chí rất nhiều tiền chưa chắc đã sang. Trong một khoảng thời gian cực dài, tôi đã nghĩ rằng túi LV là của toàn những bà cô vô duyên vô dáng chỉ chăm chăm cắn vào sự nghèo nàn tiếng Anh của bố mẹ tôi. 

Hết lúc này lại tới lúc khác, mấy ông bà khách cứ lảm nhảm với nhà tôi thế này:

"Con gái ông bà nói tiếng Anh giỏi quá hén, nhà bán hàng rong mà giỏi thiệt".

Bố tôi thì luôn mồm cảm ơn họ. Lâu lâu ông cũng bổ sung thêm là ngoài biết bắn Ngoại ngữ tôi còn biết vẽ nữa. "Con bé mới hoàn thành xong tác phẩm tranh sơn dầu đầu tiên đấy, mới có 9 tuổi thôi đấy!".

Những lời bình luận của khách chưa bao giờ là sự xúc phạm đối với ông. Ông nghiền ngẫm, lắng nghe, tiêu hoá chúng với sự điềm tĩnh nhẹ nhàng, kèm theo là chút sốt ngon cho khách như bằng chứng của sự phản hồi. Ông chưa bao giờ cho phép sự thiếu hiểu biết của khách hàng làm mình bận tâm. Nói trắng ra là ông không xấu hổ về bản thân, và chẳng có lý do gì mà tôi lại phải xấu hổ về xuất thân của mình hết. 

Lớn lên đừng có giống như bố mẹ đấy! - Ảnh 5.

Giờ đây khi tôi quét một lượt qua Facebook, dễ dàng tôi có thể nhận thấy đó là sự thương hại bản thân đang tuôn chảy từ ngón tay của người trẻ nện vào bàn phím. Tự dưng tôi không khỏi cảm thấy hân hoan khi kế thừa được cách tiếp nhận sự ngớ ngẩn của thiên hạ từ bố mình.

Ngoài cái duy nhất là sự xấu hổ với công việc mình đang làm, bố tôi vẫn là người khá thực tiễn. Ông cứ ca mãi không ngừng khúc nhạc: "Đừng giống bố nhé" thêm cả một thập kỷ dài nữa. 

Tôi chưa khi nào cho ông một lời khen ngợi, cũng giống như bố chưa từng tung hô tôi dù chỉ một lần trong đời. Mối quan hệ của chúng tôi là kiểu hai bố con cứ quạt vào mặt nhau sự xúc phạm chỉ trích, chỉ để nhau được tốt lên từng ngày. Thế nên, có lẽ bố sẽ không bao giờ được nghe những lời ấy đâu...

Nhưng Bố à, bố chính xác là người mà con muốn trở thành đấy.