Lối tiết kiệm "đỉnh cao" của người phụ nữ tái sử dụng trà túi lọc 8 lần, không gọt rau củ để giữ nguyên kích thước

Phương Kim (Theo The Sun), Theo NDH 08:06 20/07/2022

Rachel Howlett sống ở mức tối thiểu khi mua đồ ăn dán nhãn vàng trong siêu thị và hạn chế mua sắm.

Rachel Howlett (Anh quốc) chi ít hơn 2,4 USD mỗi ngày cho thực phẩm, 30 USD mỗi tháng cho tiền gas và điện trong khi mua quần áo miễn thuế ở khu vực dành cho thiếu niên. Rachel làm việc tự do, sống độc thân trong căn hộ hai phòng ngủ khiêm tốn và rất tự hào về lối sống tiết kiệm của mình.

“Tôi sống ở mức tối thiểu. Các chị tôi nói rằng tôi bị ám ảnh bởi tiền nhưng tôi thích tiết kiệm và ghét lãng phí”, Rachel chia sẻ.

Tiết kiệm hết mức có thể

Rachel thích uống trà và cô tái sử dụng túi trà đến 8 lần. Cô thường mang bình trà theo người thay vì mua bên ngoài và không bao giờ lãng phí thức ăn. Nếu có bông cải xanh, Rachel sẽ ăn cả thân, lá và không bao giờ gọt vỏ rau củ vì sợ sẽ làm chúng nhỏ đi. Người phụ nữ 45 tuổi mua nhiều thức ăn có dán nhãn vàng (những sản phẩm gần hết hạn được siêu thị bán giảm giá) nhất có thể và luôn đem hộp nhựa để đựng thức ăn thừa nếu dùng bữa bên ngoài. Bằng cách làm như vậy, Rachel chi trung bình 16 USD/tuần cho việc mua sắm thực phẩm.

Lối tiết kiệm đỉnh cao của người phụ nữ tái sử dụng trà túi lọc 8 lần, không gọt rau củ để giữ nguyên kích thước - Ảnh 1.

Rachel Howlett chỉ sống ở mức cơ bản và hoàn toàn hạnh phúc vì điều đó. Ảnh: Stewart Williams

Sau khi chia tay bạn trai vào 6 năm trước và mất việc ở rạp hát trong đợt dịch Covid-19, Rachel lại càng cẩn trọng hơn trong lối chi tiêu của mình. Hiện Rachel đang làm hai công việc cùng lúc là làm vườn và giúp việc. Cô tự nhủ vì không có con cái nên phải luôn tiết kiệm để có đủ khả năng tự lo lúc tuổi cao.

Đồ vệ sinh và các sản phẩm vệ sinh thường là khoản chi tiêu lớn đối với nhiều gia đình. Nghiên cứu của Andrex và tổ chức từ thiện In Kind Direct cho thấy một số người không dùng sữa rửa mặt, nước rửa tay, chất khử mùi và thậm chí cả giấy vệ sinh kể từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Rachel tiết kiệm những khoản này bằng cách đề nghị được tặng quà vào Giáng sinh và sinh nhật, vì chúng không rẻ.

Cô dùng bánh xà bông thay vì gel rửa vì chúng lâu hết hơn. Khi những chai dầu gội và dầu xả gần hết, Rachel cắt đôi chúng và vét đến giọt cuối cùng. Món đồ trang điểm duy nhất cô dùng là một thỏi son. Rachel không mua nước tẩy sơn móng tay mà sẽ sơn đè lên màu cũ. Đặc biệt hơn cả, cô sử dụng thuốc tránh thai nên không có kinh nguyệt, việc này giúp cô tiết kiệm các sản phẩm vệ sinh đắt tiền.

Để tránh phải tiêu tiền hơn nữa, Rachel đăng ký làm công việc thử nghiệm sản phẩm của các công ty nghiên cứu thị trường. Cô được dùng miễn phí từ dầu gội đến kem dưỡng ẩm và sữa tắm và sau đó chia sẻ lại cảm nhận.

Rachel tiết kiệm từ khi còn nhỏ và cơn bão giá càng khiến cô ít chi tiêu hơn. Cô luôn để tiền tiêu vặt vào ngân hàng. Rachel nhận định mọi người thường vứt bỏ thức ăn quá sớm và bản thân có thể ăn hộp sữa chua quá hạn một tháng hoặc trứng hết date hai tháng. Rachel dùng nến để thắp sáng trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 2 nên chỉ phải trả 30 USD/tháng cho tiền điện và khí đốt. Rachel từ chối sử dụng truyền hình vệ tinh hoặc dịch vụ phát trực tuyến mà chỉ xem các chương trình ghi lại vì chúng không có quảng cáo. Điều đó có nghĩa là Rachel sẽ mất ít thời gian hơn để xem, giúp sử dụng ít điện hơn.

Rachel mặc áo size 8 và rất hiếm hoi mua thứ gì đó mới. Nếu có, cô sẽ mua sắm trong khu dành cho thiếu niên của các cửa hàng, nơi có quần áo miễn thuế và rẻ hơn rất nhiều. Trong hai năm qua, Rachel mới mua một chiếc quần tây và một áo sơ mi mới, vì chúng cần thiết cho công việc. Cô thậm chí còn tiết kiệm được nhiều tiền hơn bằng cách mặc chiếc áo choàng tái chế lại từ đồ của mẹ.

Lối tiết kiệm đỉnh cao của người phụ nữ tái sử dụng trà túi lọc 8 lần, không gọt rau củ để giữ nguyên kích thước - Ảnh 2.

Rachel không mua nhiều quần áo, và nếu mua thì chỉ tìm hàng miễn thuế, ở khu vực của thiếu niên. Ảnh: Stewart Williams

Tiết kiệm nhưng không bủn xỉn

Nhưng Rachel khẳng định cô không hề bủn xỉn. Cô khẳng định không ra ngoài nhiều, nhưng nếu có, cô đảm bảo mình sẽ lại làm thêm một số công việc để bù lại tiền, chẳng hạn như trông trẻ. Bằng cách đó, cô không quá lo lắng chuyện phải tiêu quá nhiều tiền. Rachel luôn để lại một khoản tiền boa hào phòng và mặc dù không uống rượu, cô rất vui khi chia hóa đơn 50/50 với người đi cùng.

Rachel nói rằng cô không hiểu tại sao một số người lại sống phù phiếm. Cô nói có một số người không kiếm đủ tiền cho những thứ cơ bản nhưng những người khác lại nghĩ rằng họ đang cắt giảm khi thực sự không phải như vậy. Cô tự hỏi lý do vì sao khách hàng có thể mua cà phê ở cửa hàng hoặc chi tận 12 USD cho một bữa trưa trong khi họ có thể làm ở nhà. Điều đó theo Rachel là hoàn toàn không cần thiết khi mỗi người đều có thể điều chỉnh chi tiêu để tiết kiệm rất nhiều. Họ có thể bỏ thuốc lá hoặc đi đến quán rượu là cũng bớt đi được một khoản.

"Tôi không thấy sự khác biệt lớn về số tiền mình cần chi tiêu, vì tôi thường đi thẳng đến khu vực hàng giảm giá trong siêu thị hàng ngày, tôi mua ít, nhưng thường xuyên. Tôi muốn người khác nhận ra rằng ngân sách eo hẹp hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn".