Lifebuoy gây xúc động mạnh với phim ngắn về những gia đình đa dạng

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 18/06/2022

"Đợi đến lúc an toàn" cho một gia đình? Những chuyện nghe tưởng chừng như vô lý lại đang hiện hữu trong chính xã hội chúng ta ngày nay.

Không có công thức chung tạo nên hạnh phúc một gia đình

Em L.A (giấu tên, ngụ quận 8, TP.HCM) ngày ngày vẫn len lén nhìn vào nhà một "người đàn ông" trên vai trái xăm dòng chữ "Nhất kiến chung tình" - người mà cách đây 3 năm em vẫn gọi là mẹ. L.A từng có một gia đình kiểu mẫu như bao nhiêu người khác: ba làm tài xế, mẹ buôn bán ở chợ. Khi em tốt nghiệp cấp 3, một đêm nọ, mẹ kéo tay em ngồi xuống, nói xin lỗi và xin cho mẹ sống đúng con người thật. Ly hôn ba, mẹ trở thành con người khác, tóc cắt ngắn, xăm mình, ăn to nói lớn… Mẹ dọn ra sống với một cô ở đầu con phố mà bà âu yếm gọi là "vợ", người bà yêu từ khi còn là một cô bé nhưng buộc phải lấy chồng sinh con cho vừa ý cha mẹ.

Kể lại câu chuyện oái oăm của gia đình anh mình, chú cô bé ngậm ngùi: "Mẹ nó thương con, nhưng mẫu tính trong chị ấy không đủ sức ngăn tình yêu chôn kín hàng bao năm. Thương con bé! Nó nói với tui điều nó buồn nhất là phải chi ngày trước mẹ mạnh mẽ hơn, đừng theo sự sắp đặt để miễn cưỡng có nó, và giờ để nó lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười này". Bi kịch trên chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện còn ẩn sâu bởi định kiến, khi người ta buộc phải bỏ qua những lựa chọn cho cuộc sống của chính mình để ép mình làm hài lòng cha mẹ, dòng tộc.

Trong xã hội, người ta thường định nghĩa gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Gia đình vô hình chung bị gắn liền với ba chức năng nhiều phần cứng nhắc - sinh đẻ tục truyền, giáo dục, kinh tế. Theo thời gian, quan niệm của số đông trở thành định kiến và "chuẩn mực" xã hội, tạo nên chiếc gông cùm vô hình ngăn nhiều người trong chúng ta sống đúng với bản ngã của mình.

Lifebuoy gây xúc động mạnh với phim ngắn về những gia đình đa dạng - Ảnh 1.

Hình mẫu "gia đình chuẩn mực" vô tình tạo ra định kiến, tước đi sự an toàn mà những đứa trẻ xứng đáng được hưởng, dù bản thân chúng và cha mẹ hoàn toàn không có tội.

Chúng ta là một màu của dải sắc cầu vồng

Có một dạo, khi nói về gia đình lý tưởng, cộng đồng mạng đưa ra khuôn mẫu "Một vợ/chồng + hai con + ba lầu + bốn bánh". Chỉ là lời nói đùa cho vui nhưng phần nào đã cho thấy công thức gia đình của người Việt: Gia đình= Bố + Mẹ + Con. Trên thực tế, dù thiếu bất kỳ "thành phần" nào trong công thức, gia đình vẫn tồn tại và thực hiện chức năng chính yếu nhất: mang lại hạnh phúc cho các thành viên từ tình yêu thương chân thành.

Lifebuoy gây xúc động mạnh với phim ngắn về những gia đình đa dạng - Ảnh 2.

Không có một công thức chung cho hạnh phúc gia đình. Tất cả là sự lựa chọn của trái tim!

Có vô vàn định nghĩa về gia đình từ các triết gia, các nhà lý luận, nhưng với người viết, định nghĩa về gia đình đơn giản như trong lời bài hát của Elvis Presley: "Nhà là nơi trái tim ngự trị" (Home is where the heart is). Gia đình, ngôi nhà thân thương là nơi con người sống thực mà không cần lớp vỏ bọc. Nơi đó cũng không tồn tại công thức chung hay quy định về hình thái chuẩn mực. Lề luật, định chế sừng sững như non cao cố định hình nên khuôn mẫu thì hình thái gia đình như nước âm thầm biến đổi. Mà quy luật hẳn ai cũng biết: Nước chảy núi đá cũng phải mòn.

Năm 2015, bộ emoji gia đình đồng tính ra mắt trong phiên bản iOS 8.3 gây "bão" với hình ảnh gia đình đồng tính. Bất chấp những chỉ trích, Apple bảo vệ quan điểm "ủng hộ và quan tâm sâu sắc đến sự đa dạng". Emoji về tình yêu, gia đình phi truyền thống ngày càng phát triển đa dạng cho thấy sự thay đổi đáng kể về mặt nhận thức của xã hội, phá vỡ định kiến về gia đình kiểu mẫu. Tồn tại các hình thái gia đình đồng tính, ba/mẹ chuyển giới, gia đình đơn thân, cặp đôi khiếm khuyết, hoặc gia đình không con cái… không có công thức hoàn hảo, tất cả chỉ là lựa chọn của trái tim! Sự bất toàn, không có mẫu số chung tạo ra sự đa dạng, như từng mảng màu riêng biệt đối lập tạo nên dải màu rực rỡ trong quang phổ cầu vồng.

Cần lắm sự nâng đỡ từ những bàn tay thấu hiểu

Gia đình là kết tinh của tình yêu. Với nhiều người, sự có mặt của đứa con là chất keo kết dính cả hai cùng chia sẻ trách nhiệm và tình yêu thương. Đây cũng là tiền đề cho Lifebuoy tiếp tục với mùa 2 của chiến dịch "Đợi đến lúc an toàn" nói về những gia đình, đáng ra cũng như biết bao gia đình khác, nhưng phải chịu nhiều áp lực từ xã hội, mà người không an toàn nhất chính là đứa trẻ.

Phim mở đầu với hình ảnh mẹ bầu đơn độc giữa tiếng miệng đời mỉa mai: Rồi cha đứa nhỏ đâu; sao lại sinh con ra một mình; nuôi con sao nổi… Chị cúi mặt, che đi bào thai bé nhỏ. Liệu tay mẹ có đủ lớn để che chở con khỏi mọi cay nghiệt?

Câu chuyện thứ hai là cặp vợ chồng khuyết tật và đứa con trai. Đủ cha đủ mẹ, đủ tình yêu thương, nhưng chỉ vì khiếm khuyết đôi chân, họ nhận về sự thương hại: làm sao mà nuôi nổi đứa nhỏ, chơi với con được không, sao làm khổ đứa con vậy…

Trường hợp cuối cùng là cặp đồng tính nam có đứa con gái nhỏ. Bủa vây họ là những tràng cười khinh miệt: Hai thằng đực rựa bày đặt có con, rồi ai làm mẹ ai làm cha, chơi búp bê chung hay gì…

Những lời nói và hành động tổn thương trong phim không phải là sự hư cấu, mà nó viết ra từ những đau đớn rất đời thường. Nạn nhân của những định kiến gia đình không dừng lại ở bậc sinh thành mà chính những người con của họ cũng từng ngày phải đấu tranh với sự dè bỉu, soi mói, thương hại của người đời.

Lifebuoy gây xúc động mạnh với phim ngắn về những gia đình đa dạng - Ảnh 3.

Sự bất toàn như mảng màu riêng biệt tạo nên dải màu rực rỡ trong quang phổ cầu vồng của gia đình đa sắc.

Xem xong đoạn phim, một mẹ đơn thân (giấu tên) rơi nước mắt khi nhìn thấy lại chính mình. Lầm lỡ năm lớp 10 buộc cô phải nghỉ học. Cô chọn giữ lại đứa con, vừa nuôi con vừa học lấy bằng kiến trúc sư với sự hỗ trợ của ba mẹ. Cô ấm ức: hàng xóm cứ xầm xì nói thứ con hoang, có mẹ thất trinh thì chắc tương lai cũng chả đàng hoàng gì.

Chị Mân Nha, con của một cặp vợ chồng câm điếc bẩm sinh, thừa nhận ở Việt Nam khó lấy chồng dù chị rất ưa nhìn. "Gặp người thương mình thật thì bố mẹ anh bảo lấy vợ xem tông, cha mẹ tật nguyền thế sợ di truyền cho cháu". Chị Nha hiện lập gia đình và sinh sống tại bang Florida (Mỹ), sinh ra ba đứa con khỏe mạnh thông minh với người chồng thấu hiểu, sau nhiều lần từ chối hôn nhân vì sợ con mình sinh ra khiếm khuyết.

Mỗi người trong chúng ta, dù là ai, như thế nào, hình hài ra sao, đều là người bình thường với mong ước giản dị: có gia đình - con cái để yêu thương, được gia đình chấp nhận và là một phần của cộng đồng. Nhưng nhiều người vẫn nhìn họ như kẻ đang "tạo nét", đòi hỏi quyền lợi riêng mà thách thức số đông, làm xói mòn giá trị truyền thống. Lifebuoy với thông điệp Safety for All - An toàn cho tất cả, lên tiếng, sẻ chia sự ủng hộ đến tất cả mọi gia đình ngoài kia và kêu gọi mỗi người trong chúng ta thấu hiểu và xóa bỏ những định kiến vốn đã tồn tại rất lâu, vì "Gia đình cũng giống như sự an toàn, được sinh ra từ tình yêu, không phải định kiến".

https://kenh14.vn/lifebuoy-gay-xuc-dong-manh-voi-phim-ngan-ve-nhung-gia-dinh-da-dang-20220617221718895.chn