Làm việc bận rộn nhưng không giàu, nghiên cứu của giáo sư Harvard phát hiện “bẫy” nghèo vẫn hoàn nghèo và cách chữa trị chiếc ví rỗng

Đinh Anh, Theo TTVH 15:49 14/11/2022

Có khi nào bận rộn ngày đêm nhưng bạn vẫn cảm thấy mình mãi nghèo không. Một nghiên cứu của giáo sư đến từ ĐH Harvard đã chỉ ra rằng những người bận rộn và nghèo kinh niên đều có điểm chung này. Nếu không chịu thay đổi với những phương pháp dưới đây, e rằng cuộc sống của bạn mãi nghèo khó.

Từ lâu giáo sư Harvard, Sendhil Mullainathan đã nghiên cứu về người nghèo và xoá đói giảm nghèo. Vì vậy ông đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu liên quan. Nhà tâm lý học Sendhil Mullainathan và nhà khoa học hành vi Eldar Shafir đã phát hiện người bận rộn và người nghèo “kinh niên” đều có một điểm chung đó là “tâm lý khan hiếm”.

Làm việc bận rộn nhưng không giàu, nghiên cứu của giáo sư Harvard phát hiện ‘bẫy’ nghèo vẫn hoàn nghèo và cách chữa trị chiếc ví rỗng - Ảnh 1.

Giáo sư Sendhil Mullainathan của Đại học Harvard. Ảnh: Harvardmagazine.

Sendhil Mullainathan khẳng định rằng tâm lý này là nguyên nhân chính khiến người nghèo ngày càng nghèo hơn. Sự khan hiếm về thời gian, tiền bạc khiến bạn bị giày vò trong tâm trí, từ đó ảnh hưởng xấu đến quyết định. Khi đang bận rộn, bạn có nhiều khả năng đưa ra những lựa chọn không sáng suốt như nhận những sự giao phó không thể hoàn thành hoặc ưu tiên làm những nhiệm vụ không quan trọng hơn là cốt yếu. Cảm giác cần phải làm tròn nhiệm vụ khiến bạn thậm chí cảm thấy bận rộn hơn trước.

Sendhil Mullainathan đã lấy ví dụ về một thực trạng tại thị trường ở quê hương ông. Những người bán hàng thường vay 1.000 rupee từ những người giàu có trong vùng từ ngày hôm trước để nhập hàng và bán vào buổi sáng hôm sau. Sau một ngày họ sẽ kiếm được 1.100 rupee. Tuy nhiên họ chỉ có thể bỏ túi 50 rupee bởi phải hoàn trả 1.000 rupee tiền gốc và 50 rupee tiền lãi cho chủ nợ.

Thấy vậy Sendhil Mullainathan đã đưa ra lời khuyên cho những người bán hàng rằng hãy dành thời gian để uống một tách trà và ăn một mẩu bánh mì vào mỗi sáng. Chỉ cần làm liên tục như vậy trong 6 tháng, bạn sẽ không cần phải vay tiền của người giàu và có thể tăng gấp đôi lợi nhuận.

Lời khuyên của Sendhil Mullainathan được đưa ra xuất phát từ thực tế những người bán hàng rong ở quê ông không có thời gian để nghỉ ngơi hay suy nghĩ, tưởng tượng về những gì sẽ xảy ra vào ngày mai, chứ chưa nói đến câu chuyện của 6 tháng sau.

Khi bị khan hiếm về thời gian, những người bán hàng sẽ chỉ tập trung vào lợi ích ngắn hạn, điều này khiến họ mất đi khả năng hoạch định tương lai. Sendhil Mullainathan chỉ ra rằng kiểu suy nghĩ này chính là “tâm lý khan hiếm”, sẽ làm giảm khả năng nhận thức của con người và khiến họ rơi vào cái bẫy của nghèo đói và bận rộn.

Năm 2004, một nghiên cứu khác có sự tham gia của Sendhil Mullainathan được thực hiện đối với người trồng mía ở Tamil Nadu, Ấn Độ. Trước ngày mùa thu hoạch, người dân nơi đây thường phải sống trong nghèo đói. Họ đã yêu cầu 500 người dân làm trắc nghiệm trước và sau vụ mùa.

Kết quả cho thấy, thức ăn hàng ngày và phương thức sinh hoạt của những người nông dân này sau 4 tháng về cơ bản không có gì thay đổi, thứ thay đổi chính là những lo âu của họ về tiền bạc. Nghiên cứu phát hiện ra lo lắng về tiền bạc sẽ ảnh hưởng tới năng lực nhận thức của những người nông dân này. Trước khi thu hoạch, khi mà chưa có tiền, chỉ số IQ của họ thấp hơn so với lúc đã có tiền 9-10 điểm.

Nghiên cứu này cho thấy một thực tế rất quan trọng: lúc thiếu tiền, kiếm tiền là ưu tiên số 1. Sendhil Mullainathan khẳng định: "Những người đang lo lắng về tiền bạc rất ít khi có tâm trạng để ý đến những chuyện khác". Vậy nên càng lo lắng về tiền bạc, bạn sẽ càng không thể đưa ra được những phương hướng giúp thoát nghèo đúng đắn.

Làm việc bận rộn nhưng không giàu, nghiên cứu của giáo sư Harvard phát hiện ‘bẫy’ nghèo vẫn hoàn nghèo và cách chữa trị chiếc ví rỗng - Ảnh 2.

Càng lo lắng về tiền bạc, bạn sẽ càng không thể đưa ra được những phương hướng giúp thoát nghèo đúng đắn.

Để thoát khỏi tâm lý “khan hiếm” nhằm giúp bạn thoát nghèo và giải quyết tình trạng quá bận rộn, Sendhil Mullainathan đã đề xuất 3 giải pháp:

- Tiết kiệm não bộ: Bộ não của con người có giới hạn, gánh nặng của cuộc sống đời thường nên được giảm bớt, chẳng hạn như: Không quan tâm đến vài xu lẻ. Đừng lãng phí năng lực não bộ để sắp xếp thứ ưu tiên cho những việc cần làm.

- Thiết lập thời gian nghỉ ngơi: Đừng làm việc quá tải mà hãy dành chỗ cho bản thân suy nghĩ. Hãy cho phép bản thân có thời gian rảnh rỗi để nuôi dưỡng tâm hồn, tái tạo năng lượng.

- Đặt lời nhắc nhở: Điều này giúp bản thân không quá tập trung nhiều vào một việc và nhắc nhở bản thân rằng có những việc quan trọng khác phải làm như chăm sóc sức khỏe, quan tâm đến các thành viên trong gia đình...