Lãi cả chục ngàn tỉ đồng, ngân hàng vẫn chưa tiết lộ kế hoạch thưởng Tết

Thái Phương, Theo Người lao động 17:40 28/01/2019

Phí dịch vụ giúp nhiều ngân hàng có thêm hàng ngàn tỉ đồng góp vào lợi nhuận. Dù vậy đến giờ, nhân viên ngân hàng vẫn ngóng tiền thưởng Tết.

Ngày 27-1, nhân viên nhiều ngân hàng thương mại cho biết vẫn chưa nhận được tiền thưởng Tết, dù có nghe thông tin về mức thưởng bình quân khoảng 3-4 tháng lương.

Nghe thưởng nhiều nhưng chưa nhận được tiền

Anh Thanh, cán bộ tín dụng một chi nhánh ngân hàng quốc doanh ở TP HCM, cho biết có nghe thông báo mỗi nhân viên sẽ được thưởng khoảng 3 tháng lương (tương đương khoảng 40 triệu đồng) nhưng đến giờ, tiền vẫn chưa vào tài khoản. Những năm trước, ngân hàng thường công bố thưởng trước và sau Tết tiền mới về tài khoản.

"Một số chi nhánh có mức lợi nhuận cao hơn thì sẽ được thưởng cao hơn, nhưng bình quân khoảng 3-4 tháng lương" - anh Thanh nói.

Cũng tại ngân hàng này, một số nhân viên ở chi nhánh khác đang hy vọng nhận được mức thưởng cao hơn nhờ kết quả kinh doanh khả quan. Đây là năm đầu tiên, ngân hàng quốc doanh này có mức lợi nhuận khủng, nên không phải ngẫu nhiên nhân viên kỳ vọng được thưởng lớn.

"Chi nhánh của ngân hàng tôi nằm gần KCN-KCX nên kết quả kinh doanh rất tốt, năm nay trong xu hướng chung lợi nhuận cao kỷ lục, hy vọng tiền thưởng không thấp hơn năm ngoái" – chị Nga, giao dịch viên chi nhánh ngân hàng này hồ hởi. Năm ngoái, chị nhận thưởng Tết không dưới 50 triệu đồng.

Lãi cả chục ngàn tỉ đồng, ngân hàng vẫn chưa tiết lộ kế hoạch thưởng Tết - Ảnh 1.

Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng thương mại lãi "khủng" nhưng phải tập trung để tăng nguồn lực tài chính . Ảnh: NLĐ

Mức bình quân khoảng 3-5 tháng lương cũng được nhân viên nhiều ngân hàng khác chia sẻ với người viết. Đồng thời, tùy thuộc vào chỉ tiêu kinh doanh, vị trí nhân viên là giao dịch tại quầy, cán bộ tín dụng, ngân quỹ hay kế toán... mức thưởng sẽ khác nhau. Từng bộ phận cũng xét chỉ tiêu kinh doanh riêng và nhân viên nào hoàn thành tốt sẽ được thưởng nhiều hơn.

Năm nay, kết quả lợi nhuận của phần lớn ngân hàng vượt kế hoạch đề ra nhưng đến thời điểm này, rất hiếm thông tin công bố chính thức chuyện ngân hàng sẽ thưởng như thế nào. Đại diện một ngân hàng có mức lợi nhuận trên 10.000 tỉ đồng nhìn nhận dù lãi kỷ lục nhưng là doanh nghiệp có phần lớn vốn sở hữu thuộc nhà nước nên chế độ lương thưởng phải tuân thủ chặt chẽ quy định.

"Ngân hàng áp dụng cơ chế lương kinh doanh của cán bộ theo quy định chung. Mỗi tháng, nhân viên sẽ được hưởng trước một khoản lương kinh doanh, còn lại ngân hàng sẽ giữ và trả vào cuối năm, thường trùng dịp Tết chứ không phải thưởng" – đại diện ngân hàng này nói.

Theo tìm hiểu, đa phần nhân viên các ngân hàng sẽ có lương tháng 13 và thưởng kinh doanh theo kết quả công việc ở từng vị trí. Dù vậy, một số ngân hàng năm nay tiếp tục không có thưởng, nhất là ở những ngân hàng đang tái cơ cấu, chuẩn bị sáp nhập... Nhân viên phụ trách ngoại hối, một ngân hàng cổ phần tại TP HCM cho biết năm nay ngân hàng tiếp tục không có thưởng dù kết quả kinh doanh có khả quan hơn so với năm trước.

Lãi hàng ngàn tỉ đồng từ phí dịch vụ

Đến thời điểm này, hàng loạt ngân hàng đã công bố mức lợi nhuận cao vượt trội so với năm trước như Vietcombank, Agribank, Techcombank, VIB, VPBank, ACB, ABBANK...

Đáng lưu ý, nguồn thu từ phí dịch vụ đóng góp hàng ngàn tỉ đồng vào lợi nhuận cuối năm của các ngân hàng. Tại HDBank, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tăng 65,7% so với năm trước. Trong đó, hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, khi đạt mức lãi thuần 438 tỉ đồng, gấp hơn hai lần năm trước; thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng hơn 2 lần, lên 298 tỉ đồng…

VPBank cũng báo lãi trước thuế gần 9.200 tỉ đồng, tăng hơn 13% so với một năm trước đó. Theo đại diện ngân hàng, phần lớn nguồn thu đến từ nguồn thu lãi, thông qua các hoạt động cho vay ở những phân khúc chiến lược nhưng doanh thu từ phí đóng góp quan trọng trong hoạt động kinh doanh năm qua. Năm 2018, tổng doanh thu từ phí của VPBank đạt hơn 3.818 tỉ đồng, tăng 19% so với năm trước. Lãi ròng từ các khoản thu phí đạt 1.612 tỉ đồng.

Một ngân hàng cổ phần khác có quy mô nhỏ hơn nhưng tỉ trọng đóng góp từ phí dịch vụ ngày càng cao là ABBANK. Năm 2018, ngân hàng này báo lãi trước thuế đạt 924 tỉ đồng, tăng 52,7% so với năm trước. Đặc biệt, thu từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt 392 tỉ đồng và chỉ tính riêng trong quý IV-2018, thu nhập từ phí dịch vụ là 262 tỉ đồng, tăng đến 370% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ dịch vụ đóng góp tới 42,4% trong tổng lợi nhuận trước thuế 2018 của ngân hàng, tăng mạnh so với mức 28,6% của năm trước.

Theo các ngân hàng, thu nhập từ phí dịch vụ tăng mạnh nhờ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh như bảo hiểm, thẻ tín dụng và dịch vụ ngân hàng số… Đây cũng là chiến lược được nhiều ngân hàng hướng đến nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào sản phẩm cho vay truyền thống là tín dụng.

Tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng trên địa bàn TP HCM mới đây, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết chưa năm nào các ngân hàng lãi nhiều như năm nay, nhưng phải tập trung lợi nhuận vào việc nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng. Do đó, các ngân hàng vẫn chia cổ tức, cổ phần, chia lương thưởng nhưng ở mức hợp lý.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày