Kỳ lạ cây cổ thụ hơn 100 tuổi "hóa" đài phun nước suốt 20 năm: Hóa ra nguyên nhân chôn sâu dưới lòng đất

Đinh Anh, Theo Trí Thức Trẻ 22:12 19/06/2022

Thông thường, nước sẽ không thể chảy được trong thân cây sống. Tuy nhiên, một cây dâu cổ thụ tại ngôi làng châu Âu lại có khả năng đặc biệt này.

Ngôi làng nhỏ Dinoša, ở Montenegro, có một cây dâu cổ thụ mọc sừng sững giữa đồng cỏ. Mỗi khi trời mưa lớn, cây lại tuôn nước xối xả từ hốc ở giữa thân, trông giống một đài phun nước khi nhìn từ xa. Hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này diễn ra tại ngôi làng châu Âu đã thu hút nhiều vị khách hiếu kỳ.

Kỳ lạ cây cổ thụ hơn 100 tuổi hóa đài phun nước suốt 20 năm: Hóa ra nguyên nhân chôn sâu dưới lòng đất - Ảnh 1.

Nước chảy xối xả từ thân cây dù trời đang tạnh ráo

Một lý thuyết đơn giản ai cũng biết, bình thường nước sẽ không thể tự chảy ra từ một thân cây sống. Tuy nhiên trường hợp này là một ví dụ khác. Ông Hak Hakajaj, một người cao tuổi sống ở làng cho biết, cây dâu cổ thụ này có thể đã 100 tuổi, hoặc lâu hơn thế nữa. Còn hiện tượng nước chảy từ thân cây xối xả xuống đất dù khi đó trời không mưa đã xảy ra khoảng 20-25 năm nay.

Theo góc độ khoa học, hiện tượng nước phun xối xả từ thân cây được giải thích khá dễ hiểu. Theo đó, mưa lớn là nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm ngập úng, đồng thời tạo ra áp lực khiến nước bị đẩy lên thân cây thông qua các vết nứt và lỗ hổng. Chính vì vậy, sau khi trời mưa lớn, cây cổ thụ trên đồng cỏ này lại bỗng nhiên trở thành một đài phun nước "bất đắc dĩ". Hiện tượng kỳ lạ này cứ thế diễn ra suốt hơn 20 năm qua.

Cây phun nước ở Mintenegro không phải là bằng chứng duy nhất về hiện tướng nước phun trào khỏi mặt đất sau mỗi trận mưa. Ở ngôi làng Tuhala tại Estonia cũng có xuất hiện một chiếc giếng bắt đầu phun nước sau những trận mưa lớn.

Kỳ lạ cây cổ thụ hơn 100 tuổi hóa đài phun nước suốt 20 năm: Hóa ra nguyên nhân chôn sâu dưới lòng đất - Ảnh 2.

Giếng ở thị trấn Tuhala được người dân gọi là giếng Phù Thủy

Chiếc giếng này được đặt ngay trên một con sông ngầm. Do đó, sau mỗi trận mưa, nước mưa chảy tràn vào sông, áp suất nước cũng tăng lên tới mức có thể phun trào ra khỏi giếng. Trên thực tế, đôi khi nước có thể phun cao tới 0,5m.

Hiện tượng kỳ lạ này thường diễn ra trong vài ngày, phụ thuộc vào từng cơn mưa lớn hay nhỏ. Trong thời gian phun trào, người ta ước tính có khoảng 100 lít nước được phun lên mặt đất mỗi giây.

Trước đó, hiện tượng nước chảy ồ ạt, tràn lên cả miệng giếng ở Tuhala được người dân địa phương chia sẻ là ẩn chứa một truyền thuyết huyền bí. Tuy nhiên thực tế đây chỉ là một hiện tượng khoa học thông thường.

Tổng hợp


https://cafef.vn/ky-la-cay-co-thu-hon-100-tuoi-hoa-dai-phun-nuoc-suot-20-nam-hoa-ra-nguyen-nhan-chon-sau-duoi-long-dat-20220619120232418.chn