Trước đây, tôi vốn nghĩ rằng tình trạng tài chính của một người được quyết định chủ yếu bởi nền tảng tài chính của những người sinh ra họ, có thể là cha mẹ, có thể là ông bà. Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả, sau này, khi chúng trưởng thành, hành trình lập nghiệp, kiếm tiền chắc hẳn sẽ ít chông gai hơn những đứa trẻ lớn lên trong gia đình bình thường, hoặc khó khăn.
Tuy nhiên, càng trải nghiệm, càng tiếp xúc với những người thành công và khá giả quanh mình, tôi mới nhận ra niềm tin trước đây của bản thân thiển cận đến mức nào.
Nền tảng tài chính của gia đình chỉ là điểm xuất phát, người có lợi thế tốt chưa chắc đã là người về đích nhanh nhất. Xuất phát điểm tốt đến mấy cũng không thể bằng có tư duy. Và tôi nhận ra những người vừa có trí tuệ, vừa có xuất phát điểm tốt lại chính là những người sống rất giản dị, tiêu tiền có chiến lược, hoàn toàn không phung phí.
Họ không bao giờ chi tiền cho 3 thứ này.
Mark Zuckerberg từng tiết lộ rằng anh chỉ mua một vài chiếc áo và chiếc quần giống nhau, để mỗi khi ra ngoài, đỡ tốn thời gian nghĩ xem hôm nay phải mặc gì. Đó cũng là lý do mà mọi người thường thấy “cha đẻ” Facebook luôn mặc 1 kiểu trang phục trong mỗi lần xuất hiện, thường là áo phông và quần jean.
Tôi cũng có một người đồng nghiệp, có thói quen hệt như Mark Zuckerberg. Trong một lần cùng nhau đi ăn trưa, cô ấy có nói với tôi, cô ấy chỉ có 4 bộ đồ để mặc đi làm, trong đó, có 3 bộ là đồ công sở bình thường, không có gì quá đặc biệt hay sành điệu, còn 1 bộ là đồ để mặc đi các sự kiện lớn hoặc những cuộc hội nghị, cuộc họp với lãnh đạo cấp cao. Cô ấy nói rằng việc đó không chỉ giúp cô ấy tiết kiệm thời gian, mà còn tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc.
Trước đây, tôi vốn nghĩ, là con gái, chẳng ai lại không đam mê sắm sửa quần áo, túi xách, và tôi đánh đồng việc chi bộn tiền để đầu tư cho vẻ bề ngoài là cách yêu thương bản thân. Chỉ đến khi tôi nghe cô đồng nghiệp nói chuyện, tôi mới nhận ra lý do tại sao mình cứ mãi hết tiền.
Cô đồng nghiệp của tôi không chi tiền để làm tóc, làm nail hay đuổi theo đủ loại mode thời trang mỗi năm. Thay vào đó, cô ấy tiết kiệm tiền để mua vàng, mua cổ phiếu. Dù không biết tình hình đầu tư của cô ấy ra sao, nhưng tôi vẫn vô cùng ngưỡng mộ cách tư duy “không chi tiền cho những thứ chắc chắn không có khả năng sinh lời” của cô ấy.
Sau khi quyết tâm cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm, đồng thời, dọn dẹp không gian sống và thanh lý bớt những món đồ không còn dùng tới trong nhà, tôi mới hiểu ra tại sao trước đây mình không tiết kiệm được tiền.
Vấn đề không đơn thuần là tôi mua sắm quá nhiều, mà là tôi mua quá nhiều những món đồ có cùng công năng. Ví dụ như 5 chiếc túi xách chỉ đựng vừa đúng 1 cái điện thoại, 8 thỏi son cùng màu, 6 chiếc đồng hồ đeo tay, 3 chiếc tai nghe bluetooth,... Đó mới chỉ là một phần trong đống đồ mà tôi cần dọn dẹp trong nhà.
Tôi khá chắc rằng nhiều người cũng từng, hoặc đang có thói quen giống tôi ngày xưa: Mua một món đồ vì chúng đẹp, hoặc vì chúng đang được giảm giá, mà chẳng quan tâm nhiều tới công năng, cũng chẳng kiểm tra xem mình đã có món đồ có công năng tương tự chưa, trước khi quyết định chốt mua.
Đồng hồ đeo tay, về cơ bản, cũng chỉ để xem giờ, hoặc cùng lắm là để giúp chúng ta trông chuyên nghiệp hơn, trưởng thành hơn. Tai nghe, suy cho cùng, cũng chỉ để nghe nhạc. Túi xách, cũng tương tự, chỉ cần 1 chiếc đựng vừa ví tiền, điện thoại cùng vài vật dụng khác là đủ. Vậy mà không hiểu tại sao, trước đây, tôi không nhận ra điều đó.
Nếu bạn cũng đang có suy nghĩ “không hiểu tiền của mình đã chạy đâu mất”, hãy thử dọn dẹp, sắp xếp lại từng món đồ trong nhà và suy nghĩ về công năng của chúng, chắc chắn bạn sẽ tìm được câu trả lời.
Trước đây, tôi nghĩ rằng niềm vui chỉ là niềm vui thôi, làm gì có chuyện tích cực hay độc hại. Nhưng hóa ra, đó lại là một sự thiển cận khác của tôi.
Tôi tin rằng có tồn tại khái niệm niềm vui độc hại. Đó chính là những cảm xúc tích cực trong ngắn hạn, chớp nhoáng, dễ đến nhưng cũng dễ đi và dễ để lại nhiều hậu quả. Ví dụ đơn giản nhất chính là việc tiêu tiền mua vui. Khi buồn chán, chúng ta đi shopping, và ngay lập tức cảm thấy tâm trạng phấn chấn hẳn lên, nhưng chỉ vài ngày sau đó, thậm chí là vài giờ sau đó, chúng ta lại cảm thấy chán nản, hoàn toàn chẳng có gì thay đổi ngoài số dư đã giảm trong tài khoản.
Đó chính là những thú vui độc hại, còn chưa bỏ được chúng, tình hình tài chính còn khó mà khởi sắc dược.