Không đủ chuẩn làm Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, "GS quần đùi" Trương Nguyện Thành nói lời tạm biệt Việt Nam để trở về Mỹ

Lê, Theo Helino 11:16 05/05/2018

Thông tin GS Trương Nguyện Thành sẽ rời Việt Nam khiến nhiều người yêu quý ông vô cùng nuối tiếc.

Email với tựa đề "Lời chào tạm biệt" của Phó Hiệu trưởng Điều hành trường ĐH Hoa Sen - Trương Nguyện Thành (còn được biết đến với tên gọi Giáo sư quần đùi) đã khiến tập thể giáo viên và rất nhiều người ủng hộ giáo sư bất ngờ.

Không đủ chuẩn làm Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, GS quần đùi Trương Nguyện Thành nói lời tạm biệt Việt Nam để trở về Mỹ - Ảnh 1.

GS-TS Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng Điều hành trường ĐH Hoa Sen.

Trong email, thầy Thành viết:

"Thân gửi toàn thể giảng viên, nhân viên, và sinh viên,

Đến hôm nay có lẽ các anh/chị/em đã biết thông tin về việc công nhận vị trí Hiệu trưởng của tôi qua thầy Hiệp, Hiệu trưởng.

Tuy được tín nhiệm bởi Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) của Đại học Hoa Sen với 16/18 phiếu, qui trình công nhận vị trí Hiệu trưởng theo luật Giáo dục Đại học Việt Nam thì tôi chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Do đó Bộ/Sở Giáo dục và Đào tạo không đủ cơ sở để đề xuất Ủy ban Nhân dân TP công nhận vị trí Hiệu trưởng của tôi.

Đây là điều đáng tiếc ngoài mong đợi của HĐQT, toàn thể giảng viên, nhân viên, và sinh viên cũng như của riêng tôi.

Hơn một năm qua, tôi có cơ hội đồng hành cùng anh/chị/em vượt qua nhiều thử thách trong thời gian đầu khi Ban Giám Hiệu mới tiếp quản trường cũng như cùng nhau xây dựng nhiều dự án mới sau đó. Thời gian qua không quá ngắn để tôi có một gắn bó với con người Hoa Sen, cảm kích với lối sống tình cảm của nhiều anh/chị/em, và cảm động với nhiều chia sẻ chân thành của sinh viên. Con người Hoa Sen thật đáng quý.

Không đủ chuẩn làm Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, GS quần đùi Trương Nguyện Thành nói lời tạm biệt Việt Nam để trở về Mỹ - Ảnh 2.

Được sự tín nhiệm của nhiều người trong trường nhưng GS Trương Nguyện Thành vẫn không thể trở thành hiệu trưởng.

Cho dù ở hoàn cảnh nào thì Đại học Hoa Sen cũng phải phát triển tiến về phía trước dựa trên những nền tảng vững chắc đã được xây dựng trong nhiều năm qua. ĐH Hoa Sen sẽ có vị Hiệu trưởng mới xứng đáng. Người Hiệu trưởng nào cũng có chiến lược phát triển riêng của mình cho trường và cần những người Phó Hiệu trưởng có khả năng chia sẻ và triển khai những chiến lược này. Do đó tôi rất tiếc là sẽ không đồng hành cùng anh/chị/em trên bước đường tương lai.

Tôi rất tin vào thuyết Yin-Yang trong cuộc sống, trong cái rủi có cái may. Biết đâu đây sẽ mở ra một cơ hội đột phá mới cho phát triển ĐH Hoa Sen. Tôi hy vọng anh/chị/em cũng như tôi có hy vọng vào tương lai của trường.

Xin chúc ĐH Hoa Sen ngày càng phát triển mạnh mẽ và xin gửi đến anh/chị/em lời chào tạm biệt với hy vọng sẽ có dịp gặp lại anh/chị/em trong tương lai".

Không đủ chuẩn làm Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, GS quần đùi Trương Nguyện Thành nói lời tạm biệt Việt Nam để trở về Mỹ - Ảnh 3.

GS Trương Nguyện Thành gây ấn tượng với lối giảng dạy mới mẻ.

Trên Facebook cá nhân, thầy Thành cũng xác nhận việc rời khỏi Việt Nam và những kế hoạch sắp tới của mình sau khi rời ĐH Hoa Sen.

"Tôi quyết định tạm gác giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam tại đây và quay trở lại giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Utah. GOOD BYE VIETNAM!", GS viết.

Chia sẻ với phóng viên, GS Trương Nguyện Thành cho biết dù không tiếp tục đồng hành cùng ĐH Hoa Sen song: "Tương lai không ai biết điều gì sẽ xảy ra nên sống cho trọn ngày hôm nay để không hối tiếc là được rồi".

GS Trương Nguyện Thành nổi tiếng trên MXH khi mặc quần soóc ca-rô, áo thun giảng bài trong chương trình Innovation Roadmap (Lộ trình sáng tạo) tại ĐH Hoa Sen vào ngày 22/4/2017. Sau buổi học ấy, GS Thành còn gây ấn tượng với độc giả qua những chia sẻ về tư tưởng giáo dục mới, lời khuyên bổ ích cho sinh viên trước ngưỡng cửa tương lai.

"Tương lai không ai biết điều gì sẽ xảy ra nên sống cho trọn ngày hôm nay để không hối tiếc là được rồi".

Trước khi về ĐH Hoa Sen, GS.TS Trương Nguyện Thành tốt nghiệp Đại học North Dakota loại giỏi, ngoài bằng hóa học, thầy Thành còn lấy luôn bốn bằng phụ về Lý, Toán, Kế toán và Công nghệ thông tin.

Năm 1990, thầy Thành lấy bằng Tiến sĩ, và giành được Giải thưởng của Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ. Sau đó thầy học tiếp sau Tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, Đại học Utah mời thầy về làm Giáo sư chính thức giảng dạy môn Hóa lượng tử.

Năm 1993, thầy Thành lại đoạt giải một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ. Giải thưởng này trị giá 500.000USD và được thầy dành hết cho công tác nghiên cứu.

Năm 2002, thầy được phong Giáo sư Cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp Giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi. Từ 1992 đến nay, Giáo sư Trương Nguyện Thành đã có hơn 200 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế.

GS Thành cũng từng là viện trưởng khoa học của Viện Khoa học và công nghệ tính toán (thuộc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM) từ tháng 11/2007 đến tháng 6/2017.

Hiện tại, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen nhiệm kỳ 2012-2017 là ông Lưu Tiến Hiệp đã hết nhiệm kỳ vào tháng 10/2017.

Trong văn bản Sở GD-ĐT TP.HCM gửi UBND TP.HCM có đề cập tới việc Bộ GD-ĐT trả lời về hồ sơ công nhận ông Trương Nguyện Thành là hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen như sau: "Trường ĐH Utah là một trường đại học công lập lớn của Hoa Kỳ với số lượng hiện có khoảng 26.000 sinh viên và gần 3.500 giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên.

Theo các văn bản gửi kèm công văn của Sở GD-ĐT TP.HCM những vị trí mà ông Trương Nguyện Thành tham gia là chủ tịch một số hội đồng (committee) của các nhóm công việc chuyên môn, hoặc liên quan hoạt động của ĐH Utah và không phải là các Khoa hoặc Phòng của trường.

Việc xác định vị trí quản lý tương đương, hiện nay chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương cấp Phòng, Khoa của các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Do vậy không đủ cơ sở pháp lý được xác nhận cụ thể nội dung này".

Như vậy trường hợp ông Trương Nguyện Thành không đủ cơ sở pháp lý để xác nhận cụ thể nội dung tiêu chí đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của các cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày