Khoe con trên mạng coi chừng tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo

Vân Sơn, Theo Tiền Phong 21:08 18/03/2023

Khi tội phạm nghiên cứu về một gia đình nào đó, chỉ cần phụ huynh trước khi đi công tác chụp hình đưa lên mạng xã hội để tạm biệt con, nói bố mẹ đi công tác thì đó sẽ là một nguy cơ lớn.

Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt phụ huynh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã bị các đối tượng tội phạm giả danh là giáo viên gọi điện thông báo học sinh bị tai nạn nguy kịch cần phẫu thuật từ đó đề nghị chuyển tiền khẩn để đóng viện phí và chiếm đoạt. Thủ đoạn trên đang gây hoang mang cho cộng đồng.

Khoe con trên mạng coi chừng tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hải Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp cho buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Nguyễn

Để nhận diện các thủ đoạn lừa đảo và đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp, ngày 17/3, Báo Tiền Phong đã tổ chức buổi tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”.

Anh Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đoàn tại TPHCM, đánh giá rất cao tính nhanh nhạy, thiết thực, hữu ích và chất lượng của buổi toạ đàm.

Trong nội dung góp ý của mình tại cuộc tọa đàm, anh Nguyễn Hải Nam cho biết: “Khi phân tích về góc độ tội phạm, chúng tôi thấy rằng, tội phạm công nghệ cao thường tấn công cộng đồng dưới 3 góc độ, một là đối tượng trực tiếp, hai là đối tượng diện rộng, ba là đối tượng mục tiêu”.

Theo anh Hải Nam, ở góc độ trực tiếp, chúng thường chủ động gọi điện cho từng cá nhân hoặc sử dụng trí tuệ nhân tạo để giả giọng nói, giả hình ảnh nhằm mục đích lừa đảo. Với nhóm đối tượng diện rộng, chúng thường chọn cách tấn công vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản hoặc tấn công Facebook và các trang mạng xã hội khác. Tình trạng gọi điện thoại để thông báo cho phụ huynh về việc học sinh phải nhập viện cấp cứu để chiếm đoạt tài sản là phương thức tấn công mục tiêu mà tội phạm công nghệ đang sử dụng.

Đồng cảm với những phụ huynh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã bị tội phạm gây áp lực về mặt tâm lý để lừa đảo, dưới góc độ một phụ huynh, anh Nguyễn Hải Nam cho rằng nhiều phụ huynh đang có thói quen chia sẻ hình ảnh, thông tin mang tính riêng tư về bản thân và con cháu của mình.

“Khi tội phạm nghiên cứu về một gia đình nào đó, chỉ cần phụ huynh trước khi đi công tác chụp hình đưa lên mạng xã hội để tạm biệt con, nói bố mẹ đi công tác thì đó sẽ là một nguy cơ lớn. Tội phạm sẽ phân tích được trong một năm gia đình đó sinh hoạt ra sao, có người giúp việc hay không, có ông bà nội ngoại canh chừng trẻ hay không từ đó chúng sẽ lựa chọn phương án tấn công” - anh Hải Nam nói.

Anh Nam nhận định, để tội phạm công nghệ tấn công một người rất đơn giản, đặc biệt là những người thích khoe con, gia đình giàu có. Mặc dù pháp luật đã quy định việc đăng hình ảnh của trẻ phải có sự đồng ý của chủ thể, tuy nhiên tình trạng đăng hình của trẻ lên mạng xã hội vẫn diễn ra tràn lan. Thực tế trên tạo ra nguy cơ cực lớn để tội phạm nghiên cứu và chuẩn bị cho phương án tấn công mục tiêu bởi những món tiền rất lớn mà chúng có thể chiếm đoạt.

Anh Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh: “Báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm là vô cùng ý nghĩa và nhanh chóng, kịp thời. Tôi sẽ báo cáo xin ý kiến ngay với Ban bí thư Trung ương Đoàn để đề nghị triển khai các thông tin cảnh báo trên cổng thông tin của Trung ương Đoàn, từ đó đề xuất Báo Tiền Phong xem xét để có những tuyến bài cảnh giác về các âm mưu, phương thức hoạt động của tội phạm công nghệ cao, về lỗ hổng không chỉ ở cơ quan nhà nước, luật, cơ chế, cơ quan quản lý mà còn ở góc độ của mỗi cá nhân để tạo sức đề kháng cho mỗi người trước các thủ đoạn lừa đảo”.