Khoai môn giàu chất xơ, vitamin C, vitamin B6, kali, giúp bổ sung dinh dưỡng và tăng sức đề kháng. Loại khoai này bùi béo và độ ngọt tự nhiên, giúp tạo sự cân bằng cho nồi lẩu vốn đậm đà hương vị của các thực phẩm giàu đạm như thịt, hải sản... và các loại rau củ. Khoai môn còn giúp làm dịu đi độ cay, mặn của nước lẩu, giúp người ăn không cảm thấy ngán mà muốn tiếp tục thưởng thức. Khoai môn ăn lẩu nên chọn loại nặng hay nhẹ là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi chuẩn bị nguyên liệu.
Theo kinh nghiệm của người trồng thì củ khoai môn nhẹ sẽ chứa ít nước và có hàm lượng tinh bột cao, thường bở bùi, thơm ngon hơn. Còn những củ nặng sẽ chứa nhiều nước, củ khoai thường rắn chắc, vị nhạt và dễ bị sượng, kém ngon.
Vì vậy, cho dù bạn dùng khoai môn để ăn lẩu hay chiên, luộc, hầm, nấu canh, nấu chè thì vẫn nên chọn những củ cầm nhẹ tay để món ăn đạt được hương vị ngon nhất.
Việc chọn được khoai môn tươi ngon không chỉ dựa vào trọng lượng mà còn cần chú ý đến một số yếu tố sau đây:
Nhìn bề ngoài
Khoai môn tươi thường có bề ngoài sần sùi, vỏ khoai không quá nhẵn bóng. Nếu vẫn còn đất bám trên bề mặt và đất tương đối ẩm có nghĩa là khoai mới được đào, còn rất tươi. Những củ khoai nhẵn, không có bụi bẩn có thể đã qua xử lý hoặc được bảo quản lâu ngày; chúng thường mất nước, kém ngọt và hay bị sượng.
Quan sát mặt cắt củ khoai
Nếu có thể, hãy kiểm tra phần vết cắt (nếu củ khoai có vết cắt hoặc đã được bổ đôi). Phần ruột của khoai môn ngon thường có màu trắng ngà và các đường vân tím rõ ràng. Các đường vân tím này cho thấy khoai môn sẽ có độ bùi, ngọt khi nấu. Ngược lại, nếu màu sắc bên trong nhợt nhạt, đường vân thưa thớt thì khoai thường không ngon.
Quan sát mắt khoai
Những phần trũng bên củ khoai môn chính là mắt khoai. Khoai môn có thơm ngon và bở hay không liên quan trực tiếp đến số lượng mắt. Có càng nhiều mắt thì củ khoai môn càng mềm, bở, dẻo, đặc biệt thơm ngon.
Còn những củ khoai môn có ít hoặc không có mắt thường kém ngon.
Tránh những củ thâm đen, mềm nhũn
Bạn nên chọn những củ khoai môn màu sắc đều đặn, không có vết thâm đen hoặc mềm nhũn. Vết thâm đen là dấu hiệu khoai bị hỏng hoặc đã để lâu ngày, không còn giữ được độ tươi ngon. Củ khoai mềm có thể đã bị dập hoặc mục, không nên sử dụng trong món ăn.
Các tinh thể oxalate có trong củ khoai môn là thủ phạm gây kích ứng khi tiếp xúc với da tay. Để phòng tránh, bạn nên đeo găng. Nếu bị ngứa tay khi gọt khoai môn, có thể khắc phục bằng một số mẹo sau:
Rửa tay thật kỹ
Nếu bạn không đeo găng tay và bị ngứa da sau khi gọt vỏ khoai môn, hãy rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước. Sử dụng nước mát hoặc nước ấm, vì nước nóng có thể làm trầm trọng thêm cảm giác ngứa. Chà tay nhẹ nhàng, bạn sẽ loại bỏ mọi chất cặn và tinh thể oxalate còn sót lại trên da.
Thoa giấm hoặc nước cốt chanh
Cả giấm và nước chanh đều có tính axit nhẹ, có thể vô hiệu hóa các tinh thể oxalate gây ngứa. Sau khi gọt vỏ khoai môn, hãy làm ẩm một miếng vải sạch bằng giấm hoặc nước cốt chanh, nhẹ nhàng chà xát lên vùng bị ảnh hưởng, sau đó rửa sạch bằng nước để loại bỏ cặn còn sót lại.
Thoa gel lô hội
Nha đam có đặc tính làm dịu và chống viêm, khiến nó trở thành một phương thuốc tự nhiên tuyệt vời cho chứng ngứa do nhựa khoai môn. Hãy thoa trực tiếp gel lô hội tươi lên vùng da bị ngứa, để khô, sau đó rửa sạch bằng nước mát.
Dùng bột yến mạch
Bột yến mạch có đặc tính chống ngứa, giúp giảm bớt sự khó chịu do kích ứng khi tiếp xúc với nhựa củ khoai môn. Hãy tạo một hỗn hợp sền sệt bằng cách trộn bột yến mạch với nước, thoa lên vùng da bị ngứa, để trong khoảng 10 đến 15 phút rồi rửa sạch.
Bôi kem hydrocortisone
Kem hydrocortisone có thể giúp giảm ngứa. Nên thoa một lớp mỏng kem lên vùng bị ảnh hưởng, tránh sử dụng quá nhiều hoặc trên diện rộng để không gây tác dụng phụ.