Khó khả thi với quy định giãn cách mỗi lớp có sĩ số 20 học sinh

Lê Vân, Theo TTXVN 21:07 22/04/2020

Tính đến 22/4, cả nước có 4 địa phương cho học sinh trở lại trường học sau thời gian nghỉ vì dịch COVID-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra nhiều tiêu chí để đảm bảo cho học sinh tới trường an toàn, nhưng nhiều ý kiến cho rằng điều này khó khả thi bởi tình trạng sĩ số lớp học không cho phép.

Yêu cầu giãn cách 1,5m

Các tỉnh đã cho học sinh đi học trở lại là:  Cà Mau, Thái Bình, Thanh Hoá. Ngày 23/4 có thêm tỉnh Hải Dương, Yên Bái, Gia Lai.

Khó khả thi với quy định giãn cách mỗi lớp có sĩ số 20 học sinh - Ảnh 1.

Học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Thái Bình đi học trở lại. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã có công văn số 550/BGDĐT-GDTC, về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trường học, trong đó hướng dẫn chi tiết về trường học an toàn.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn học sinh trước, trong và sau khi đến trường cần làm gì, thực hiện các giải pháp ra sao và sau khi tan học về nhà làm thế nào để an toàn với dịch.

Cụ thể, đối với học sinh trước khi đến trường cần được thăm khám sức khỏe, đặc biệt trường học phải tiến hành đo thân nhiệt để đảm bảo học sinh đến trường với thân nhiệt cơ thể tốt. Trường học phải có đủ nơi rửa tay, nước khử khuẩn cho học sinh. Học sinh phải đeo khẩu trang, không nhất thiết là khẩu trang y tế, mà có thể là khẩu trang vải kháng khuẩn. Không tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể; các hoạt động chào cờ thì diễn ra trong lớp học.

Đặc biệt, giải pháp mà ngành giáo dục đưa ra nhằm đảm bảo giãn cách xã hội, yêu cầu học sinh giữ khoảng cách ngồi là 1,5m và phải tách lớp học. Những trường có lớp học sĩ số học sinh quá đông phải tách làm đôi hoặc hơn nữa để giúp cho học sinh đảm bảo trong phòng học không quá 20 em.

Khó triển khai thực tế 

Tuy nhiên, với giải pháp này các thầy cô cho rằng khó thực tế, nhất là các trường ở các tỉnh, thành phố lớn hiện nay sĩ số học sinh có nơi vượt xa so với quy định, thậm chí gấp đôi. Như vậy, nếu muốn thực hiện đúng giãn cách thì 1 lớp phải thành 3 lớp.

Thái Bình là một trong những địa phương cho học sinh trở lại trường sớm nhất ở thời điểm này.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, bà Đặng Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Thái Bình, cho biết: "Khi học sinh trở lại trường, chúng tôi đã dành những tiết đầu tiên để giáo viên chủ nhiệm quán triệt tới học sinh về các quy định khi đi học trở lại. Giáo viên chủ nhiệm phải điểm danh, nắm tình hình học sinh, báo cáo với hiệu trưởng. Yêu cầu học sinh phải đeo khẩu trang khi đến trường và trong suốt quá trình học tập, tham gia các hoạt động tại trường, học sinh phải đo thân nhiệt trước khi vào lớp...".

Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Thủy, thì việc giãn khoảng cách không chỉ là khó khăn với nhà trường, mà ngay bản thân giáo viên, bởi chia lớp thì đồng nghĩa với tiết dạy của thầy cô sẽ phải tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3. Quá tải về số lượng thì chất lượng sẽ khó đảm bảo.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Trường THPT Phúc Lợi, Hà Nội cho rằng: "Số lượng càng ít thì càng tốt, nhưng những lớp có số học sinh đông, nếu chia 1 lớp thành 2 ca thì tăng số lượng giờ dạy, khó khăn về phòng học và sắp xếp thời khóa biểu để giáo viên đảm nhiệm hết ca dạy".

Còn ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Thủy Lợi cho rằng: "Tại Hà Nội, nhiều trường công lập có sĩ số 50 - 60 học sinh/lớp. Với cách chia của Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ phải học cách nhật, học 1 buổi lại nghỉ. Mặt khác, học sinh khi ra chơi có kiểm soát giữ khoảng cách không, các em nhắc trước quên sau thì không thể đảm bảo được. Tôi cho rằng các trường nên cân nhắc kỹ trước khi cho học sinh quay lại trường. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh mới nên có quyết định đi học trở lại hay không".