Vào bảo tàng WC xem các kiểu toilet từ cổ chí kim

Bích Đào, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 11/04/2014

Bảo tàng kì lạ này trưng bày đến hàng trăm bệ toilet, tất cả để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho chất lượng vệ sinh tại Ấn Độ.

Đến thăm bảo tàng nhà vệ sinh tại New Delhi (Ấn Độ), bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng với hình ảnh những bệ xí bỗng trở thành các tác phẩm nghệ thuật. 

Các nhà quản lý nơi đây giới thiệu đến cho người xem những bồn cầu đã có từ hàng thập kỉ trước và chúng đều mang những ý nghĩa về lịch sử và văn hóa. 





Trong bảo tàng có cả những khu vực trưng bày đặc biệt với gian nhà xí riêng biệt, bô, đồ nội thất của nhà vệ sinh, chậu vệ sinh hay tủ nước được sử dụng từ khoảng năm 1145 đến nay. Bên cạnh mỗi hiện vật được trưng bày đều có bảng thông tin giải thích kĩ về nguồn gốc và sự phát triển của dịch vụ vệ sinh khắp thế giới.





Bảo tàng này được lập nên từ ý tưởng của tiến sĩ Bindeshwar Pathak - người sáng lập của Tổ chức Dịch vụ Xã hội quốc tế Sulabh - người đi tiên phong trong lĩnh vực vệ sinh môi trường ở Ấn Độ. 

Được chính thức thành lập vào năm 1970, nhiệm vụ của Bảo tàng Vệ sinh Quốc tế Sulabh là nhằm ủng hộ và tuyên truyền tầm quan trọng của chất lượng vệ sinh đến những người dân Ấn Độ.





Là một trong những đất nước đang phát triển với số dân sống dưới mức nghèo chiếm phần lớn, chất lượng vệ sinh của Ấn Độ được đánh giá ở mức thấp. 

Khoảng 800 nghìn trong số 1,2 tỉ dân của đất nước này không được tiếp cận với điều kiện vệ sinh tối thiểu. Sự thiếu vắng nhà vệ sinh công cộng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện vệ sinh của người dân, nhất là với phụ nữ và trẻ em.



Bằng việc xây dựng bảo tàng này, Tổ chức Dịch vụ Xã hội Quốc tế Sulabh muốn nêu bật vấn đề về vệ sinh với các nhà hoạch định chính sách. Những bồn xí cũng được sử dụng như một công cụ giáo dục và tuyên truyền không chỉ đối với giới trẻ mà còn với tất cả người dân.



Bảo tàng hiện sở hữu một bộ sưu tập độc nhất vô nhị những hình ảnh, tin tức và hiện vật phản ánh quá trình phát triển và biến đổi của lịch sử nhà vệ sinh từ 2.500 năm TCN cho đến thời hiện đại. Tất cả mang lại cho du khách một cái nhìn đầy đủ nhất về lịch sử nhà vệ sinh. 


Những ảnh hưởng của sự biến đổi nền công nghệ hiện đại và các tập quán khác nhau được phản ánh trên từng bồn cầu khác nhau. Qua những gì được trưng bày tại đây chúng ta có thể biết được về tập quán xã hội, các nghi thức trong nhà vệ sinh, điều kiện vệ sinh và nỗ lực cải cách của chính quyền trong từng thời đại. 



Hình ảnh bản sao bồn xí của vua Louis XIV.

Một trong những vật trưng bày nổi bật ở đây là bản sao bồn xí của vua Louis XIV. Được chế tạo tích hợp với... ngai vàng của nhà vua, người ta tin rằng, chiếc bồn cầu đặc biệt này đã được chế tạo nhằm giúp nhà vua “giải quyết” ngay trong khi thượng triều. Bên cạnh đó, nơi đây cũng có những mẫu vật của các nhà vệ sinh “tưởng tượng” như bồn cầu điện với tính năng biến chất thải thành... tro.





Một phần khác của bảo tàng được dành riêng cho việc “sử dụng” chất thải. Bảo tàng đã xây dựng một nhà vệ sinh công cộng tích hợp cả phòng tắm với không gian rộng rãi thoải mái. Bên trong có cả vòi hoa sen và khu vực giặt là. 

Họ chuyển đổi chất thải từ nhà vệ sinh này vào một hệ thống để tạo ra năng lượng hoặc dùng làm phân bón. Năng lượng lấy được từ đây được sử dụng cho khu bếp và hệ thống đèn phía ngoài khu trưng bày. Nước tiểu của các nhân viên cũng được lưu trữ để... tưới cây.



Với những giá trị về lịch sử cũng như tính thực tiễn đặc biệt và độc đáo, bảo tàng thu hút rất nhiều du khách tò mò muốn khám phá lịch sử vệ sinh thế giới. Nếu có dịp thì đây sẽ là điểm đến lý thú giúp bạn hiểu thêm về các loại "bệ xí" tự cổ chí kim.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Mirror, Dailymail...