Thân phận đời thực của Peter Pan - cậu bé không bao giờ lớn

Bích Đào, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 13/08/2014

Cùng đi tìm lời giải về nguồn gốc thân phận nhân vật Peter Pan - cậu bé không bao giờ lớn.

Thông tin nam diễn viên tài năng Robin Williams qua đời khiến không ít khán giả, đặc biệt là khán giả thế hệ 8X và 9X tiếc nuối. Trong sự nghiệp kéo dài 40 năm, cố nam diễn viên Robin Williams đã đóng vô số các bộ phim lớn nhỏ, một trong số đó là bộ phim bom tấn Hook (1991) với vai diễn cậu bé Peter Pan được rất nhiều khán giả nhí ưa thích.

Trong phim, ông thủ vai cậu bé Peter Pan khi đã lớn tuổi, buộc phải đối đầu với Thuyền trưởng Hook sau khi bị hắn bắt cóc con cái. Trở về Neverland, Peter Pan đã thách đấu để giải cứu đàn con, đồng thời giành lại tuổi thanh xuân của bản thân.


 Cố diễn viên Robin Williams thủ vai Peter Pan trong phim Hook.

Peter Pan là một trong những nhân vật thần thoại được yêu mến nhất bởi trẻ em trên toàn thế giới. Hình tượng cậu bé không bao giờ lớn, luôn nghịch ngợm, vừa tinh quái lại đáng yêu đã đốn ngã trái tim của hàng vạn người. 

Nhưng thắc mắc về việc Peter liệu có hoàn toàn chỉ là một nhân vật hư cấu hay cậu tồn tại thật trên đời vẫn là một câu hỏi khó giải đáp. Chúng ta hãy cùng nhìn vào một hướng giải thích có phần bất ngờ về nguồn gốc thân phận của nhân vật cổ tích kinh điển này qua bài viết dưới đây.



Peter Pan là nhân vật chính trong câu chuyện nổi tiếng cùng tên của nhà văn J.M Barrie. Hình tượng cậu thiếu niên nghịch ngợm này trở nên nổi tiếng toàn cầu nhờ vào các tác phẩm của hãng hoạt hình danh tiếng Walt Disney. 




Trong truyện, Peter sống ở vùng đất thần tiên Neverland cùng với các “lost boys”- những cậu bé đi lạc và cô tiên nhỏ Tinkerbell. Cậu luôn tìm cách chối bỏ “sự trưởng thành” và mãi không chịu lớn cho đến khi gặp Wendy - một cô bé đáng yêu ở London. Cô bé đã cho cậu thấy một thế giới khác và khiến Peter thay đổi suy nghĩ của mình.




Nhân vật Peter Pan được cho là một nhân vật hoàn toàn hư cấu và được nhà văn J.M Barrie sáng tạo dưới ảnh hưởng của nhiều tác phẩm văn học khác nhau. 

Trong đó bao gồm cuốn sách yêu thích thời thơ ấu của ông - cuốn “Robinson Crusoe” cùng với một bài thơ sử thi của Thomas Tickell có tên “Kensington Gardens” nói về một chú bé được nuôi dưỡng bởi các nàng tiên. 



Tuy nhiên, có một giả thuyết nói rằng, hình tượng của Peter Pan thực ra được lấy cảm hứng từ một người có thật ngoài đời, đó là Peter - chú bé người rừng. 

Peter - chú bé người rừng nổi tiếng đến mức cậu được coi là một trong những hình tượng nổi bật ở Đức và Anh vào thế kỉ XVIII - rất lâu trước khi câu chuyện cổ tích Peter Pan ra đời. 


 Bức tranh vẽ Peter trong lâu đài Kensington-London.

Chú bé người rừng này đã thu hút sự chú ý của hàng vạn người, trong số đó có vua George đệ nhất, nữ hoàng Anh quốc - Caroline hay những nhà văn đương đại nổi tiếng như Daniel Defoe và Jonathan Swift thời đó.

Peter nổi tiếng đến nỗi mà vào thời điểm chú “ra mắt” xã hội Anh vào mùa xuân năm 1726, không có bất kỳ sự kiện nào khác có thể sánh kịp với điều này.




Điều đặc biệt ở Peter đó là chú được phát hiện khi sống một mình trong rừng, với hành động như của một động vật hoang dại dù được ước tính đã khoảng 20 tuổi. Cậu bé này, với danh tính và cha mẹ đều không rõ đã sống một cuộc sống hoàn toàn hoang dã trong một khoảng thời gian dài. 

Peter được cho rằng, đã sống sót bằng cách ăn thực vật trong rừng. Cậu đi trên cả tứ chi như động vật, có những hành vi không hề giống người và hoàn toàn không biết giao tiếp bằng ngôn ngữ nói của người. 


Hình ảnh vua George đệ nhất.

Peter được tìm thấy bởi đoàn đi săn của nhà vua xứ Wales - George đệ nhất (1660 - 1727) khi ông tới thăm quê hương Hanover của mình. Với ngoại hình kì quái như một con thú: móng vuốt, khuôn mặt biến dạng, miệng rộng và thở dốc như loài sói, Peter đã khiến nhà vua vô cùng kinh ngạc. 

Ông đã dẫn cậu về để ở trong cung như một trò tiêu khiển. Sau này, nhà vua đã tặng Peter cho con gái mình - nữ hoàng Caroline ở Anh.




Sống trong cung, đã nhiều lần Peter được dạy về ngôn ngữ và tiếng nói cũng như cách đi đứng bình thường của con người. Tuy nhiên, tất cả điều này đều quá lạ lẫm với Peter. Mặc cho những nỗ lực cố gắng dạy ngôn ngữ của nhiều người, cuối cùng cậu bé cũng chỉ có thể học được cái tên của mình. 



Câu chuyện về cậu bé người rừng đầy mới lạ này là chủ đề của mọi cuộc bàn tán ở London cũng như thu hút sự chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, thơ ca... thời bấy giờ. Chú được coi như một “con thú cưng của hoàng gia” vào thời điểm này.




Sau này với khoa học tiên tiến, người ta đã xác định ra rằng Peter mắc một căn bệnh có tên là hội chứng Pitt-Hopkins. Hội chứng khủng hoảng gene di truyền này khiến cho người bệnh bị chậm phát triển trí tuệ, với các đặc điểm ngoại hình như dáng người thấp bé, tóc xoăn thô, mi mắt dài cụp, miệng rộng và môi dày. 

Điều này cộng với việc bị bỏ rơi từ trong rừng từ nhỏ khiến Peter dễ dàng trở thành một “người sói” của thời kì này.



Liệu hình tượng Peter Pan có đúng là được lấy cảm hứng từ sức sống hoang dã của chú bé người rừng Peter?

Người ta kể rằng, trong suốt cuộc đời của mình, thậm chí cho đến khi đã 70 tuổi, Peter vẫn lưu giữ một diện mạo và nguồn năng lượng trẻ trung. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng Peter vẫn có một vẻ ngoài khỏe mạnh và tươi mới, một vóc dáng nhạy bén và khôn ngoan. Ông có sự dịu dàng của thiên nhiên và sức khỏe thậm chí hơn một chàng trai đôi mươi.



Liệu có phải chính sức khỏe phi thường cùng nguồn năng lượng luôn trẻ trung của Peter chính là nguồn cảm hứng cho nhà văn J.M Barrie để xây dựng lên hình tượng của cậu bé Peter Pan trẻ mãi không già? 

Đây cũng chỉ là một giả thuyết được đặt ra bởi vì bản thân tác giả không hề nhắc gì đến điều này. Tuy nhiên ta có thể dễ dàng thấy được niềm vui, sự ngây thơ và ngọn lửa sức sống có phần hoang dại của chú bé người rừng Peter trong hình tượng cậu bé thần kì của Neverland này. 

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: PeterPan True Story, Wikipedia...