Sự thật khoa học đằng sau những “thành ngữ” thời hiện đại

Thanh Long, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 02/05/2015

Con đường gần nhất tới trái tim đàn ông là thông qua dạ dày, người ghét bạn sẽ không bao giờ hết ghét (haters gonna hate)… là những câu nói được khoa học chứng minh đúng đắn 100%.

Từ xa xưa, những kinh nghiệm cuộc sống thường được ông cha đúc kết trong rất nhiều thành ngữ, tục ngữ dân gian. 

Ngày nay, kho tàng này không ngừng được mở rộng và phát triển với những “thành ngữ” thời đại mới. Có thể kể tới như “Con đường gần nhất tới trái tim đàn ông là thông qua dạ dày”, “người ghét bạn sẽ không bao giờ hết ghét”… 

Thoạt nghe, nhiều người cho rằng đây chỉ đơn thuần là những câu nói cửa miệng vô căn cứ. Nhưng sự thật thì không phải như vậy… 

1. “Người ghét bạn sẽ không bao giờ hết ghét!” (Haters gonna hate)

Đây là một câu nói khá thịnh hành ngày nay. Tuy rất khó dịch sát nghĩa ra tiếng Việt song hiểu một cách đơn giản, khi bạn thành công, bên cạnh những lời khen, bạn sẽ nhận được những lời chê bai, ghen tức kiểu “anh hùng bàn phím” trên mạng xã hội. Bạn sẽ bỏ mặc lời nhận xét, quay lưng bỏ đi và nói : “Haters gonna hate” (những kẻ ghen ăn tức ở thì sẽ luôn như vậy thôi mà).



Mới đây, các nghiên cứu khoa học đã gọi hiện tượng tâm lý này là “thái độ tiêu cực thường trực”. Theo đó, con người sẽ có xu hướng tỏ ra ghen tức với thành công của người khác và tìm cách “dìm hàng” họ nhằm thể hiện bản thân. 



Một khảo sát tiến hành năm 2013 nhằm phân tích và đánh giá các bình luận trên mạng xã hội đã cho kết quả rằng: đa phần mọi người trên mạng xã hội đều có xu hướng dìm hàng người khác bằng nhiều cách khác nhau. Hành động này xuất phát từ tâm lý muốn thể hiện cái “tôi” trong mọi hoàn cảnh. 

Vì vậy, "Haters gonna hate" có thể coi là lời khuyên của các nhà khoa học dành cho tất cả chúng ta trong cuộc sống.

2. “Con đường gần nhất tới trái tim đàn ông là thông qua dạ dày!”

Câu nói này thông dụng đến mức trở thành một bí kíp dành riêng cho các chị em. Theo đó, những người phụ nữ cần trở nên đảm đang và làm nhuần nhuyễn việc nấu nướng nếu muốn người đàn ông của mình được hạnh phúc. Tuy nhiên không ít người sẽ thắc mắc, tại sao không phải là một thứ khác mà lại phải là dạ dày ? Sự thật thì, đối với đàn ông, ăn uống còn thú vị hơn cả “chuyện ấy”.



Magnum - một công ty chuyên về các món tráng miệng tại Úc mới đây công bố kết quả của cuộc khảo sát trên gần 10.000 người đàn ông nước này. 

Theo đó, hầu hết họ đều thừa nhận rằng mình tìm thấy niềm vui từ thực phẩm nhiều hơn là đụng chạm thể xác. Trong danh sách những thứ khiến các chàng “sung sướng”, “chuyện ấy” thực sự chỉ đứng thứ tư.

 

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng đã từng được thực hiện vào năm 1994 bởi tiến sỹ, nhà thần kinh học Alan Hirsch về những yếu tố kích thích nam giới và cũng nhận được kết quả tương tự.

3. “Trông mấy người nước ngoài cứ na ná nhau thế nào ấy!”

Nếu như bạn từng tiếp xúc với nhiều người nước ngoài chắc hẳn bạn sẽ nhận ra điều này và sự thật là không ít hướng dẫn viên của các đoàn khách nước ngoài gặp phải những tình huống nhầm lẫn trớ trêu khi không thể nhớ nổi mặt mũi du khách của đoàn mình.



Theo phân tích của các chuyên gia thuộc ĐH Northwestern, “người nước ngoài giống nhau” là một hiện tượng tâm lý phổ biến. Theo đó, người ở chủng tộc này sẽ phải mất thời gian lâu hơn để ghi nhớ những chi tiết trên khuôn mặt của những người chủng tộc khác. 

Để chứng minh, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các máy điện tâm đồ để đo hoạt động của não ở tình nguyện viên trong khi cho họ xem một chuỗi các khuôn mặt lạ khác chủng tộc.



Kết quả là, khi một người da trắng nhìn thấy hình ảnh của một người da trắng, não họ sẽ bắt đầu làm việc để nhớ từng chi tiết trên khuôn mặt của người này. 

Trong khi đó cho họ xem ảnh của một người da vàng châu Á, dường như não họ chỉ có một nhận thức : “Đó chắc chắn là một người châu Á!” và gần như dừng lại ở đó. Điều tương tự cũng xảy ra khi cho người châu Á xem ảnh người da trắng, hay người da đen. 

4. “Mặc áo ấm kẻo bị cảm lạnh đó!”

Đây là câu nói bạn thường xuyên nhận được từ cha mẹ hay bạn bè khi ra đường vào ban đêm hoặc mùa đông. Tuy nhiên, có một nghịch lý rằng phần lớn học sinh đều được dạy: cảm lạnh là do một loại virus gây ra chứ không phải thời tiết lạnh. Vậy phải chăng lời khuyên nói trên là vô căn cứ?



Sự thật là dưới góc nhìn khoa học, thời tiết không trực tiếp gây ra ốm sốt song lại là nhân tố quyết định bạn có bị cảm lạnh hay không. 

Nhưng theo phân tích của các nhà khoa học, một số virus gây cảm lạnh xuất hiện theo mùa và xảy ra thường xuyên hơn trong điều kiện thời tiết lạnh. Vì kiểu thời tiết này làm hệ thống hô hấp của con người nhạy cảm hơn. 



Mặt khác, độ ẩm không khí lại thấp làm tăng tỷ lệ lây nhiễm do không khí khô làm virus khuếch tán xa và tồn tại lâu hơn. Ngoài ra, nhiệt độ thấp cũng làm mát các mạch máu, khiến thân nhiệt giảm và các chức năng miễn dịch vì thế cũng giảm theo.

Để minh chứng cho điều này, các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm đối với các tình nguyện viên khi cho họ ngâm chân trong nước đá 20 phút. 

Kết quả là sau một tuần, 29% trong số họ được xác định là đã bị cảm lạnh. Trong khi đó, nếu họ chỉ ngồi và đọc báo thông thường thì tỉ lệ cảm lạnh giảm xuống chỉ còn 9%.

Nguồn: Cracked