Phát hiện trí nhớ "quái gở" của giác quan con người

, Theo Pháp luật xã hội 11:08 03/03/2014

Nghiên cứu mới đã chỉ ra, trí nhớ của chúng ta phát huy tốt hơn khi ta ghi nhớ bằng hình ảnh hoặc tiếp xúc.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra, bộ nhớ của chúng ta dễ dàng ghi nhớ những gì ta nhìn thấy hoặc chạm vào hơn là chỉ nghe đơn thuần. 

Để đưa ra được kết luận này, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Iowa đã tiến hành thử nghiệm trên một nhóm sinh viên. Trong một thí nghiệm kiểm tra trí nhớ ngắn hạn, những người tham gia được yêu cầu lắng nghe các âm thanh đơn (tiếng "beep") qua tai nghe, nhìn vào vô số hình thù - các hình vuông màu đỏ và cảm nhận cường độ rung nhẹ gây ra từ một thanh nhôm. 

Phát hiện trí nhớ "quái gở" của giác quan con người 1

Mỗi nhóm âm thanh, hình vuông và độ rung được tách riêng với các khoảng thời gian trì hoãn khác nhau, tăng dần từ 1 - 32 giây. Trong thời gian ngắn hạn, trí nhớ về 3 loại (âm thanh, hình ảnh, độ rung) trên là tốt như nhau. Tuy nhiên, trí nhớ của các sinh viên này sẽ giảm khi thời gian trì hoãn kéo dài. Chỉ từ 4 - 8 giây sau khi tiếp xúc, hầu hết sinh viên đã gặp khó khăn trong việc ghi nhớ tiếng "beep" hơn là hình ảnh hay độ rung. 

Phát hiện này giúp bạn giải thích được tại sao lại dễ quên một số điện thoại nếu không ghi lại chúng. Nhà nghiên cứu Amy Poremba thuộc ĐH Iowa cho biết: “Nếu ai đó cho bạn một số điện thoại và bạn bấm số gọi lại ngay, bạn sẽ ghi nhớ dãy số đó. Nhưng chỉ cần bất cứ điều gì xen vào giữa thì tôi dám đánh cược rằng, bạn sẽ quên mất ngay dãy số đó”.

Ở cuộc thử nghiệm thứ hai, tiến sĩ Poremba cùng đồng nghiệp kiểm tra trí nhớ người tham gia bằng cách sử dụng những thứ họ gặp, tiếp xúc hàng ngày. Các sinh viên nghe đoạn băng ghi âm tiếng chó sủa, xem đoạn băng video chơi bóng rổ không có tiếng (tắt tiếng) và chạm vào những đồ vật mà không được nhìn, ví dụ như một cốc cà phê. 

Phát hiện trí nhớ "quái gở" của giác quan con người 2

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, trong khoảng một giờ và vài ngày sau đó, các sinh viên ghi nhớ kém hơn về âm thanh mà họ đã nghe thấy, nhưng trí nhớ về hình ảnh thị giác và đồ vật họ được chạm vào là giống nhau.

Cả hai thử nghiệm trên đều cho thấy, cách mà não chúng ta xử lý, lưu trữ âm thanh có thể khác hơn so với cách mà nó làm với dạng trí nhớ khác. 

Poremba cho biết: "Nghiên cứu với các loài linh trưởng như khỉ, tinh tinh cho thấy, chúng có trí nhớ vượt trội về thị giác và xúc giác nhưng cảm thấy khó khăn ở các nhiệm vụ về thính giác. Dựa trên những quan sát này, các tác giả tin rằng, có khả năng nguồn gốc của việc con người nhớ âm thanh kém là từ quá trình tiến hóa của não bộ động vật linh trưởng".

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí PLoS ONE.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)