Mổ xẻ tâm lý của một tên trộm khi đang "lén lút hành sự"

Bích Đào, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 22/06/2015

Các chuyên gia cho rằng, trộm cướp không phải là những kẻ bốc đồng, cơ hội mà lại là những “chuyên gia” với kỹ năng tự động trình độ cao.

Nói đến trộm, bạn hẳn đã hình dung ra hình ảnh một người trùm kín mặt, cùng bộ dạng lén lút vào nhà bạn và lấy đi những món đồ vật quý giá. Tuy nhiên, bạn có cho rằng, tên trộm là những người bốc đồng và chỉ đột nhập khi phát hiện "món mồi ngon".

Nhưng sự thật không hẳn như bạn nghĩ bởi nghiên cứu mới nhất của nhà tâm lý học pháp y Claire Nee thuộc trường ĐH Portsmouth tiết lộ cho chúng ta cách hành động và suy nghĩ của một tên trộm thực thụ. 

Đối với cô, trộm cắp không phải là những kẻ bốc đồng, cơ hội mà lại là những “chuyên gia” với kỹ năng tự động trình độ cao.



Những tên trộm và bản năng ăn trộm đặc biệt

Nee đã bắt đầu nghiên cứu của mình bằng việc đến thăm những tên tội phạm thực thụ trong tù và cẩn thận tra hỏi về cách chúng đã thực hiện “lỗi lầm” của mình. 

Sử dụng những câu hỏi phỏng vấn, cô nhẹ nhàng dò hỏi tên trộm để kích thích trí nhớ của họ. Bên cạnh đó, cô cũng đưa họ xem lại ảnh và sơ đồ căn nhà “hiện trường vụ án” nhằm khai thác chiến lược ăn cắp của những tù nhân này.



Để tìm hiểu sâu hơn về tâm lý của những tên trộm trong quá trình “hành sự”, Nee đã thực hiện một thí nghiệm thực tế. Cô đã mời một nhóm sinh viên cùng một số tên trộm đã bị kết án đến một ngôi nhà an toàn của cảnh sát để trộm. 

Trong suốt quá trình họ tìm cách đột nhập và ăn cắp, cô theo dõi qua máy quay để có được cái nhìn toàn cảnh về một vụ trộm thực sự.



Trong suốt thí nghiệm của mình, Nee đã phát hiện ra rằng hầu hết những tên trộm đều có một “bản năng ăn trộm” đặc biệt, cho phép chúng ngay lập tức khai thác những cơ hội trước mắt một cách vô thức. 

Cách tính toán "đường đi nước bước" trong một vụ ăn trộm hoàn hảo



Một khi đã chọn được mục tiêu và đột nhập thành công, bản năng này phát huy tác dụng và giữ cho tên trộm “một cái đầu lạnh”. 

Thay vì bị hoa mắt bởi những đồ vật đắt tiền nhưng to và dễ khiến chúng bị phát hiện, những tên trộm chuyên nghiệp lại có một thói quen khá giống nhau. 

Thông qua một thí nghiệm thực tế phát triển cùng nhà nghiên cứu Martin White của Đại học Sussex, Nee đã phát hiện được, những tên trộm có kinh nghiệm sẽ đi qua phòng ngủ trên lầu đầu tiên rồi kế tiếp đi xuống phòng khách.



Trên đường đi, chúng dễ dàng phát hiện các túi áo khoác để ví và thẻ tín dụng cũng như những loại quần áo thiết kế, đồ trang sức và vật nhỏ có giá trị khác. 

Hành động này của chúng đối lập với những gì nhóm tình nguyện viên làm khi mà nhóm này dễ bị xao nhãng bởi những đồ vật to hơn hay đồ điện tử - những thứ dễ hỏng hóc một cách nhanh chóng.

Bạn có tin, với trung bình chỉ 4 phút bên trong căn nhà, những tên trộm chuyên nghiệp dễ dàng lấy đi một khoản tài sản tương đương 1.560 USD (khoảng 34 triệu VND).



Việc đáng chú ý là hầu hết những hành động được thực hiện trong quá trình ăn trộm này của chúng đều là vô thức, làm theo bản năng. 

Chính vì thế mà tên trộm chuyên nghiệp không gặp nhiều rào càn tâm lý như nỗi lo bị bắt. Việc tìm kiếm tài sản có giá trị đối với chúng đã trở thành một bản năng tự nhiên hay một thói quen.



Đánh giá về việc này, Nee so sánh những tên trộm như những người làm các công việc cần kĩ năng cao (âm nhạc, cờ tướng hay tennis). Điểm chung mà cô thấy ở họ là tính hệ thống và vô thức của hành vi - sự thuần thục và phản xạ hành động đã đi vào bản năng.

Chính vì vậy mà cô cho rằng cũng như các hoạt động kĩ năng chuyên nghiệp kể trên, hành vi trộm cắp cũng dựa trên một “sơ đồ tâm lý” phức tạp. 

Theo Nee, để làm được bất cứ việc gì, chúng ta đều có một công thức riêng. Và khi con người trở nên chuyên nghiệp về một công việc nào đó, những công thức này xây dựng một “sơ đồ tâm lý” dày đặc nhưng liên kết đến nỗi đứng trước một vấn đề chỉ cần nhìn thấy một gợi ý là cơ thể tự hành động giải quyết vấn đề theo bản năng.



Nói cách khác, những tên trộm tự rèn luyện mình để có thể phản ứng một cách vô thức với các kích thích thường thấy từ môi trường bên ngoài trong quá trình ăn trộm, tạo ra phản ứng vô thức và bản năng, giúp chúng hoàn thành vụ trộm một cách hoàn hảo.



... và cách thức thực tế phòng trừ nạn trộm cắp

Với kết luận như vậy, Nee mong muốn có thể vạch ra những cách thức thực tế nhằm phòng trừ nạn trộm cắp. Theo nghiên cứu, lũ trộm đã quen một thứ tự ăn trộm nhất định cũng như những vấn đề thường xảy ra trong quá trình “hành sự” của mình. 

Chính vì thế mà Nee cho rằng, chỉ bằng những kích thích nhỏ, bất ngờ và khác biệt, chúng ta có thể khiến tên trộm bối rối và không thể dựa vào hệ thống “bản năng” của mình nữa.



Đánh lừa bản năng của tên trộm chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Ví dụ như bạn tạo ra những tiếng ồn khác lạ trong nhà khi bạn đi vắng, sắp xếp đồ đạc có giá trị một cách khác biệt… 

Bên cạnh đó, các nhà tâm lý điều trị cho những tên trộm bị kết án cũng có thể đào tạo chúng bỏ qua đặc điểm kích thích một vụ trộm (như cửa sổ mở của một căn nhà trống) nhằm xóa bỏ mong muốn trộm cướp trước khi nó bắt đầu.

Dù chỉ là những hành động nhỏ nhưng những điều này có khả năng tác động rất lớn đến tội phạm và phần nào ngăn chặn những vụ trộm cắp trong tương lai.

Nguồn: BBC, Psychology