Giải mã lí do thức đêm khó dậy sớm

Quốc Trung, Theo 00:00 05/10/2011

"Bật mí" nghiên cứu vì sao có hội "cú đêm" chuyên thức muộn, dậy muộn và những chú "chim chăm chỉ" ngủ sớm, dậy sớm.

Nếu tối nay bạn thức khuya học bài hay xem một bộ phim yêu thích, để rồi sáng hôm sau không tài nào chịu nổi chuông báo thức, thì chứng tỏ bạn thiên về nhóm “cú đêm”. Trong khi đó, những bạn “chim chăm chỉ” thường không thể thức quá lâu, song bù lại có thể rất tỉnh táo vào buổi sáng. Đã bao giờ bạn băn khoăn về sự khác biệt này chưa?


Sự khác biệt giữa “chim chăm chỉ” và “cú về đêm”.

Gần đây, các nhà khoa học bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu vấn đề này. Họ nhận thấy rằng đồng hồ sinh học ở mỗi người là khác nhau và được quy định sẵn từ trong gen. 


Dù quen ngủ sớm, có thể bạn sẽ vẫn ép mình phải thức khuya.

Bí ẩn đằng sau việc ngủ sớm hay muộn nằm trong đồng hồ sinh học - một chu trình lặp đi lặp lại 24 tiếng đồng hồ đối với hầu hết các sinh vật. 


Đồng hồ sinh học quy định chúng ta ngủ sớm hay muộn.

Khu vực điều khiển đồng hồ sinh học nằm ở các tế bào thần kinh vùng não giữa, phía sau hai mắt của chúng ta. Khu vực này được các nhà khoa học gọi là “Suprachiasmatic Nuclei” (hay SCN). “Máy điều hòa” đồng hồ sinh học này điều khiển những chu kỳ nội tiết hoặc hormon, liên quan đến rất nhiều thứ trong cơ thể con người.


Tương tác của các gen quy định đồng hồ sinh học mỗi người.

Sự phối hợp hoạt động của hàng vạn gen quy định đồng hồ sinh học trong cơ thể mỗi người. Năm 2003, các nhà nghiên cứu đã phát hiện “gen đồng hồ” - một gen có vai trò quan trọng trong việc điều khiển đồng hồ sinh học. Những bạn “chim chăm chỉ” có vùng gen này dài hơn so với các bạn “cú đêm” đấy!

Giáo sư Frederik Brown, khoa Tâm lý Đại học Penn State (Mỹ) nhận định khoảng một nửa dân số thế giới nằm trong khoảng giữa, không hẳn là “chim chăm chỉ” mà cũng chẳng là “cú về đêm”. Những người này thỉnh thoảng có thể đi ngủ muộn hơn hoặc dậy sớm hơn 1, 2 tiếng mà không cảm thấy quá khó khăn.

Một nửa số còn lại phân vào hai nhóm “chim” (ngủ sớm, dậy sớm) và “cú” (ngủ muộn, dậy muộn) nhưng với những mức độ khác nhau.


Các bạn nhóm cú về đêm trải qua “pha ngủ trễ”

Một số nhà khoa học ước tính khoảng 17% chúng ta có “pha ngủ trễ”, tức là cảm thấy buồn ngủ về đêm muộn hơn rõ rệt so với người bình thường.

Trong khi đó, những con “chim chăm chỉ” hiếm gặp hơn, chỉ chiếm khoảng 1% dân số. “Pha ngủ sớm” xảy ra với những người này khiến họ buồn ngủ rất sớm vào buổi tối và tỉnh như sáo lúc bình minh.

Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, độ tuổi cũng có ảnh hưởng nhất định đối với giờ giấc ngủ - dậy. Teen nhà mình thường có xu hướng “cú” nhiều hơn do một phần lượng hormon trong cơ thể tăng lên cũng như các thói quen sinh hoạt, như thức khuya ôn bài chẳng hạn. Vì thế, dù thức khuya nhiều, bạn cũng chưa chắc đã là "cú" về mặt sinh học.


Chu trình sinh học thường khó có thể thay đổi

Ngoài ra còn tồn tại một nhóm có đồng hồ sinh học quy định giờ ngủ rất muộn. Họ là những người mắc phải chứng “rối loạn pha ngủ trễ” hiếm gặp. Chỉ khoảng 0,15% dân số có mắc phải chứng này.

Các nhà khoa học tin rằng là “chim” hay “cú” không phải là yếu tố phản ánh sức khoẻ thực sự của mỗi người, thế nên nếu bạn thấy mình là thuộc về nhóm nào thì cũng đừng lo lắng nhé. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng góp ý rằng thời gian biểu của mỗi người cần được sắp xếp linh hoạt và hợp lý với đồng hồ sinh học của bản thân, đặc biệt là với những bạn “cú về đêm”.